Bán tháo giữa “bão” tin đồn
Thừa nước đục thả… tin đồn
Trung tuần tháng 10, cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDirect bất ngờ trở thành tâm điểm của thị trường chứng khoán. Giá cổ phiếu liên tục giảm kịch biên độ trong 4 phiên liên tiếp. Đà lao dốc chung của thị trường ghi nhận nhiều cổ phiếu giảm giá sốc. Tuy nhiên, đáng chú ý là khối lượng giao dịch đã vọt lên cao kỷ lục.
Chỉ trong hai phiên ngày 25/10 và 26/10, đã có gần 93,6 triệu cổ phiếu VND giao dịch, tương đương 7,68% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Nếu loại trừ cổ phiếu VND do cổ đông lớn Tập đoàn IPA sở hữu không chuyển nhượng trong những ngày này, bình quân cứ 100 cổ phiếu VND do các nhà đầu tư nhỏ nắm giữ lại có 10,36 cổ phiếu “đổi chủ”.
Thị trường lan truyền nhiều thông tin liên quan đến công ty, bao gồm câu chuyện về trái phiếu của Tập đoàn Trung Nam. Cổ phiếu VND giảm sàn bất thường càng khiến giới đầu tư đi tìm nguyên nhân, các tin đồn cũng vì đó lan nhanh hơn trở thành hiệu ứng domino đẩy giá cổ phiếu rơi sâu.
Xuất hiện trong chương trình bàn tròn đầu tư D-Insight tổ chức thường kỳ, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch Chứng khoán VNDirect thẳng thắn chia sẻ về các giao dịch trái phiếu trong đợt phát hành lô 10.250 tỷ đồng trái phiếu CTCP Điện gió Trung Nam Đăk Lăk. Ngoài phân phối phần lớn cho ngân hàng thương mại (8.600 tỷ đồng), một lượng trái phiếu cũng được bán đến tổ chức/cá nhân.
Theo bà Hương, kể từ sau lệnh khởi tố vụ án liên quan đến Tập đoàn Đầu tư An Đông, nhiều nhà đầu tư mong muốn bán lại trái phiếu. Trái phiếu của Trung Nam Đăk Lăk do VNDirect phân phối được công ty hỗ trợ thanh khoản trong điều kiện thị trường cho phép. Thực tế, danh mục đầu tư trái phiếu của công ty chứng khoán này đã tăng nhanh trong quý III/2022 (khoảng 5.250 tỷ đồng).
“Hiện VNDirect không gặp khó khăn về thanh khoản. Tuy nhiên, vấn đề của VNDirect là cần đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính cũng như giới hạn về giá trị trái phiếu nắm giữ theo quy định. Việc nhận chuyển nhượng trái phiếu trong khi khó tìm được người bán khiến VNDirect ghi sổ lượng trái phiếu mua về”, bà Hương cho biết.
Việc hỗ trợ thanh khoản cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn được thực hiện nhưng đang đặt ra mức phí chào đắt đỏ hơn khi nhà đầu tư bán trái phiếu.
Không riêng VNDirect, hàng loạt các hình ảnh, thông tin lan nhanh trên thị trường vài tuần gần đây, đặc biệt là các tin đồn đánh vào nỗi sợ về nguy cơ “vỡ nợ” trái phiếu, khả năng triển khai dự án hay về các nhân sự cấp cao của các doanh nghiệp.
Ngày 24/10, Công an TP.HCM đã lên tiếng bác bỏ thông tin lan truyền về việc đang "xác minh dự án Izumi City và Aqua City". Cổ phiếu của chủ đầu tư dự án này (Novaland - NVL) và nhà thầu chính (Hoà Bình – HBC) đều rơi sâu hơn nhiều đà lao dốc chung của thị trường. Gần nhất, tại buổi họp báo Chính phủ ngày 29/10, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup không nằm trong danh sách cấm xuất cảnh và hoạt động của VinGroup ổn định bình thường.
“Chúng ta có trách nhiệm bảo vệ các hoạt động bình thường, tôn trọng pháp luật của các doanh nghiệp, hạn chế việc tung tin sai trái, thất thiệt làm ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng tới cả nền kinh tế”, Trung tướng Tô Ân Xô cũng nhấn mạnh.
