Xúc tiến xuất khẩu thanh long Việt Nam sang thị trường Ấn Độ
Ấn Độ là thị trường tiềm năng cho trái thanh long của Việt Nam, tuy nhiên hoạt động xuất khẩu thanh long Việt Nam sang Ấn Độ vẫn chưa tận dụng hết cơ hội của thị trường này, do những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường và tiếp cận các quy định chính sách liên quan của nước sở tại.
Đây là nhận định chung của các đại biểu tham dự Hội nghị “Xúc tiến xuất khẩu thanh long Việt Nam sang thị trường Ấn Độ,” do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An và các cơ quan liên quan tổ chức ngày 19/1 nhằm hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ trái thanh long Việt Nam tại Ấn Độ trong ngắn hạn và dài hạn, góp phần giải quyết khó khăn cho đầu ra của loại trái cây này và hạn chế phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Tham dự hội nghị có ông Đỗ Thanh Hải, Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương, lãnh đạo sở công thương các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An cùng đại diện các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thanh long Việt Nam và Ấn Độ, các tổ chức xúc tiến thương mại, hội người Việt Nam tại Ấn Độ.
Theo ông Đỗ Quốc Hưng, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu phòng dịch, việc đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nông sản nói chung và trái thanh long nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn và tìm đầu ra cho sản phẩm của Việt Nam, tránh phụ thuộc vào một hoặc một số thị trường nhất định.
Ông Hưng đánh giá Ấn Độ là thị trường trọng điểm ở khu vực Nam Á, hội tụ đầy đủ những yếu tố có thể là điểm đến thuận lợi cho thanh long Việt Nam.
Việt Nam và Ấn Độ có nền tảng quan hệ tốt đẹp với bề dày hơn 50 năm quan hệ ngoại giao, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Với dung lượng thị trường lớn thứ hai thế giới với gần 1,4 tỷ dân, có nhiều người ăn chay và thói quen ăn uống sử dụng nhiều trái cây như là một phần quan trọng trong khẩu phần ăn hàng ngày, Ấn Độ là thị trường tiềm năng cho trái thanh long của Việt Nam.
Mặc dù vậy, hoạt động xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang Ấn Độ vẫn chưa khai thác hết cơ hội của thị trường lớn này.
Khó khăn trong việc tiếp cận thị trường Ấn Độ phần nào đến từ khoảng cách địa lý, việc tiếp cận thông tin về quy định, chính sách xuất nhập khẩu cũng như phòng dịch của Ấn Độ còn hạn chế.
Ấn Độ cũng là thị trường thường đưa ra các chính sách mới, đột ngột, gây khó khăn cho doanh nghiệp nếu như không được phổ biến kịp thời.
Tại hội nghị, các địa phương có thanh long xuất khẩu đã trình bày về những thuận lợi và khó khăn trong việc xuất khẩu trái thanh long cũng như nhu cầu và nguyện vọng của địa phương mong muốn tháo gỡ các khó khăn và rào cản, tiếp nhận thông tin đầy đủ và sự hỗ trợ kịp thời để đưa thanh long nói riêng và các nông sản nói chung thâm nhập thị trường Ấn Độ.
Ngoài ra, các đại biểu cũng được cung cấp thông tin đánh giá về tiềm năng và vai trò của thị trường Ấn Độ đối với việc giải quyết đầu ra của trái thanh long, cũng như một số lưu ý cụ thể cho doanh nghiệp khi xuất khẩu thanh long sang Ấn Độ.
Bên cạnh đó, thông qua phiên kết nối của hội nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội giao thương, trao đổi trực tiếp với các đối tác Ấn Độ.
Thông qua trao đổi hai chiều với những thông tin, hướng dẫn cụ thể, hội nghị giải đáp phần nào nhu cầu thông tin của các địa phương, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long, hỗ trợ xuất khẩu trái thanh long Việt Nam sang thị trường Ấn Độ, thực hiện mục tiêu đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, góp phần xây dựng tâm thế tự tin, vững vàng của doanh nghiệp Việt Nam để khởi động năm 2022 thành công.
Theo số liệu từ Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, thanh long tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của trái cây Việt Nam với kim ngạch đạt hơn 1,04 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 29,4% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thanh long lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 925,7 triệu USD, chiếm tỷ trọng 88,7% tổng lượng xuất khẩu thanh long năm 2021 của Việt Nam.
Tiếp đến là thị trường Mỹ đạt 30,2 triệu USD, chiếm tỷ trọng 2,9%. Đứng thứ 3 là thị trường Ấn Độ với kim ngạch đạt 13,55 triệu USD, tăng 86,9% so với năm 2020, chiếm tỷ trọng 1,3%.
Thanh long hiện được trồng ở nhiều tỉnh thành, nhưng phát triển mạnh thành các vùng chuyên canh quy mô lớn tập trung ở các tỉnh Bình Thuận (29.000 ha), Long An (11.000 ha) và Tiền Giang (8.000 ha), chiếm 93,6% diện tích và 95,5 % sản lượng cả nước.
Theo ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, với sản lượng và năng lực sản xuất, chế biến đa dạng và dồi dào, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ, sẵn sàng cung cấp các sản phẩm đảm bảo chất lượng cho thị trường quốc tế, trong đó có thị trường Ấn Độ./.