Bộ Công Thương đề xuất nhiều giải pháp gỡ khó cho XNK tại các cửa khẩu phía Bắc
Cuộc họp được kết nối đến 24 điểm cầu UBND một số tỉnh thành, trong đó có tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh - hai địa phương đang xảy ra tình trạng lượng xe tải chở hàng hóa, nông sản ùn tắc kéo dài nhiều ngày nay. Cùng tham dự cuộc họp còn có lãnh đạo các Bộ ngành, gồm Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, theo Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc, tổng số phương tiện đang chờ tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc đến sáng ngày 25/12/2021 là 5.759 xe.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 25/11/2021 đến ngày 21/12/2021, phía Trung Quốc tăng cường kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn nên nhiều doanh nghiệp đưa hàng về Móng Cái để thông quan, dẫn đến nhu cầu thông quan tăng đột biến. Tổng lượng xe tồn tại thành phố Móng Cái tính đến sáng ngày 25/12/2021 là 1.555 xe. Hiện nay, các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tạm ngừng hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp |
Trong khi đó, tổng lượng xe tồn tại 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma của tỉnh Lạng Sơn đến sáng ngày 25/12/2021 là 4.204 xe, giảm 125 xe so với 4.329 xe tồn tại thời điểm sáng ngày 24/12/2021. Tỉnh Lào Cai không có xe tồn, tuy nhiên cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành tạm dừng thông quan hiện chưa xác định ngày mở cửa lại.
“Có thể thấy nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu dẫn đến hiện tượng ùn tắc hàng hóa là do Trung Quốc dừng hoàn toàn hoạt động thông quan tại gần như tất cả các cửa khẩu, trong đó có những cửa khẩu quan trọng, lượng hàng hóa xuất khẩu bình thường rất lớn như Kim Thành (Lào Cai), Tân Thanh (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh). Với các cửa khẩu còn tạm thời mở cửa (như Hữu Nghị, Chi Ma), quy trình giao nhận hàng hóa được xiết rất chặt để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh, dẫn đến ùn tắc trên diện rộng”- báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ.
Bên cạnh đó mặc dù phía Việt Nam đã chủ động giao thiệp ở tất cả các cấp để giữ cho lưu thông hàng hóa được thông suốt, nhưng phía Trung Quốc vẫn hết sức quan ngại và chủ động tăng cường thêm các biện pháp. Mới nhất là ngày 11/12/2021, Trung Quốc ra Công điện số 14/2021 gửi các bộ, ngành và địa phương về việc tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu.
Trong báo cáo tại cuộc họp của Bộ Công Thương nêu nhiều đề xuất tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu hàng hoá qua biên giới |
Nội dung công điện này cho thấy, Trung Quốc tiếp tục kiên trì chính sách “Zero Covid”, trong đó có việc quản lý nghiêm ngặt đối với người và hàng hóa nhập cảnh. Lái xe chuyên trách giao nhận hàng xuất nhập khẩu và nhân viên phòng chống dịch làm việc tại cửa khẩu, cảng biển của Trung Quốc có tiếp xúc với hàng hóa được xác định là đối tượng rủi ro cao, phải cách ly bắt buộc 21 ngày trước khi rời khỏi khu vực cửa khẩu biên giới hoặc cảng biển về quê đón Tết. Sau khi Công điện số 14/2021 được ban hành, có thêm một số cửa khẩu bị đóng, đầu tiên là Chi Ma, rồi đến Tân Thanh, sau đó là Móng Cái dẫn đến ùn tắc phát sinh. Tình hình ùn tắc càng trở nên trầm trọng khi Việt Nam vào thời điểm chính vụ thu hoạch một số nông sản, trái cây tươi xuất khẩu.
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng đề cập đến một số nguyên nhân của tình trạng trên. Đó là nên nhiều sản phẩm chỉ xuất khẩu được sang Trung Quốc theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch). Việt Nam đã ký FTA với Trung Quốc và công tác đàm phán về thuế nhập khẩu đã hoàn tất, rất nhiều nông sản đã được hưởng thuế nhập khẩu 0% khi xuất vào Trung Quốc nhưng đàm phán về quản lý chất lượng hàng hóa còn chậm nên tới nay mới có 9 loại trái cây của ta được chính thức xuất khẩu vào Trung Quốc. Các địa phương tuy đã quan tâm tới sản xuất, xuất khẩu nông sản nhưng cũng có lúc, có nơi chưa được thực sự sâu sát.
