Vì sao doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn ngân hàng?
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên 65% doanh nghiệp cả nước hiện nay là doanh nghiệp siêu nhỏ. Quy mô vốn, vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, trình độ quản trị của những doanh nghiệp này còn hạn chế. Đáng nói hơn cả, nhiều doanh nghiệp có số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác, thiếu tài sản bảo đảm. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa không có báo cáo tài chính được kiểm toán, báo cáo thuế lại có sự khác biệt với báo cáo tài chính nội bộ, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng.
Đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập, mới gia nhập các ngành, lĩnh vực kinh tế mới. Do đó, tổ chức tín dụng không có dữ liệu lịch sử hoạt động, không thể thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Các tổ chức tín dụng khó khăn trong việc quản lý dòng tiền do nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian qua đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn; mặc dù được các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định thông thường nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do bị chuyển nhóm nợ, nên khó tiếp cận vốn vay để phục vụ sản xuất kinh doanh; hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn trong kho không xuất được; bị khách hàng chiếm dụng vốn, công nợ cao....
Cộng đồng này cũng hạn chế về kỹ năng hoạch định, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh nên các phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thường thiếu tính khả thi và chưa có kế hoạch ứng phó với biến động thị trường, đặc biệt trong vừa qua nền kinh tế chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19. Đa phần các doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác lập dự án kinh doanh, chỉ coi công tác lập dự án là thủ tục để huy động vốn.
Ngân hàng có thể linh hoạt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay những gói tín dụng nhỏ |
Cuối cùng, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý đối với tài sản thế chấp, vướng mắc tài sản là hợp đồng thế chấp tại khu công nghiệp; tình trạng quy hoạch treo, công trình trên đất không có giấy phép xây dựng hoặc chưa hoàn công…dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn.
Trong khi đó, các ngân hàng đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng. Do đó, các ngân hàng cho biết không thể thực hiện các giải pháp về “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng.
Chia sẻ tại hội nghị “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh” bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh có uy tín thì việc vay vốn không có gì vướng mắc, tuy nhiên hiện nay lãi suất vay vốn lưu động còn cao, nhất là vay trung và dài hạn để đầu tư trong giai đoạn hiện nay là không khả thi vì lãi suất cao quá.
Bà Ngân thừa nhận thực tế nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khi vay vốn ngân hàng thì không đủ chuẩn, thiếu minh bạch tài chính, phương án kinh doanh không khả thi. Đây là những hạn chế không thể sửa ngay, cần phải có thời gian bởi đa phần các doanh nghiệp này bắt nguồn từ hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, kiến thức về nghiệp vụ tài chính còn hạn chế.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội kiến nghị, để tạo thuận lợi cho tiếp cận nguồn vốn thì các ngân hàng có thể linh hoạt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay những gói tín dụng nhỏ.
“Chúng tôi đề xuất đưa ra những tiêu chuẩn cao về tài sản bảo đảm, phương án kinh doanh, sổ sách lịch sử thì có thể nâng cao tín chấp thông qua phương án kinh doanh. Ngoài ra, cần có chỉ đạo từ phía Ngân hàng Nhà nước về việc nâng cao tỷ lệ vay tín chấp dựa vào dòng tiền ra, vào của doanh nghiệp nhỏ và vừa, phương án sản xuất kinh doanh. Các ngân hàng thương mại có thể hỗ trợ chỗ này và kiểm soát chặt chẽ ở doanh nghiệp khác” - bà Ngân đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ cần có một cơ chế trên cơ sở tình hình của doanh nghiệp nhỏ và vừa để giảm điều kiện cho vay xuống thì doanh nghiệp nhỏ và vừa mới tiếp cận được vốn. Bởi với cơ chế hiện nay, bên cho vay rất muốn cho vay và bên vay cũng rất muốn vay, nhưng không giải quyết được vấn đề.
Lãi suất cũng là vấn đề được các hiệp hội, doanh nghiệp nhắc đến. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà , Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hưng Yên, cho rằng lãi suất cho vay dài hạn của ngân hàng hiện tại là quá cao, trên 10% trong khi lợi nhuận của doanh nghiệp có khi chỉ vài %. Nên doanh nghiệp không dám vay, không có khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh.
"Ngân hàng có quá nhiều loại phí, họ có thể cho vay với lãi suất 7%/năm nhưng khi cộng thêm các khoản phí có thể lên đến mười mấy %" - đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng cho biết.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế khó khăn khiến cho nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả các khoản nợ đã được cơ cấu và khoản nợ đến hạn dẫn đến việc bị chuyển nhóm nợ và khó tiếp cận được vốn vay.
Đại diện các hiệp hội cũng mong cũng sẽ được giãn hoãn nợ như nhóm ngành bất động sản vừa qua. "Một số doanh nghiệp cần phải được hoãn nợ và giãn nợ, nếu bị ngân hàng siết nợ thì họ có thể sẽ phá sản" - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hưng Yên nói.