Báo cáo tối nay của USDA có thể sẽ tạo áp lực nhẹ lên giá đậu tương
Đà giảm của lúa mì có thể sẽ hạn chế ở vùng hỗ trợ tâm lí 600 Đậu tương suy yếu, đánh dấu phiên giảm giá thứ 3 liên tiếp Đà tăng của giá đậu tương có thể sẽ bị hạn chế ở vùng 1265 |
Giá đậu tương có xu hướng hồi phục trở lại sau khi mở cửa phiên hôm nay, trong bối cảnh tâm điểm chú ý của thị trường là báo cáo Ước tính Cung cầu Nông sản Thế giới (WASDE) tháng 1, dự kiến được công bố vào đêm nay. Dù vậy, Hanghoa247 cho rằng diễn biến giá đậu tương trong phiên tối nay sẽ không chịu quá nhiều tác động từ báo cáo này. Thay vào đó, triển vọng nhập khẩu đậu tương kém khả quan của Trung Quốc trong năm 2024 có thể gây ra áp lực mới đối với giá mặt hàng này.
Đối với báo cáo WASDE đêm nay, thị trường cần dành sự chú ý tới dự báo xuất khẩu đậu tương niên vụ 23/24 của Mỹ. Con số này hiện đang được USDA đặt ở mức 1,755 tỷ giạ, thấp hơn mức 1,992 tỷ giạ của niên vụ trước. Có khả năng USDA sẽ giảm nhẹ dự báo xuất khẩu đậu tương niên vụ hiện tại của Mỹ, khi lo ngại về sự suy yếu nhu cầu quốc tế đối với hạt có dầu Mỹ đang dần bao trùm thị trường. Đáng chú ý, khối lượng bán đậu tương ròng niên vụ 23/24 của Mỹ chỉ đạt 280.398 tấn trong tuần 29/12 - 4/1, nằm dưới khoảng dự đoán trước của thị trường. Triển vọng xuất khẩu của Mỹ trong năm 2024 có thể tiếp tục xấu đi, khi giới phân tích dự báo rằng nhu cầu nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc sẽ suy yếu trong thời gian tới. Việc Bắc Kinh thúc đẩy nông dân sử dụng thức ăn chăn nuôi có hàm lượng protein sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ khô đậu tương trong lĩnh vực này, và gián tiếp khiến nhu cầu nhập khẩu đậu tương của nước này suy yếu. Điều này sẽ gây áp lực trong dài hạn đối với giá đậu tương.
Trong khi đó, các số liệu về nguồn cung đậu tương từ Nam Mỹ trong báo cáo tối nay có thể không gây ra quá nhiều bất ngờ cho thị trường. Mặc dù lương mưa gần đây đã hỗ trợ mùa vụ ở Argentina, nhưng USDA có thể thận trọng và duy trì dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của nước này ở mức 48 triệu tấn. Ngược lại, USDA nhiều khả năng sẽ cắt giảm dự báo số liệu này đối với Brazil, nhưng mức cắt giảm sẽ không quá lớn như các tổ chức khác.
Với sự thận trọng của USDA trong việc dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 ở khu vực Nam Mỹ, cùng mối lo ngại ngày một gia tăng về nhu cầu quốc tế đối với đậu tương Mỹ, giá mặt hàng này có thể sẽ diễn biến trong khoảng 1235 - 1250 trong phần còn lại của phiên hôm nay.
Mở cửa phiên sáng nay, giá ngô tiếp tục vẫn chỉ giằng co trong biên độ hẹp, giống như diễn biến ảm đạm trong vài phiên gần đây. Tâm lý chung của các nhà giao dịch trên thị trường nông sản trước thời điểm công bố các báo cáo quan trọng vào đêm nay là lý do chính giải thích cho xu hướng giá.
Đối với báo cáo WASDE tháng 1, tồn kho cuối niên vụ 23/24 của Mỹ được dự đoán giảm 26 triệu giạ, so với báo cáo hồi tháng 12. Sự kỳ vọng trên của thị trường khá tương đồng với điều chỉnh của USDA trong báo cáo trước. Cụ thể, con số này được USDA cắt giảm 25 triệu giạ do triển vọng xuất khẩu ngô Mỹ tăng. Tuy nhiên, theo số liệu trong báo cáo Export Sales, khác với tình hình xuất khẩu trong tháng 11, doanh số bán hàng trong 4 tuần của tháng 12 đã sụt giảm đáng kể, đặc biệt là trong tuần cuối cùng, Mỹ chỉ bán được 367.484 tấn ngô - mức thấp nhất kể từ đầu niên vụ. Trên cơ sở đó, chúng tôi cho rằng, số liệu được thị trường quan tâm chú ý nhất đối với Mỹ là điều chỉnh về xuất khẩu có khả năng sẽ thiên về hướng “bearish” đến giá. Trong trường hợp, dự báo về tồn kho không giảm như kỳ vọng, giá có thể chịu sức ép mạnh mẽ trong phiên tối nay.
Còn ở Nam Mỹ, lo ngại về thời điểm gieo trồng ngô vụ 2, cùng với vụ thứ nhất đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán, Patria mới đây đã cắt giảm hơn 2 triệu tấn đối với sản lượng ngô của Brazil. Ngoài ra, việc CONAB hạ ước tính đối với cả sản lượng và xuất khẩu của nước này càng củng cố cho kỳ vọng của thị trường rằng USDA sẽ điều chỉnh giảm số liệu nguồn cung của Brazil trong báo cáo tối nay. Tuy nhiên, IGC mới đây đã nâng dự báo sản lượng ngô toàn cầu tăng hơn 7 triệu tấn, cho thấy nguồn cung thắt chặt hơn tại Brazil có thể được bù đắp bởi sản lượng gia tăng tại các quốc gia sản xuất lớn khác như Argentina và Ukraine. Do vậy, chúng tôi cho rằng, tồn kho cuối niên vụ toàn cầu có thể sẽ không sụt giảm như kỳ vọng của thị trường.
Chúng tôi cho rằng, triển vọng xuất khẩu kém khả quan, cùng với tình hình nguồn cung toàn cầu hiện tại không quá thắt chặt, sẽ là yếu tố khiến báo cáo cung - cầu tháng này thiên về hướng “bearish” đến giá ngô. Nếu được xác nhận, giá có thể giảm về vùng chặn dưới 455 trước đó.
Tương tự như ngô, chúng tôi cho rằng thị trường lúa mì có thể chịu áp lực bởi số liệu trong các báo cáo quan trong được công bố vào tối nay. Trong trường hợp, số liệu tồn kho toàn cầu không thắt chặt như kỳ vọng, giá có khả năng sụt giảm xuống dưới vùng hỗ trợ tâm lý 600.
Giá khô đậu tương có thể duy trì đà hồi phục hiện tại và hướng lên vùng giá 366,0 trong phần còn lại của phiên hôm nay. Đối với dầu đậu tương, Hanghoa247 nhận định rằng giá có thể tiếp tục hướng lên vùng 49,5 - 50,0.