Thực phẩm Việt Nam có chen chân được vào thị trường Thái Lan?
Nhiều dư địa cho hàng thực phẩm Việt Nam sang thị trường Nhật Bản | |
Khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam mở rộng sang thị trường Thái Lan |
Đã xuất khẩu, kim ngạch chưa lớn
Từ năm 2019 đến nay, Công ty CP Hạt điều Hải Bình (tỉnh Gia Lai) đã xuất khẩu sản phẩm hạt điều vào thị trường Thái Lan thông qua chuỗi siêu thị Tops (thuộc Tập đoàn Central Group) với mức bình quân 4 - 6 tấn thành phẩm/tháng.
Tương tự, phở VIFON cũng được ghi nhận là một trong những mặt hàng Việt Nam thành công trong hành trình chinh phục người tiêu dùng Thái Lan bởi đã có mặt ở chuỗi siêu thị Tops và một số kênh bán lẻ khác với mức tiêu thụ 200 sản phẩm/cửa hàng.
Trường hợp của hạt điều Hải Bình và phở VIFON khá điển hình trong bức tranh xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam sang Thái Lan. Mặc dù là một cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới nhưng Thái Lan cũng có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu các loại trái cây, rau củ tươi.
Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam khai thác thị trường tiềm năng có giá trị lên tới hàng tỷ USD này. Hiện các sản phẩm như thuỷ sản, rau quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, trái cây tươi của Việt Nam cũng đang được người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng.
Dù vậy, số doanh nghiệp cũng như lượng nông sản, thực phẩm Việt xuất khẩu sang thị trường Thái Lan chưa nhiều, kim ngạch chưa lớn. Lý giải nguyên nhân, nhiều chuyên gia cho rằng, rào cản đến từ chính bản thân doanh nghiệp trong nước khi luôn cho rằng hàng Thái chất lượng tốt, giá thành rẻ nên hàng Việt không cạnh tranh được.
Thực Phẩm Việt Nam có thể chen chân được vào thị trường Thái Lan? |
Một hạn chế nữa, mẫu mã sản phẩm của hàng Việt hiện chưa đáp ứng thị hiếu người Thái Lan, do doanh nghiệp chưa nghiêm túc nghiên cứu thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chưa có chiến lược phát triển cụ thể, chưa hiểu rõ về nhu cầu thị trường đang hướng tới và chưa nắm rõ quy trình và tiêu chí xuất khẩu sản phẩm vào hệ thống phân phối của nước sở tại, chưa có sự kết nối đủ mạnh để đáp ứng các đơn hàng lớn...
Tìm hiểu kỹ nhu cầu tiêu dùng
Thái Lan là thị trường khó tuy nhiên phát biểu tại Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Lào, Thái Lan do Cục xúc tiến thương mại tổ chức gần đây, ông Nguyễn Thành Huy- Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, cho rằng: Với dân số hơn 70 triệu người, GDP bình quân/người đạt khoảng 7.000 USD, Thái Lan là thị trường tiềm năng đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam.
Tuy nhiên, khi xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ về thị hiếu của người tiêu dùng Thái Lan. Theo đó, người dân khá ưa chuộng các sản phẩm chế biến sẵn, đóng gói với nhiều kích thước. Nguyên do, người Thái Lan có văn hóa ăn nhiều bữa phụ trong một ngày và tương đối bận rộn nên có nhu cầu về các sản phẩm chế biến sẵn, kích thước đa dạng để phù hợp với từng đối tượng, từng mục đích sử dụng. Người tiêu dùng Thái Lan cũng ưu tiên các sản phẩm tốt cho sức khỏe chứa ít đường, ít dầu.
Mặt khác, ngành nông nghiệp được Chính phủ Thái Lan ưu tiên thúc đẩy phát triển, đồng thời có các chính sách bảo hộ mạnh với ngành công nghiệp thực phẩm nội địa. Do vậy, nếu không có chiến lược thị trường, chiến lược sản phẩm đủ mạnh thì rất khó cạnh tranh bởi sự tương đồng về sản phẩm. Đồng thời, cần xây dựng thương hiệu để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững tại thị trường này.
Về kênh phân phối, Thái Lan đang duy trì 4 kênh phân phối chính, bao gồm: Chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, siêu thị và đại siêu thị. Mỗi kênh phân phối có đặc thù riêng về giá cả, bao bì đóng gói nên doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ và lựa chọn kênh phân phối để có chiến lược marketing, sản phẩm phù hợp.
Xu hướng sử dụng thương mại điện tử trong mua sắm khá phổ biến với người tiêu dùng Thái Lan, doanh nghiệp có thể tận dụng chuyển đổi số, xuất khẩu xuyên biên giới qua các sàn thương mại điện tử uy tín.
Khi xuất khẩu hàng hóa vào Thái Lan, doanh nghiệp cũng cần lưu ý về quy trình 6 bước của thị trường này. Cụ thể, doanh nghiệp cần đăng ký hải quan hoặc liên hệ với bên doanh nghiệp vận chuyển; kiểm tra theo yêu cầu nhập khẩu của cơ quan chức năng Thái Lan và căn cứ theo mã HS; chuẩn bị nộp giấy tờ theo yêu cầu; thanh toán thuế; kiểm tra của hải quan nếu có; hoàn tất thủ tục hàng hóa.
“Khi xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp trong nước nên tìm đối tác địa phương làm thủ tục nhập khẩu để có thể thông quan nhanh hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần kiểm tra kỹ các đối tác trước khi xuất hàng hoặc thông qua thương vụ để tìm hiểu về đối tác, tránh bị lừa đảo”, ông Nguyễn Thành Huy lưu ý.