Cùng đó cơ sở hạ tầng (bao gồm hạ tầng thương mại, logistics) cửa khẩu biên giới đường bộ chưa được đầu tư nâng cấp theo kịp nhu cầu và quy mô thương mại song phương. Trong khi đó, kết nối đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc qua 2 cửa khẩu quốc tế đường sắt (Lào Cai – Hà Khẩu và Đồng Đăng – Bằng Tường) chưa đồng bộ khiến đường sắt không thể phát huy đầy đủ vai trò trong vận tải, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và giảm tải cho đường bộ.
Để giải quyết tình trạng trên trước mắt Bộ Công Thương khuyến nghị các bộ, ngành phối hợp với UBND các địa phương kêu gọi, khuyến cáo thương nhân điều tiết việc đưa hàng lên biên giới phía Bắc, đặc biệt là các cửa khẩu đang có hiện tượng ùn tắc, bao gồm cả những trường hợp mà khách hàng Trung Quốc đã thanh toán tiền hàng. Nếu xe vẫn tiếp tục lên cửa khẩu, đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu điều tiết sớm lượng xe này vào chờ tại các địa phương phía sau, bởi từ nay tới Tết Nguyên đán chỉ có thể xử lý các xe đang tồn tại cửa khẩu, nhất là khi lao động phía Trung Quốc có thể nghỉ tới 21 ngày trước Tết để kịp hoàn thành thời gian cách ly.
Trường hợp khách hàng Trung Quốc đã thanh toán tiền hàng và vẫn đề nghị đưa hàng lên biên giới, yêu cầu thương nhân trao đổi với khách hàng Trung Quốc để giao hàng qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh khác (như Cao Bằng) nhằm giảm ùn tắc tại Lạng Sơn, Quảng Ninh hoặc chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác (như đường sắt, đường biển mà hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản đang làm rất tốt).
UBND các tỉnh biên giới, đặc biệt là Lạng Sơn và Quảng Ninh, chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương thực hiện nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch bởi với lượng lái xe, phụ xe tập trung quá đông, nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh là rất lớn.
“Nếu để dịch bùng phát thì số ít cửa khẩu còn mở cũng đứng trước nguy cơ bị đóng, thiệt hại có thể còn lớn hơn nữa, không chỉ với xuất khẩu mà cả nhập khẩu đầu vào cho sản xuất trong nước”- Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
UBND các tỉnh biên giới phối hợp với các Bộ, ngành trao đổi, đàm phán với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý phía Trung Quốc về quy trình giao nhận chặt chẽ, bảo đảm an toàn để trên cơ sở đó mở lại các cửa khẩu quan trọng đang đóng (như Kim Thành, Chi Ma, Tân Thanh, Móng Cái), đồng thời tăng thời gian thông quan để giúp giải tỏa ùn tắc hàng hoá trước Tết Nguyên đán.
Một số giải pháp lâu dài đã được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nêu tại cuộc họp. Theo đó, UBND các tỉnh sản xuất nông sản lớn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để nâng tầm nông sản Việt, từ đó đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa phương thức vận chuyển, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng như sự phụ thuộc vào hình thức xuất khẩu "tiểu ngạch".
UBND các tỉnh sản xuất nông sản lớn tìm hiểu mô hình kết nối sớm để tiêu thụ nông sản sang Trung Quốc của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương để chủ động áp dụng tại tỉnh mình, qua đó vừa hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho dân, vừa giúp giảm bớt tình trạng ùn ứ tại các tỉnh biên giới khi vào vụ thu hoạch.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực đẩy nhanh tiến độ đàm phán về quản lý chất lượng để tăng thêm số lượng trái cây được chính thức xuất khẩu vào Trung Quốc cũng như các thị trường khác; đẩy nhanh đàm phán các Nghị định thư cần thiết với Trung Quốc để giảm tỷ lệ nông sản Việt Nam phải qua kiểm tra khi xuất khẩu vào Trung Quốc.
“Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Cẩm nang xuất khẩu chính ngạch để hỗ trợ thương nhân chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc (và sang các thị trường khác) theo hình thức chính ngạch, trong đó lưu ý việc tận dụng các phương thức vận tải khác như đường biển, đường sắt”- báo cáo nêu rõ.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét lại hình thức trao đổi cư dân biên giới ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình xúc tiến xuất khẩu thiết thực, hiệu quả, phù hợp nhu cầu thị trường và vận động doanh nghiệp tích cực tham gia, đặc biệt tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi trong bối cảnh dịch Covid-19, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến nhằm thúc đẩy tiêu thụ các loại nông sản.
Các ý kiến phát biểu tại cuộc họp đều bày tỏ sự nhất trí với các giải pháp nêu trong báo cáo của Bộ Công Thương. Đồng thời cho rằng, trước mắt các doanh nghiệp cần điều tiết, hạn chế đưa hàng hóa xuất khẩu lên biên giới; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh như khử khuẩn xe chở hàng, thường xuyên xét nghiệm cho tài xế, thiết lập vùng an toàn dịch bệnh…
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải nêu đề xuất Chính phủ nên giao Bộ Công Thương phối hợp với các tỉnh trong việc thiết lập “vùng xanh” cho xuất khẩu qua biên giới tới đây, các địa phương khi đưa sản phẩm lên “vùng xanh” xuất khẩu qua biên giới phải bảo đảm cao nhất về nguồn gốc xuất xứ hàng hoá.
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết tình trạng ách tắc tại cửa khẩu không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu mà còn ảnh hưởng đến các xe chở nguyên vật liệu đầu vào cho một số ngành sản xuất của Việt Nam trong đó có những vật liệu không thể đi được bằng hàng không mà phải đi bằng đường bộ. Cơ quan này đã nêu nhiều đề xuất trong đó đáng chú ý như như tăng cường đàm phán cấp cao với phía Trung Quốc để giải quyết thông quan hàng hoá bởi nếu chỉ đàm phán cấp tỉnh hiệu quả không như mong đợi. Cùng đó cần thiết xây dựng các kho lưu trữ hoặc điểm trung chuyển hàng hoá đặt cách xa các cửa khẩu trong đó ưu tiên dành cho nông sản, thuỷ sản xuất khẩu sang Trung Quốc, tránh hiện tượng dồn toa hết lên khu vực cửa khẩu.
Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, vấn đề mấu chốt hiện này là một bên áp dụng chính sách “zero Covid”, một bên “là thích ứng linh hoạt”. Cũng theo đại diện Bộ Ngoại giao, chính phía các địa phương Trung Quốc tuy áp dụng các giải pháp cứng rắn chống dịch Covid-19 song cũng rất sốt ruột trước việc ùn tắc tại các cửa khẩu bởi giao thương hiện này là giao thương hai chiều. Thông tin được lãnh đạo Bộ Ngoại giao đưa ra là phía Trung Quốc mong muốn phía y tế Việt Nam vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19, thiết lập vùng đệm để thực hiện xét nghiệm lâm sàng. Đồng thời phía Trung Quốc sẵn sàng có các hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn vật tư y tế phòng chống dịch.
Là đầu cầu xuất khẩu quan trọng của đất nước, trong phát biểu của mình, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu thông tin tỉnh đã thông tin trên trang điện tử UBND tỉnh từng ngày về thời gian, lượng xe thông quan; nhắn tin zalo với các doanh nghiệp, chủ hàng thường xuyên xuất nhập khẩu qua Lạng Sơn về tình trạng hằng ngày song theo ông, “mỗi ngày vẫn 60-70 xe vẫn từ các địa phương lên Lạng Sơn”.
