Bạc Liêu: 10 sản phẩm OCOP từ hạt muối
Trong đó, có 7 sản phẩm muối của Công ty cổ phần Muối và thương mại Bạc Liêu đạt chuẩn OCOP 4 sao; 3 sản phẩm muối đạt chuẩn OCOP còn lại của Công ty cổ phần Muối Đông Hải. Đây là cơ sở giúp Bạc Liêu nâng cao giá trị hạt muối và mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện các sản phẩm muối Bạc Liêu đã có mặt ở hầu hết các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc. Nhiều sản phẩm muối tinh chế còn được xuất khẩu sang một số thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc. Qua đó, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như nâng cao giá trị muối Bạc Liêu, góp phần nâng cao thu nhập cho diêm dân và bảo tồn, phát huy giá trị nghề làm muối.
Sản phẩm “Muối ăn Bạc Liêu” được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý |
Trải qua hơn 100 năm, nghề làm muối gắn bó với đời sống lao động sản xuất, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho diêm dân Bạc Liêu. Năm 2019, sản phẩm “Muối ăn Bạc Liêu” được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, qua đó khẳng định thương hiệu muối Bạc Liêu trên thị trường trong nước và quốc tế.
Cuối năm 2020, “Nghề làm muối ở Bạc Liêu” được xếp vào một trong 7 loại hình của di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, đó là loại hình nghề thủ công truyền thống. Đây là lần đầu tiên Bạc Liêu có di sản văn hóa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Năm 2021, Bạc Liêu phê duyệt Đề án "Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021 - 2030" trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của đề án nhằm phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của các địa phương có truyền thống sản xuất muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, hướng đến xuất khẩu và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân làm muối. Đây cũng là cơ sở để diêm dân Bạc Liêu gìn giữ và phát triển nghề truyền thống hàng trăm năm nay.
Diêm dân Bạc Liêu gìn giữ và phát triển nghề muối truyền thống |
Ngày nay, dù đã tiến hành cơ giới hóa nhiều khâu trong quy trình sản xuất muối nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng muối nhưng diêm dân Bạc Liêu vẫn trân trọng kỹ thuật sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống. Đó là kỹ thuật phơi “Xa kề, nhì kề, xắp chuối” (tương ứng với các cấp bay hơi: Sơ, trung và cao cấp) để nước biển kết tinh thành những hạt muối có kích thước lớn, rắn chắc, khô, màu trắng hồng và đặc biệt là không tạp mùi.
Không trắng trong như hạt muối được sản xuất ở miền Trung nhưng muối Bạc Liêu mang hương sắc đặc trưng của nước biển phù sa. Chính đặc điểm tự nhiên này đã tạo cho muối Bạc Liêu những đặc trưng riêng mà không nơi nào có được. Hiện nay, muối Bạc Liêu được xuất sang Campuchia để muối cá, làm nước mắm, làm khô. Đồng thời cũng là sản phẩm muối duy nhất của nước ta được đưa vào thị trường Nhật bởi chất lượng vượt trội so với các loại muối khác, đó là mặn mà không chát đắng. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng chọn hạt muối sản xuất tại quê hương của công tử Bạc Liêu để làm gia vị chế biến cho món kim chi, một trong những món ăn truyền thống nổi tiếng của đất nước này mà không phải thứ gia vị nào cũng có thể chen chân vào được. Điều đó cho thấy, muối Bạc Liêu đã khẳng định được thương hiệu và có một vị trí nhất định trên thị trường trong và ngoài nước.
Bạc Liêu có lịch sử nghề làm muối từ rất lâu đời, nổi tiếng là tỉnh có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất muối, tập trung nhiều nhất ở các xã: Vĩnh Hậu, Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình); Long Điền Đông, Điền Hải, Long Điền Tây (huyện Đông Hải)… |