Ứng dụng công nghệ số để chống hàng giả, hàng nhái
Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã và đang trở thành một trong những vấn nạn nhức nhối của xã hội hiện nay. Các loại hàng này len lỏi vào cuộc sống bằng nhiều con đường khác nhau với thủ đoạn ngày càng tinh vi, chủ yếu là giả, nhái những thương hiệu nổi tiếng. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chỉ đạo nhằm tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhiều giải pháp ứng phó khác cũng được đưa ra, trong đó có giải pháp về công nghệ số.
Thực trạng chống hàng giả, hàng nhái
Trên các sàn thương mại điện tử hay nền tảng mạng xã hội, chỉ cần gõ một từ khóa "máy tính cầm tay" trên thanh tìm kiếm, người dùng có thể tìm được rất nhiều kết quả với mẫu mã và mức giá khác nhau đến từ các tiểu thương đăng ký bán hàng trên nền tảng này. Theo đại diện Công ty Casio, do muốn kiếm lợi nhuận bằng phương thức phạm pháp, một số đối tượng đã sử dụng các linh kiện kém chất lượng để sản xuất máy tính Casio giả bán với giá rẻ hơn gấp 2-3 lần nhằm thu hút khách hàng.
Ngày 24/11, tại 62 Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”. Ảnh: Báo Tin tức |
Anh Nguyễn Hữu Cường, Công ty Xuất nhập khẩu Bình Tây cho biết: “Hầu hết các sản phẩm máy tính bán trên các sàn giao dịch thương mai điện tử đều là hàng giả. Mã sản phẩm bên ngoài vỏ hộp không giống với mã sản phẩm bên trong máy; tem chống hàng giả khi chiếu vào thì sản phẩm giả sẽ không hiện lên chữ OK”.
Đây là một trong những ví dụ điển hình cho việc hàng giả đã ngang nhiên có mặt trên các sàn giao dịch điện tử và nhiều hình thức phân phối hàng khác. Người tiêu dùng không thể nhận biết được đâu là hàng giả, đâu là hàng thật nếu không có tem chống hàng giả.
Theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở từ mạng internet để kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, gây thất thu cho ngành thuế cũng như đánh mất niềm tin của người tiêu dùng. Ngoài ra, do quy trình xử lý vi phạm chủ yếu là phạt vi phạm hành chính nên chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn. Việc đưa tem chống hàng giả trở thành một trong những giải pháp công nghệ chống hàng giả là một hướng giải pháp hiệu quả đến thời điểm này.
Công nghệ số - cánh tay đắc lực của người tiêu dùng
Trước thực trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng len lỏi lên các trên nền tảng mạng xã hội gây ra hệ lụy không nhỏ cho người tiêu dùng, mới đây, Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023. Đề án này nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhãn hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động triển khai áp dụng mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa...
Bên cạnh các chế tài trong văn bản pháp luật liên quan đến chống hàng giả, hàng nhái, việc đưa công nghệ số vào quy trình tiêu thụ, mua bán hàng hóa đã trở thành “cứu cánh” cho doanh nghiệp Việt trong cuộc chiến này.
Hiện nhiều công nghệ mới hiện đại đã và đang được doanh nghiệp, cơ quan chức năng áp dụng. Theo ông Bùi Minh Cường, Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ), nhằm tích cực chống hàng giả triệt để, Nhà xuất bản đã phối hợp với một số công ty sản xuất ra loại tem chống giả thông minh được Bộ Công an và Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận và đảm bảo chống giả tuyệt đối.
“Đối với tem khác khi quét ra hoặc photo lại thì không phân biệt được thật giả nhưng với loại tem thông minh này, khi quét sẽ phát hiện ra đâu là hàng giả và có kết nối cho đơn vị sản xuất là đã xuất hiện hàng giả”, ông Bùi Minh Cường cho biết.
Để đáp ứng nhu cầu trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nhà xuất bản cũng đang phối hợp với các đơn vị để nghiên cứu, sản xuất tem chống hàng giả trên không gian mạng, dự kiến đưa vào áp dụng từ đầu năm 2025. Tương lai không xa, tất cả những xuất bản phẩm điện tử của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật sẽ chống được sách lậu, sách giả trên không gian mạng.
Tại Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ), Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Quốc gia đã và đang được vận hành, triển khai được đánh giá là giải pháp quan trọng góp phần bảo đảm chất lượng an toàn của sản phẩm hàng hóa, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần xây dựng nền kinh tế minh bạch, bền vững về truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Ông Trần Văn Việt, Trưởng phòng hợp tác quốc tế (Trung tâm mã số, mã vạch quốc gia) cho biết, Cổng có vai trò kết nối các hệ thống truy xuất nguồn gốc độc lập. Khi người tiêu dùng quét, Cổng sẽ liên kết các dữ liệu truy xuất nguồn gốc lại với nhau để cung cấp cho người tiêu dùng một bức tranh sơ bộ về sản phẩm qua các bước như: Công đoạn sản xuất, vận chuyển tới tận tay người tiêu dùng. Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Quốc gia đã được nghiệm thu từ tháng 11/2022. Thời gian tới, Cổng sẽ kết nối thêm với 6 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Có thể thấy, việc ứng dụng các công nghệ chống hàng giả sẽ giúp minh bạch thông tin sản phẩm hàng hóa; tạo thuận lợi cho công tác quản lý, hỗ trợ đắc lực cho công tác chống gian lận thương mại. Bên cạnh đó, giúp các cơ quan thực thi truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác; phát hiện, loại bỏ những sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.