Ứng dụng khoa học - công nghệ trong đào tạo văn hóa
Hội thảo lần này mang chủ đề:“Đổi mới, sáng tạo và phát triển trong đào tạo văn hoá, nghệ thuật”.
Đây là diễn đàn khoa học để các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận đánh giá thực trạng phát triển lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật và sự tác động đến các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội.
Hội thảo đã nhận được hơn 100 bài viết của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý trong và ngoài nước.
Các chuyên gia trong nước và nước ngoài tham luận tại Hội thảo |
Theo đó, các tác giả đã đề xuất một số giải pháp về thay đổi mô hình đào tạo, hoàn thiện chương trình đào tạo, vận dụng kinh nghiệm quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo văn hoá, nghệ thuật.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng đề cập đến việc thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong môi trường đào tạo văn hoá, nghệ thuật.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch nhận định: Thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực văn hoá nghệ thuật, góp phần xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, những cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có đào tạo văn hoá nghệ thuật đóng vai trò quan trọng.
Ông Lê Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội thảo |
Theo đó, để phù hợp với xu thế và bối cảnh mới, đòi hỏi sự nghiệp đào tạo văn hoá nghệ thuật, trong đó chủ thể là các cơ sở đào tạo cần phải có nhưng giải pháp mới sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường; phù hợp với chủ trương chính sách của Quốc gia về phát triển văn hoá; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong thời đại 4.0, trong đó chú trọng kết hợp những giá trị truyền thống với giá trị thời đại trong giáo dục và đào tạo văn hoá, nghệ thuật.
PGS. TS Đào Đăng Phượng – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường cho biết Hội thảo đã tập trung phân tích 4 nội dung chính:
Thứ nhất, những nghiên cứu về văn hoá, bao gồm thực trạng và định hướng đào tạo nhân lực du lịch phục vụ phát triển công nghiệp văn hoá tại Việt Nam; Giáo dục giá trị văn hoá cho thế hệ trẻ thông qua di sản văn hoá phi vật thể; vai trò của nghệ thuật sân khấu trong đào tạo sinh viên ngành quản lý văn hoá; Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục văn hoá, nghệ thuật tại Việt Nam hiện nay; Tác động của đổi mới giáo dục ở Việt Nam đến sự phát triển văn hoá, nghệ thuật trong cộng đồng.
PGS. TS Đào Đăng Phượng nhấn mạnh xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong đào tạo văn hóa, nghệ thuật. |
Thứ hai, một số nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực giáo dục Âm nhạc như: Những cơ hội và thách thức mới trong đào tạo Âm nhạc trong thời kỳ công nghệ số; Đánh giá thực trạng dạy và học môn Âm nhạc cấp THPT theo định hướng giáo dục âm nhạc, cho sinh viên ngành Giáo dục Mầm non theo định hướng trải nghiệm; Đào tạo giáo viên Âm nhạc đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp trong bối cảnh hiện nay; Dạy học phát triển năng lực Âm nhạc cho học sinh THPT; Thực trạng dạy học Thanh nhạc tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay;…
Sinh viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương diễn xướng hầu đồng trong chương chương trình văn nghệ tại hội thảo |
Thứ ba, Những nghiên cứu về giáo dục Mỹ thuật: Đây là mảng nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học. Tiêu biểu như: hoạt động đào tạo Mỹ thuật ở Việt Nam hiện nay; Giá trị bản sắc văn hoá truyền thống trong đào tạo lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, thời kỳ công nghiệp văn hoá – sáng tạo tại Việt Nam;…
Các nghệ sĩ Ấn Độ tham gia giao lưu văn nghệ tại hội thảo |
Thứ tư, những nghiên cứu về ứng dụng khoa học, công nghệ của các nhà khoa học nước ngoài đã cung cấp những kinh nghiệm, thông tin rất hữu ích về ứng dụng khoa học, công nghệ trong giáo dục và đào tạo trên thế giới, chú trọng vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đó là một trong những đột phá để phát triển đào tạo văn hoá, nghệ thuật.