Xuất khẩu dệt may năm 2023 kỳ vọng vào những mặt hàng nào?
Các FTA sẽ là đòn bẩy cho xuất khẩu dệt may năm 2023 |
Thị trường dệt may thế giới đang có sự thay đổi. Thay vì trang phục mặc nhà, nhóm trang phục lịch sự cho dịp lễ, đồ công sở được dự đoán nằm trong top nhóm hàng tăng trưởng tốt nhất vào năm 2023.
Theo giới phân tích, sau khi suy giảm vì đại dịch Covid trong năm 2020, trang phục công sở đã phục hồi trở lại vào năm 2021 và 2022. Năm 2023 dự báo nhóm hàng này sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng có thể chậm lại trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Gần 1/3 các CEO hãng thời trang lớn của Mỹ đánh giá trang phục lịch sự (formalwear, occasion wear, business attire) cho những dịp đặc biệt dự kiến sẽ nằm trong top hạng mục tăng trưởng hàng đầu năm 2023.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý, nhóm hàng này sau đại dịch Covid đã thay đổi, không còn là những bộ trang phục công sở truyền thống, xu hướng lai giữa trang phục đi chơi và đi làm đang trở nên phổ biến. Doanh số bán lẻ áo sơ mi và áo cánh, quần và váy không denim được dự đoán sẽ tăng trưởng trong giai đoạn từ năm 2022 – 2026 với tốc độ nhanh hơn mức tăng trong 10 năm trước đại dịch Covid.
Những phân tích này đã mở ra cánh cửa thoát hiểm cho nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước khi giúp định hướng mặt hàng sản xuất trong bối cảnh thị trường dệt may tiếp tục gặp khó khăn những tháng đầu năm 2023. Số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu dệt may của Việt Nam tháng 1/2023 đã giảm 30,7% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 2,5 tỷ USD.
Xuất khẩu dệt may năm 2023 kỳ vọng vào những mặt hàng nào? |
Tuy nhiên, kỳ vọng về một sự đột phá về xuất khẩu của doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong năm nay có thể khó, bởi lẽ dự báo tổng cầu dệt may thế giới năm 2023 giảm 6 - 11% so năm trước, từ 763 - 757 tỷ USD xuống 716 - 678 tỷ USD. Đồng nghĩa, miếng bánh đang nhỏ lại, dệt may Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt hơn để giữ thị phần.
Về việc khai thác thị trường mới, theo đại diện một doanh nghiệp khó khả thi ở thời điểm hiện tại. Bởi lẽ, 90% nhu cầu hàng dệt may tập trung tại Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, dệt may Việt Nam đang đứng top đầu trong các nhà cung ứng sang các thị trường này. Việc mở rộng sang các thị trường khác cần thời gian và sự thích nghi.
Thời gian gần đây, có luồng ý kiến cho rằng thị trường thế giới diễn biến tốt hơn, lạm phát tại các quốc gia tiêu dùng lớn như Mỹ, châu Âu có dấu hiệu giảm, Trung Quốc nới lỏng hơn chính sách zero Covid… sẽ thúc đẩy tiêu dùng.
Dù vậy, việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể hỗ trợ xuất khẩu của ngành nguyên liệu như sợi tuy nhiên cũng có rủi ro khi giá hàng hoá toàn cầu bị đẩy lên cao và có thể gây lại áp lực cho chuỗi cung ứng.
Mặt khác, theo báo cáo về ngành thời trang 2023 của McKinsey, tốc độ phục hồi của nhóm hàng may mặc sẽ chậm hơn các nhóm hàng khác như đồ ăn, chăm sóc sắc đẹp, dịch vụ chăm sóc tại nhà, sức khoẻ người tiêu dùng, đồ chơi …có nghĩa hơi ấm của thị trường chưa lan được tới ngành dệt may.
Xuất khẩu tới 80% sản lượng, ngành dệt may khá nhạy cảm với biến động thị trường, thậm chí dễ tổn thương do phụ thuộc đơn hàng, phụ thuộc nguyên phụ liệu. Nâng cao giá trị gia tăng, củng cố chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro là vấn đề được doanh nghiệp dệt may trong nước quan tâm.
Để giải quyết vấn đề này, theo các chuyên gia, doanh nghiệp dệt may trong nước cần tập trung hình thành chuỗi sản xuất dệt kim trọn gói, phát triển sản xuất xanh, thực hiện thành công công tác chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng, cơ cấu lại sản phẩm để duy trì sản xuất...
Tăng cường đầu tư công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng, giảm sử dụng hóa chất, giảm phát thải; sử dụng tối đa năng lượng tái tạo; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm tái chế, sử dụng nguồn nguyên liệu xanh, sạch; cập nhật để đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội.
Đồng thời, bắt kịp xu thế thị trường, thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng về tiêu chuẩn kỹ thuật, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực thiết kế cho ngành công nghiệp thời trang để từng bước tiến tới làm hàng FOB (mua vật liệu, sản xuất, bán sản phẩm) và ODM (thiết kế, sản xuất, bán sản phẩm).
Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, dệt may được định hướng trở thành ngành chủ lực về xuất khẩu của nền kinh tế. Chiến lược cũng định hướng phát triển ngành theo hướng chuyên môn hoá, chuyên nghiệp hoá. Đặc biệt những định hướng về phát triển nguyên phụ liệu kỳ vọng sẽ được cụ thể hoá qua các chính sách khuyến khích đủ mạnh giúp ngành dệt may Việt Nam hiện thực hoá giấc mơ tự chủ.