Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng trong năm 2024
Sau đó, các chi tiết cụ thể về tăng trưởng và phát triển sẽ được thảo luận tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thường niên, quy tụ các lãnh đạo chính quyền cấp tỉnh và trung ương. Mọi mục tiêu hàng năm bằng số sẽ chỉ được công bố vào tháng 3 năm sau.
Thị tường hiện đang kỳ vọng rất lớn rằng các nhà lãnh đạo nước này sẽ thiết lập những mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng trong năm 2024, dự kiến tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 5% trong năm tới. Điều này đòi hỏi nước này phải tập trung nhiều hơn nữa vào việc kích thích kịp thời để chống lại sự sụt giảm tài sản dai dẳng, nhu cầu nước ngoài suy yếu và thị trường việc làm ảm đạm.
Dưới đây là những mục tiêu được mong đợi từ các cuộc đàm phán chính sách trong tháng này:
Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 dự kiến đạt 5%
Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs dự đoán Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 5% vào năm 2024. Tỷ lệ này bằng với năm nay tuy nhiên dự kiến khó đạt được hơn, do mức nền năm 2022 ở mức thấp bởi hạn chế của đại dịch COVID-19.
Các nhà kinh tế tại một số ngân hàng đầu tư khác, bao gồm JPMorgan, Standard Chartered và các công ty môi giới địa phương như Tianfeng Securities, cũng cho rằng Bắc Kinh đang nhắm tới con số “khoảng 5%”.
Do nền kinh tế vẫn có thể tăng trưởng vượt mức 5% vào năm 2023, nên việc đạt được tỷ lệ tương tự vào năm tới sẽ đòi hỏi phải chi tiêu tài chính nhiều hơn và cách tiếp cận chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Điều đó cần Trung Quốc cần phát hành thêm nợ chính phủ, bơm thanh khoản vào thị trường tài chính hoặc thậm chí cắt giảm lãi suất.
Theo các nhà kinh tế tại Morgan Stanley, mục tiêu tăng trưởng “lạc quan” từ 4,5% trở lên sẽ giúp “định hướng kỳ vọng và củng cố niềm tin”.
Kích thích tài chính
Trung Quốc bắt đầu năm 2023 với cách tiếp cận thận trọng đối với chính sách tài khóa. Thâm hụt tăng thêm (augmented deficit) đã giảm so với năm ngoái một phần vì chính quyền địa phương không còn đủ khả năng để đưa ra các khoản giảm thuế lớn như những năm trước. (Thâm hụt tăng thêm là ước tính của tất cả các nguồn tài chính được chính phủ sử dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tức là cân bằng tài chính cộng với đầu tư thông qua các phương tiện tài trợ của chính quyền địa phương, ngân hàng chính sách và các kênh khác).
Tuy vậy, trong những tháng gần đây, các nhà chức trách đã tăng cường kích thích tài khóa, giúp chính quyền địa phương giảm bớt gánh nặng nợ nần. Đó là chiến lược mà các nhà kinh tế kỳ vọng sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2024 khi chính phủ nỗ lực xây dựng lại niềm tin.
Cách tiếp cận mạnh mẽ hơn để hỗ trợ tài chính trong năm nay được thực hiện thông qua một động thái hiếm hoi vào tháng 10 nhằm tăng thâm hụt tài chính năm 2023 lên 3,8% GDP. Việc tăng tỷ lệ này - cao hơn nhiều so với giới hạn 3% được tuân thủ trong lịch sử - liên quan đến việc phát hành thêm nợ chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng.
Morgan Stanley dự kiến tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP sẽ đạt 4% vào năm tới khi các quan chức phát hành thêm trái phiếu chính phủ.
Làm như vậy có thể giảm bớt gánh nặng cho chính quyền địa phương khỏi chiến dịch quốc gia nhằm giảm khoản nợ tiềm ẩn mà họ gánh chịu, vì giờ đây họ cần phải dựa vào các phương tiện khác để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Nó cũng sẽ giúp chống lại sự sụt giảm đang diễn ra trên thị trường nhà đất.
Chính sách tiền tệ
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) được cho là sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm 2024 để cung cấp thanh khoản cần thiết và hỗ trợ nền kinh tế.
Trong vài tháng tới, các nhà phân tích kỳ vọng Trung Quốc sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) và có thể cắt giảm lãi suất chính sách vào đầu năm.
Các nhà đầu tư cũng đang xem xét liệu PBOC có đưa ra các chính sách có mục tiêu hơn để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn hay không. Một phương án được nhiều người ủng hộ là khởi động lại Chương trình cho vay bổ sung có cam kết, một chương trình mà PBOC trước đây đã sử dụng để cung cấp các khoản vay giá rẻ cho các ngân hàng để tài trợ cho việc xây dựng nhà ở và các dự án khác.
Quyết tâm vực dậy lĩnh vực bất động sản
Sức khỏe của lĩnh vực bất động sản vẫn là một thách thức. Trong năm tới, các nhà kinh tế cho rằng chính quyền có thể tái khẳng định tầm quan trọng của “các dự án lớn” như xây dựng nhà ở xã hội và cải tạo các dự án xuống cấp để giúp thị trường bất động sản ổn định.
Trọng tâm đó được nhấn mạnh trong chuyến thăm gần đây của Chủ tịch Tập Cận Bình tới khu chung cư cho thuê được trợ cấp ở Thượng Hải. Những dự án như vậy có thể giúp thu hẹp sự suy giảm trong đầu tư và xây dựng nhà ở.
Ngoài ra, các nhà chức trách cũng có thể ra tín hiệu nới lỏng hơn nữa các quy định mua nhà để hỗ trợ doanh số bán hàng.