Phản ứng trước tin đồn tràn lan và giá cổ phiếu rơi sâu, người đứng đầu VNDirect hay Novaland đã gửi thông điệp trấn an chính nội bộ công ty. Một số lãnh đạo đứng ra đăng ký mua vào như bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó chủ tịch HĐQT DIC Group (20 triệu cổ phiếu DIG), ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Đất Xanh (10 triệu cổ phiếu DXG)…
Vết rạn niềm tin trên thị trường tài chính
Không riêng chứng khoán Việt Nam, thị trường tài chính toàn cầu thời gian qua đều chung xu hướng giảm điểm do chịu ảnh hưởng bởi động thái thắt chặt tín dụng nhằm kiểm soát lạm phát của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Tuy nhiên, VN-Index lại thường xuyên nằm trong chỉ số giao dịch tiêu cực nhất. So với thời điểm một năm trước, chỉ số sàn HoSE giảm 28%, đứng thứ 6 trong danh sách các thị trường giảm sâu nhất thế giới.
Thị trường trái phiếu bị ách tắc sau khi 2 vụ án liên quan đến Tân Hoàng Minh và Tập đoàn Đầu tư An Đông bị khởi tố. Thị trường cổ phiếu cũng chịu tác động liên thông khi tâm lý bi quan bao trùm cùng việc dòng vốn bị rút ra để đáp ứng thanh khoản.
Dòng tiền rút ra khỏi trái phiếu là điều không chỉ nhìn thấy ở VNDirect. Tại các quỹ trái phiếu, nhà đầu tư cũng đang bán lại chứng chỉ quỹ đầu tư. Số liệu thống kê cũng cho thấy các doanh nghiệp đang đẩy mạnh mua lại trái phiếu.
Tình trạng tương tự việc người gửi tiền rút tiền tại ngân hàng (bank run) đang xuất hiện trên thị trường trái phiếu khi “vết rạn” niềm tin xuất hiện sau các vụ việc lớn.
Một trong những nguyên nhân của việc thiếu niềm tin cũng xuất phát từ việc thiếu thông tin, trong khi thị trường rất cần thông tin và nghe theo các tin đồn truyền tai.
Trong chương trình do VNDirect tổ chức, cùng Chủ tịch Phạm Minh Hương, người đứng đầu Tập đoàn Trung Nam Nguyễn Tâm Thịnh cũng đã xuất hiện. Ông Thịnh thẳng thắn chia sẻ về các dự án đang gặp vướng mắc của Trung Nam như việc 172 MW của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam chưa xác định được giá bán do nằm ngoài phần công suất điện 2.000 MW của tỉnh Ninh Thuận có giá FIT 9,35 UScents/kWh hay dự án chống ngập Tp.HCM. Còn về việc huy động trái phiếu, theo lãnh đạo Trung Nam, “trái phiếu đã Bộ Tài chính đã thanh tra” và ông có thể “ăn ngon ngủ yên không vấn đề gì”.
Khoản lãi vay phải trả 2.800 tỷ đồng nằm trong khả năng chi trả khi quy mô doanh thu của Trung Nam hàng năm hơn 8.000 tỷ đồng. Ông cũng thông tin thêm về phương án huy động vốn quốc tế 1 tỷ USD tập đoàn đang triển khai, có thể hoàn tất quý tới.
Dùng thông tin để gỡ chính những khúc mắc từ các tin đồn là một trong những giải pháp góp phần kéo lại niềm tin của nhà đầu tư. Bản thân nhà đầu tư cũng cần có bộ lọc của riêng mình.
Cũng tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 29/10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng nhấn mạnh một trong các giải pháp cho thị trường chứng khoán thời điểm hiện tại là tăng cường cung cấp thông tin chính thống ra thị trường một cách kịp thời. Theo đó, việc tung tin đồn trục lợi trên thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an xử lý nghiêm.
Trong những ngày trung tuần tháng 10 vừa qua, một số nhà quan sát đã liên tưởng các diễn biến trên thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam đến một số yếu tố tiền đề dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính Thái Lan năm 1997, như một bài góc nhìn trên tờ Bưu điện Bangkok. Tuy nhiên, ngay tại Thái Lan, nhà đầu tư nước này vẫn đang tích gom thêm chứng chỉ lưu ký DR FUEVFVND (FUEVFVND01) – một sản phẩm dựa trên chứng chỉ quỹ DCVFM VNDiamond ETF của Việt Nam. Cập nhật đến ngày 28/10, lượng chứng chỉ lưu ký đạt 109,3 triệu đơn vị, tăng 39% so với thời điểm cách đây một tháng. Dù giá chứng chỉ lưu ký giảm mạnh, vốn hoá thị trường vẫn ở mức cao kỷ lục, đạt 3.743 tỷ Bath (khoảng 2.460 tỷ đồng).