Trung Quốc theo đuổi chính sách “Zero COVID”, nên siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch. Về thời gian thông quan, phía Trung Quốc vẫn triển khai trong giờ hành chính, không có chính sách cắt giảm, tuy nhiên do triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch, khử khuẩn xe và hàng, phải trung chuyển lái xe ở cửa khẩu... khiến tốn nhiều thời gian, gây ùn ứ. "Trung bình 1 giờ chỉ thông quan được 8 xe. 1 cửa khẩu 1 ngày chỉ thông quan được 88 xe"- ông Hồ Tiến Thiệu thông tin.
“Trước mắt các doanh nghiệp cần điều tiết, hạn chế đưa hàng hóa xuất khẩu lên biên giới; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh như khử khuẩn xe chở hàng, thường xuyên xét nghiệm cho tài xế, thiết lập vùng an toàn dịch bệnh”- Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn nói.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại cuộc họp |
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong các phương thức làm việc với phía Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu qua biên giới, trong đó có xuất khẩu nông sản, trái cây, Bộ Công Thương không chỉ có công thư mà có cả công hàm, giao thiệp trực tiếp.
Bộ trưởng chỉ rõ, nông sản Việt Nam phần lớn xuất khẩu theo tiểu ngạch, không theo quy hoạch, không đạt tiêu chí, tiêu chuẩn để xuất chính ngạch. Không những vậy, khi trên biên giới đã ách tắc, chúng ta không những không dừng mà vẫn cứ đưa xe lên, vượt quá công suất thông quan. “Những điều diễn ra trên đây cần được chấn chỉnh”- Bộ trưởng nhìn nhận.
Bên cạnh các giải pháp mà Bộ Công Thương nêu tại cuộc họp, Bộ trưởng cho rằng, các địa phương nước cần coi việc tiêu thụ nông sản không phải là "giải cứu" mà là trách nhiệm của mình. Đề nghị các địa phương hiệp hội, doanh nghiệp khẩn trương chuyển đổi phương thức sản xuất theo quy hoạch, phải có kế hoạch. Đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn truy xuất hàng hoá tránh ngẫu hứng.
Các địa phương có cửa khẩu cần thông tin kịp thời từng ngày, thậm chí có thể từng giờ về tình hình ùn ứ để các địa phương điều tiết, tạo điều kiện cho lái xe nghỉ ngơi, hình thành kho tạm trữ. Các ngành chức năng tạo điều kiện thông thoáng trong lưu thông, vận chuyển hàng hoá nông sản.
Theo Bộ trưởng, Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương cần tuân thủ quy luật kinh tế thị trường, tuân thủ tín hiệu thị trường. Các bộ ngành địa phương phối hợp nhuần nhuyễn hơn trong việc thông tin, tiếp cận thông tin, tránh đổ lỗi mà cần có những nhìn nhận đánh giá khách quan.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ Công Thương đã và luôn nỗ lực hết mình trong việc phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhằm tiêu thụ nông sản. Về phía các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động hợp tác hơn nữa với Bộ Công Thương cũng như các bộ hữu quan.
Các ý kiến phát biểu tại cuộc họp của lãnh đạo các Bộ, UBND một số tỉnh bày tỏ sự nhất trí với báo cáo của Bộ Công Thương, cho rằng các giải pháp nêu trong báo cáo là khá đầy đủ. Đồng thời lãnh đạo các bộ, các địa phương khẳng định sẽ phối hợp với Bộ Công Thương trong việc thực hiện các giải pháp nêu lên trong cuộc họp.
Sau khi nghe ý kiến lãnh đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh, phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho rằng, dịch bệnh Covid-19 và chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc gây ảnh hưởng đến ùn ứ hàng hoá khu vực cửa khẩu, ảnh hưởng cả 2 phía (Trung Quốc 4.000 xe, Việt Nam hơn 5.000 xe) - đây là nguyên nhân khách quan.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành kết luận cuộc họp |
Cuộc họp được tổ chức trực tuyến với 24 địa phương |
Phó Thủ tướng khẳng định, các bộ, ngành và địa phương đã hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các biện pháp giải quyết tình tại khu vực cửa khẩu; ban hành văn bản kịp thời và Chính phủ cũng đã có chỉ đạo cụ thể (theo hướng hạn chế hình thức tiểu ngạch, tập trung biện pháp chính ngạch) bằng văn bản, công điện. Tuy nhiên, chưa khắc phục được triệt để tình hình dẫn đến nguy cơ phải huỷ hàng hoá, gây thiệt hại cho người nông dân và sản xuất.
