Tổng cục Thuế siết chặt quản lý, quyết liệt thu hồi nợ thuế
Theo đó, để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu nợ và hạn chế tình trạng nợ mới phát sinh, các Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ phải phân công rõ ràng trách nhiệm thu hồi nợ cho từng cá nhân, từ lãnh đạo các cấp đến công chức quản lý. Đồng thời, các cơ quan thuế sẽ phải tổ chức giám sát, kiểm tra chặt chẽ tiến độ thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế.
Một trong những điểm mới trong văn bản này là việc yêu cầu các cơ quan thuế phải theo dõi, hạch toán đầy đủ, chính xác các khoản nợ của người nộp thuế vào ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS). Việc này sẽ giúp cho quá trình điện tử hóa công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế thuận tiện và hiệu quả hơn.
Tổng cục Thuế vừa ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan thuế trên toàn quốc tăng cường các biện pháp quản lý, đôn đốc và quyết liệt thu hồi nợ thuế. Ảnh: TCT |
Đối với người nộp thuế có khoản nợ dưới 90 ngày, bộ phận thanh tra, kiểm tra sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát dữ liệu và đôn đốc nộp tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước. Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ đã quá 30 ngày, cơ quan thuế thực hiện ban hành Thông báo tiền thuế nợ theo Mẫu số 01/TTN gửi người nộp thuế bằng phương thức điện tử qua tài khoản giao dịch thuế điện tử (eTax). Trường hợp người nộp thuế chưa có tài khoản giao dịch thuế điện tử, nhưng có đăng ký địa chỉ email thì cơ quan thuế hỗ trợ gửi thông báo qua email và qua ứng dụng thuế điện tử cá nhân (eTax Mobile). Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ quá 60 ngày, công chức thuế phải thường xuyên liên hệ để nhắc nhở về việc nộp tiền thuế nợ và thông báo về việc sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế khi có khoản nợ quá 90 ngày. Cụ thể, đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế nợ thuộc trường hợp bị cưỡng chế, cơ quan thuế phải áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế và công khai thông tin theo quy định. Đối với các khoản tiền thuế được gia hạn theo nghị định, nghị quyết của Chính phủ, cơ quan thuế thực hiện đôn đốc, áp dụng biện pháp cưỡng chế ngay khi hết thời gian gia hạn mà người nộp thuế không nộp vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp quyết định cưỡng chế hết hiệu lực mà người nộp thuế chưa nộp, hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào ngân sách nhà nước thì tiếp tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp, đúng quy định; xem xét áp dụng đồng thời các biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định để tăng cường hiệu quả thu hồi nợ. Thực hiện ban hành quyết định cưỡng chế nợ thuế trên TMS để tiến tới tự động hóa công tác cưỡng chế nợ thuế trên toàn địa bàn.
Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu quả công tác truy thu, Tổng cục Thuế yêu cầu áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với những người nộp thuế có khoản nợ thuế quá hạn và đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, đặc biệt là những trường hợp đã ngừng hoạt động tại địa chỉ đăng ký. Các cơ quan thuế sẽ thường xuyên rà soát, theo dõi để kịp thời gia hạn hoặc huỷ bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh.
Các khoản nợ thuế đang chờ xử lý và chờ điều chỉnh cũng sẽ được tập trung giải quyết nhanh chóng. Bộ phận kê khai và kế toán thuế sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để rà soát, xử lý chứng từ, hạch toán vào hệ thống, đảm bảo dữ liệu nợ chính xác. Đối với các khoản nợ không còn khả năng thu hồi, cơ quan thuế sẽ tiến hành các thủ tục khoanh nợ, xóa nợ theo quy định của pháp luật.
Đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký, cơ quan thuế sẽ tăng cường tuyên truyền vận động người nộp thuế tự giác nộp thuế, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan công an để áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Các trường hợp có dấu hiệu trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế sẽ được chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Đặc biệt, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các địa phương tập trung xử lý những khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Rà soát và báo cáo Ủy ban nhân dân chỉ đạo các cơ quan liên quan trên địa bàn tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về diện tích, giá đất, điều chỉnh quy hoạch, khấu trừ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng... (nếu có) để sớm xử lý thu hồi được các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đôn đốc các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện các thủ tục chưa hoàn thành liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, thu hồi mỏ, hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá đất, xử lý miễn, giảm,... làm căn cứ để cơ quan thuế thông báo nghĩa vụ tài chính và đôn đốc nộp hết số tiền còn phải nộp vào ngân sách nhà nước; đối với các dự án chây ỳ, nợ thuế kéo dài, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì kiến nghị thực hiện thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Việc Tổng cục Thuế ban hành các biện pháp mạnh mẽ này nhằm đảm bảo thu ngân sách nhà nước, đồng thời tạo ra sự công bằng giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực hiện các biện pháp này cũng cần đi đôi với việc tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tính đến thời điểm 31/8/2024, tổng nợ thuế đã tăng 21,1% so với thời điểm cuối năm 2023, tăng 23,6% so với cùng kỳ; nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ ước tính đến hết tháng 8/2024 tăng 26,2% so với thời điểm ngày 31/12/2023, tăng 23,9% so với cùng kỳ. Trong đó, nợ có khả năng thu ước tính là 116.606 tỷ đồng, tăng 27,1% so với thời điểm ngày 31/12/2023. Cả nước có 56/63 địa phương có nợ tăng. Tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng dự toán thu năm 2024 tính đến 31/8/2024 ước đạt 14,3%, trong đó tỷ lệ tiền thuế nợ có khả năng thu trên tổng dự toán thu năm 2024 là 10,4%. |