TP. Hồ chí Minh: Điểm mới trong bình ổn giá tại kênh bán lẻ phục vụ Tết
Bộ Tài chính ban hành chỉ thị tăng cường bình ổn giá cuối năm Trung Quốc thông báo sẽ dự trữ thịt lợn để bình ổn giá TP. Hồ Chí Minh: Nhiều doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường gạo |
Doanh nghiệp bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng phục vụ 2 tháng Tết Nguyên đán Giáp Thìn, trong đó có hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.
Chương trình bình ổn thị trường và chuẩn bị hàng hóa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được thực hiện trước, trong và sau Tết Giáp Thìn năm 2024.
Song song với tung hàng Tết 2024 ra thị trường sớm ngay từ thời điểm này để kéo giãn mùa mua sắm cuối năm, các nhà bán lẻ bình ổn giá tại Thành phố Hồ Chí Minh còn đổi mới phương thức kinh doanh, bán lẻ để phục vụ tốt người tiêu dùng.
Nhóm hàng trái cây có nguồn cung dồi dào tại kênh bán lẻ Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN) |
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart kiêm giám đốc Marketing Saigon Co.op (Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh) dự báo, người dân sẽ bắt đầu mua sắm trong khoảng từ 3-4 tuần trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; trong đó Saigon Co.op kỳ vọng sức mua và lượt khách tăng khoảng từ 20-30% so với tháng kinh doanh bình thường, tăng 50% so với ngày thường.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng cũng cho biết sức mua sẽ tập trung vào những nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như bánh mứt kẹo, bánh chưng bánh tét, giỏ chả, dưa hành củ kiệu, trái cây trưng bày mâm ngũ quả; mặt hàng đồ dùng, may mặc...
Để thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường trong giai đoạn cao điểm cuối năm, Saigon Co.op đã triển khai dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu ngay từ giữa năm 2023, với tổng giá trị nguồn hàng lên đến 10.000 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản…, còn lại dành cho nhóm mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng cũng cho biết thêm, điểm mới trong bình ổn giá hàng Tết 2024 của Saigon Co.op là chú trọng phương án vận chuyển thông suốt, kịp thời thông qua hệ thống trung tâm phân phối, kho vệ tinh được đặt tại mọi miền đất nước và hợp đồng hợp tác chiến lược cùng mạng lưới đối tác vận tải.
Bên cạnh đó, Saigon Co.op đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm các mặt hàng phục vụ Tết, Saigon Co.op tăng cường tần suất kiểm tra hàng hóa kinh doanh tại hệ thống lên gấp 2-3 lần so với ngày thường.
Với chủ đề “Đến Co.op chở Tết về," khách hàng sẽ tìm thấy một không gian Tết ba miền tại từng điểm bán lẻ của Saigon Co.op, hoặc có thể tìm kiếm đa dạng mặt hàng Tết đặc trưng vùng miền như sản phẩm quà tặng bản địa, OCOP…
Chương trình Tết 2024 của Saigon Co.op khởi động chuỗi bằng chuỗi hoạt động giảm giá trực tiếp từ 50-100% cho hơn 10.000 sản phẩm Tết, kéo dài đến sát Tết và trong mười ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tiếp tục giảm giá sâu hơn để giảm áp lực mua sắm cho người dân.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc thu mua, Công ty Trách nhiệm hữu hạn MM Mega Market Việt Nam, cho biết điểm mới trong lược mua sắm cuối năm và Tết 2024 của hệ thống trung tâm MM là giới thiệu hàng Tết cho hơn 30.000 khách hàng trọng điểm thuộc nhóm B2B chuyên nghiệp (doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, căn tin). Cùng với đó, hệ thống trung tâm MM phối hợp chặt chẽ với mạng lưới nhà cung cấp, mang đến mức ưu đãi đến 25% cho đơn hàng mua trực tiếp và đơn đặt trước số lượng lớn.
Khách hàng B2B chuyên nghiệp đến hệ thống trung tâm MM còn có cơ hội trải nghiệm sản phẩm với mẫu mã dành riêng cho Tết 2024. MM cũng khuyến khích khối khách hàng chuyên nghiệp chủ động nguồn hàng, đặt hàng sớm trước giai đoạn cao điểm nhằm chung tay “vượt bão” lạm phát, bình ổn giá thị trường, tạo không gian mua sắm tiết kiệm thông minh trong mùa lễ hội cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Theo ông Nguyễn Đức Toàn, MM không ngừng nỗ lực hợp tác với nhà cung cấp để đa dạng hàng hóa phục vụ thị trường Việt Nam và phục vụ người tiêu dùng mua sắm hàng ngày; trong đó có nhóm thực phẩm và đồ uống nhập khẩu chất lượng cao. Điển hình, hiện tại hệ thống trung tâm MM đang diễn ra Lễ hội “Hương vị Australia” giới thiệu hàng trăm sản phẩm ẩm thực chất lượng cao đến từ Australia như thịt bò, thịt cừu, nước ép, sữa chua, và rượu vang các loại... mang lại cơ hội tốt cho người tiêu dùng mua sắm sản phẩm từ Australia với mức ưu đãi lên đến 20%.
Về phía sở ngành, vừa mới đây, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có báo cáo về công tác triển khai chương trình bình ổn thị trường và chuẩn bị hàng hóa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, doanh nghiệp bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng phục vụ 2 tháng Tết Nguyên đán Giáp Thìn, trong đó có hơn 8.500 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường và nhóm mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25-43%.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, năm 2023 là năm đầu tiên thành phố triển khai chương trình bình ổn thị trường theo quy chế. Doanh nghiệp tham gia trên cơ sở đồng thuận, đồng hành và tuân thủ nghiêm quy định của chương trình, góp phần ổn định giá cả, không để xảy ra bất kỳ tình huống khan hàng, số giá do đầu cơ.
Năm nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 45 đơn vị tham gia bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; trong đó có thể kể những hệ thống phân phối, bán lẻ lớn như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh, MM Mega Market, Vissan, San Hà...
Trước tình hình thị trường biến động và diễn biến phức tạp, tạo áp lực lớn đối với hoạt động sản xuất trong nước, nhất là đối với hoạt động sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, Sở Công Thương đã vận động, mời gọi thêm nhiều doanh nghiệp tham gia nhằm tăng nguồn lực bình ổn thị trường đối với một số mặt hàng như gạo.
Trong kế hoạch triển khai chương trình bình ổn thị trường và chuẩn bị hàng hóa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy mỗi tháng doanh nghiệp bình ổn thị trường dự kiến cung ứng 7.000 tấn gạo, 2.000 tấn dầu ăn, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 70 triệu quả trứng gia cầm, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thủy hải sản,10.000 tấn rau củ quả...
Đặc biệt, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024./.