Xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu: Doanh nghiệp lưu ý các quy định mới
Xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu: Doanh nghiệp cân nhắc thị trường ngách |
Theo thông tin mới cập nhật từ Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, Liên minh châu Âu (trong đó Bắc Âu là thành viên) đã ban hành và sắp có hiệu lực một số quy định mới khá khắt khe, có thể tác động đến thương mại song phương.
Cụ thể, 8 quốc gia Bắc Âu, gồm: Thuỵ Điển, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Luxemburg, Na Uy, Tây Ban Nha và Áo đã ký thư kêu gọi Uỷ ban châu Âu ấn định thời gian các hoá chất nguy hiểm phải được loại bỏ dần khỏi các sản phẩm tiêu dùng.
Các quốc gia này nhấn mạnh rằng các sản phẩm như đồ dùng trẻ em, đồ chơi, mỹ phẩm, đồ nội thất và quần áo hiện vẫn được phép chứa các hoá chất có thể gây hại cho sức khoẻ. Do đó, đề xuất các quy định mới liên quan đến kiểm soát hoá chất mà Uỷ ban dự định đưa ra vào đầu năm 2023 phải có lệnh cấm rộng rãi đối với các chất này để đảm bảo sự bảo vệ đầy đủ nhất; trao cho các quốc gia thành viên quyền mở rộng để thực hiện biện pháp ở cấp độ Liên minh châu Âu nhằm chống lại các chất độc hại.
Với sự thúc đẩy của các quốc gia này, dự kiến thời hạn loại bỏ các chất nguy hiểm trong một số sản phẩm tiêu dùng sẽ được đưa vào quy định mới liên quan đến kiểm soát hóa chất dự kiến được thông qua trong đầu năm tới.
Cùng đó, ngành dệt may và da giày trong nước cũng được khuyến cáo cần điều chỉnh để đáp ứng các yêu cầu đầy tham vọng của Liên minh châu Âu vì mục tiêu loại bỏ văn hóa “tiêu thụ và vứt bỏ”, loại bỏ các sản phẩm có “vòng đời ngắn” và nền kinh tế “tạo rác”.
Các nước Bắc Âu ban hành nhiều quy định mới có thể tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường này |
Ủy ban châu Âu đã trình bày đề xuất đối với Chiến lược Dệt may mới. Chiến lược này bao gồm nhiều yếu tố để tạo ra động lực cho ngành dệt may, chẳng hạn, các sản phẩm phải được thiết kế và sản xuất để có thể sử dụng lâu hơn, được sửa chữa và tái sử dụng.
Đồng thời với Chiến lược Dệt may, Ủy ban châu Âu đã trình bày một bản sửa đổi Quy định thiết kế sinh thái nhằm đặt ra các yêu cầu pháp lý đối với các nhóm sản phẩm khác nhau, bao gồm cả quần áo và giày dép. Dệt may là một trong những nhóm sản phẩm đầu tiên phải tuân theo các tiêu chí thiết kế sinh thái, ngành da giày phải đáp ứng các yêu cầu ở giai đoạn sau.
Ngoài các tiêu chí thiết kế, Quy định thiết kế sinh thái còn bao gồm việc phát triển hộ chiếu sản phẩm số, ngoài thông tin thông thường còn phải thông báo cho người tiêu dùng biết về hàm lượng hóa chất, khả năng sửa chữa và thành phần sợi. Các yêu cầu thông tin cụ thể về sản phẩm sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng biết được tác động của sản phẩm đến môi trường khi mua hàng. Một yếu tố nữa là tăng cường thực thi việc bài trừ các hành vi quảng cáo sai lệch về thời trang bền vững “greenwashing”. Đây là hành vi mà các thương hiệu thời trang hay sử dụng để tiếp thị sản phẩm là thời trang bền vững nhưng lại không thực thi các quy chuẩn nghiêm ngặt của thời trang bền vững.
Theo phân tích của Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, Bắc Âu là các nước nhỏ nhưng có nền kinh tế mở, hiện đại, xuất nhập khẩu thường chiếm 50-60% GDP. So với các nước khác trong ASEAN, Việt Nam dù xuất khẩu nhiều nhất sang khu vực này nhưng thị phần vẫn quá nhỏ, chưa đến 1%.
Bên cạnh đó, xuất khẩu vào thị trường Bắc Âu, doanh nghiệp Việt Nam xác định không những phải đối mặt với đối thủ cạnh tranh truyền thống là Trung Quốc mà còn rất nhiều nước khác có các đặc điểm tương đồng cũng đang tích cực đa dạng hoá sản phẩm và đưa ra nhiều biện pháp để tận dụng xu hướng chuyển dịch, đa dạng hoá nguồn cung của Bắc Âu như Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ…
Do vậy, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển khuyến nghị: Các doanh nghiệp xuất khẩu sang Bắc Âu cần lưu ý việc tuân thủ các quy định nhập khẩu vào EU mới chỉ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ. Để hàng hóa được chấp nhận tại thị trường này, các doanh nghiệp cần đáp ứng cả các điều kiện bổ sung của người mua hàng.
Bên cạnh đó, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại đúng và trúng cũng là một giải pháp tốt để thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá. Cụ thể, đối với thực phẩm, người Bắc Âu ngày càng có xu hướng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ với phương pháp sản xuất bền vững, ít tác động với môi trường. Trong tiêu dùng hàng ngày, họ có xu hướng chọn các sản phẩm đơn giản, tiện dụng, dùng được nhiều lần, sử dụng các nguyên vật liệu tái chế...
Do vậy, các biện pháp xúc tiến thương mại hiệu quả với thị trường Bắc Âu là tăng cường quảng bá các sản phẩm mới lạ, được quảng bá là có lợi cho sức khỏe, bảo vệ môi trường, các sản phẩm gắn với các câu chuyện vùng miền, có chỉ dẫn địa lý. Tăng cường các hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến để tăng cường tính hiệu quả và tiết kiệm kinh phí.