1 tỷ EUR để loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong các sản phẩm của Unilever
|
Tham vọng mới này là cấu phần cốt lõi của Chương trình “Tương lai xanh” của Unilever - một chương trình đổi mới mang tính đột phá, được thiết kế bởi bộ phận Chăm sóc gia đình của công ty - nhằm thay đổi cơ bản cách thức chế tạo, sản xuất và đóng gói một số sản phẩm vệ sinh và giặt giũ nổi tiếng nhất thế giới. Điểm độc đáo của chương trình là áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào cả việc đóng gói cũng như công thức sản phẩm ở quy mô thương hiệu toàn cầu nhằm giảm phát thải carbon của sản phẩm.
Hầu hết các sản phẩm vệ sinh và giặt giũ ngày nay đều có chứa các hóa chất được làm từ nhiên liệu hóa thạch, một nguồn carbon không thể tái tạo. Việc Unilever thay thế các hóa chất này bằng các nguồn carbon tái tạo hoặc tái chế là một sự dịch chuyển có chủ ý và xa hơn nữa là ra khỏi nền kinh tế sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Được khởi động ở quy mô lớn, Chương trình Tương lai xanh là một bước quan trọng hướng tới cam kết của Unilever về phát thải bằng 0 đối với các sản phẩm của mình vào năm 2039. Unilever kỳ vọng sáng kiến này sẽ giảm tới 20% lượng khí thải cacbon trong các công thức sản phẩm.
|
Unilever đề xuất ngân sách trị giá 1 tỷ Euro cho Chương trình Tương lai xanh. Khoản tiền này sẽ cấp vốn cho việc nghiên cứu công nghệ sinh học, sử dụng CO2, hóa học carbon thấp, công thức phân hủy sinh học và tiết kiệm nước, giảm một nửa việc sử dụng nhựa nguyên sinh trước năm 2025. Khoản đầu tư tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm vệ sinh và giặt giũ có giá cả phải chăng, mang lại kết quả làm sạch vượt trội và tác động môi trường thấp hơn đáng kể.
Chương trình Tương lai xanh đã hỗ trợ các dự án hàng đầu trong ngành trên khắp thế giới để thay đổi cách tạo ra hóa chất trong những sản phẩm vệ sinh và tẩy rửa của Unilever. Ví dụ, tại Slovakia, Unilever đang hợp tác với công ty công nghệ sinh học hàng đầu là Evonik Industries để phát triển sản xuất rhamnolipids, một hoạt chất bề mặt có thể tái tạo và phân hủy sinh học đã được sử dụng trong nước rửa chén Sunlight (Quix) ở Chile và Việt Nam. Tại Tuticorin ở miền Nam Ấn Độ, Unilever đang tìm nguồn cung cấp tro soda - một thành phần chính trong bột giặt - được tạo ra bằng công nghệ thu gom CO2 tiên phong. Tro soda được tạo ra bằng khí thải CO2 từ năng lượng được sử dụng trong quá trình sản xuất. Cả hai công nghệ này đều được hy vọng sẽ được mở rộng đáng kể trong chương trình.