Để giải quyết tình hình, các giải pháp đưa ra theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, cần kết hợp cả giải pháp trước mắt và giải pháp dài hạn.
Liên quan đến các giải pháp trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan làm việc với Trung Quốc tạo điều kiện hơn về thời gian và phối hợp phía Việt Nam thông quan nhiều hàng hoá (tăng 8h lên 12h). Cùng đó nâng cao vai trò của các địa phương, giảm nhanh đầu xe đang ùn tắc.
Chính phủ giao các địa phương có cửa khẩu ùn ứ thông báo tới các địa phương khu vực sản xuất và trên phương tiện đại chúng về hạn chế xe lên khu vực cửa khẩu (mở rộng 63 tỉnh thành), dự kiến trong phạm vi thời gian 10 ngày.
Chủ tịch UBND các tinh, Hải quan và các cơ quan liên quan hỗ trợ đưa xe phía Trung Quốc về Việt Nam, kịp thời cung cấp nguồn cung, hàng hoá phục vụ sản xuất trong nước.
Bộ Y tế, Hải quan, UBND các tỉnh và các bộ, ngành liên quan phối hợp, bàn bạc có phương án tạo luồng/vùng xanh khu vực biên giới, đề xuất tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình bảo đảm phòng, chống Covid-19 để xuất hàng sang Trung Quốc, phấn đấu giải phóng toàn bộ hơn 5.000 xe ở 2 cửa khẩu chính tại Quảng Ninh và Lạng Sơn sớm nhất.
Về giải pháp lâu dài, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các địa phương tổ chức hội nghị với doanh nghiệp để thông tin kịp thời, chủ động kế hoạch tiêu thụ tại chỗ, bảo quản đóng gói phù hợp để xuất khẩu vào thời điểm phù hợp.
Các bộ, ngành và địa phương cụ thể hoá biện pháp để chuyển hình thức xuất khẩu sang chính ngạch theo quy trình sản xuất, kiểm soát, truy xuất CO, đóng gói đúng quy định, có hướng dẫn quy hoạch vùng.
Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan cần tiến hành đàm phán với bạn ở các cấp phù hợp, thống nhất diện mặt hàng, tiêu chuẩn và điều kiện đưa hàng sang Trung Quốc.
Về hoạt động tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thống nhất việc cho phép duy trì thực hiện. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương, về lâu dài, phải xây dựng kho nằm vị trí phù hợp so với khu vực cửa khẩu để quản lý, lưu trữ để đưa hàng hoá sang Trung Quốc được thuận lợi hơn.
Liên quan đến hoạt động XNK nói chung, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp XNK qua biên giới nói riêng, từ đầu năm 2021, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương, nhất là các tỉnh biên giới, thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực như: Chủ động báo cáo, kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho mở lại các cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc để khôi phục hoạt động giao thương.
Chủ động xây dựng và đề xuất Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải thông qua quy trình vận chuyển, lưu thông, hướng dẫn thiết lập luồng vận tải ưu tiên cho nông sản xuất khẩu, cũng như quy trình kiểm soát, phòng chống dịch thống nhất cho xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh của phương tiện và người điều khiển phương tiện để áp dụng tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc và trên toàn quốc.
Chủ động trao đổi trực tiếp, điện đàm, gửi công thư, công hàm tới các cơ quan liên quan của Trung Quốc, Thái Lan, Camphuchia, Lào để trao đổi các nội dung, đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn ứ, tạo thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực biên giới...Đồng thời ban hành các văn bản đề nghị UBND các tỉnh/thành phố tăng cường các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, nhất là hàng hoá, nông sản.
Bộ Công Thương đã thường xuyên cập nhật, đưa tin thường xuyên về quy định mới của thị trường Trung Quốc, diễn biến thông quan hàng hóa tại cửa khẩu và các vấn đề liên quan, qua đó kịp thời phối hợp với các quan liên quan xử lý những vấn đề phát sinh.