Thị trường chứng khoán có thể hưởng lợi từ chính sách của Chính phủ
Đây là nhận định của ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT).
Những chính sách tác động tới thị trường
Theo ông Đinh Quang Hinh, trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì các buổi họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho tăng trưởng, khơi thông dòng vốn tín dụng; trong đó, Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu đẩy mạnh hơn tín dụng nhằm cung ứng vốn cho nền kinh tế, xem xét kéo dài Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, đồng thời giảm hơn nữa mặt bằng lãi suất cho vay.
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). Ảnh minh họa: Hứa Chung/TTXVN |
Những chính sách này nếu được thực hiện quyết liệt sẽ góp phần cải thiện bức tranh tín dụng và tăng trưởng của nền kinh tế, qua đó tác động tích cực tới thị trường chứng khoán.
Trong bối cảnh đó, VNDIRECT cho rằng, chỉ số VN-Index có thể tiếp tục duy trì xu hướng tích lũy và đi lên từ từ, nhằm hướng tới vùng kháng cự 1.140 - 1.150 điểm trong những tuần cuối tháng 12.
Tuy vậy, xen kẽ trong xu hướng đi lên của thị trường sẽ xuất hiện những phiên “rung lắc”, ông Đinh Quang Hinh nêu quan điểm.
Thực tế, phiên đầu tuần qua (4/12), VN-Index tăng 18,3 điểm khi nhà đầu tư tin khả năng cao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu hạ lãi suất từ quý I/2024.
VN-Index quay đầu điều chỉnh nhẹ vào phiên ngày thứ Ba khi nhà đầu tư được cảnh báo cần thận trọng hơn khi nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất sớm.
Mặc dù thị trường điều chỉnh, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn đón nhận tín hiệu tích cực khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) tuyên bố sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng nếu cần thiết.
Lực cầu mạnh đã giúp VN- Index trở lại xu hướng tăng trong phiên chiều ngày thứ Tư, được hỗ trợ bởi nhóm ngành thủy sản với kim ngạch xuất khẩu tháng 11/2023 tăng trưởng 6% so với cùng kỳ và nhóm ngành thép với thông tin sản lượng bán hàng của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) đạt 709.000 tấn, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đà tăng của thị trường không kéo dài được bao lâu khi VN-Index lao dốc giảm 15 điểm đầu phiên chiều thứ Năm với lực bán tập trung nhóm dịch vụ tài chính, bất động sản và bán lẻ. Đà sụt giảm dần được thu hẹp lại, khiến thị trường đóng cửa chỉ giảm dưới 5 điểm do tăng trưởng tín dụng 11 tháng 2023 tăng 9,15% so với đầu năm đã hỗ trợ nhóm ngành ngân hàng.
VN-Index vào phiên thứ Sáu biến động nhẹ, thanh khoản trung bình trên 15.700 tỷ đồng và cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động dẫn dắt thị trường khi Chủ tịch Hội đồng quản trị của doanh nghiệp này là Nguyễn Đức Tài nâng tỷ lệ sở hữu lên 2,41% vốn điều lệ.
Đáng chú ý, khối ngoại bán ròng liên tiếp thời gian qua, theo VNDIRECT có thể bắt nguồn từ động thái chốt lời cuối năm và sự dịch chuyển dòng vốn toàn cầu.
Theo đó, khối ngoại bán ròng 3.954 tỷ đồng trong tuần qua, tăng tới 461% so với tuần trước đó trên HOSE và 73 tỷ đồng, tăng 523% so tuần trước đó trên HNX. Khối ngoại cũng bán ròng 30 tỷ đồng trên UPCOM, giảm nhẹ 7% so với tuần trước đó.
Sau một tuần với những thông tin vĩ mô và doanh nghiệp tương đối tích cực, VN-Index đã cải thiện nhẹ khi kết tuần với 1.124,44 điểm, tương đương mức tăng 2,02%; chỉ số HNX-Index ghi nhận mức tăng 2,18% lên 231,2 điểm và UPCOM-Index tăng nhẹ 0,6% để đóng cửa tại 85,71 điểm.
Tuần qua, BID tăng 6,4%, MSN tăng 7,6%, BCM tăng 11,7%. Đây là các cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn dắt đà hồi phục. Ngược lại, các cổ phiếu VHM giảm 3,1%, VJC gảm 1,1% và PNJ giảm 2,1% gây áp lực lên chỉ số chung.
Thanh khoản tuần qua tăng mạnh 60% so với tuần trước đó, đạt 24.237 tỷ đồng/phiên, thể hiện sự lạc quan của thị trường khi nhà đầu tư giao dịch sôi động trở lại. Tuần này chứng kiến lực bán ròng nổi bật của khối ngoại với tổng giá trị 4.057 tỷ đồng trên cả ba sàn.
Mặc dù chứng kiến những phiên rung lắc mạnh, nhìn chung thị trường vẫn đang duy trì xu hướng tích lũy và đi lên một cách từ từ. Dòng tiền có sự luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu để giữ nhịp và duy trì sự hứng khởi cho thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh khối ngoại liên tục bán ròng mạnh thời gian gần đây thì điểm sáng là sự cải thiện của dòng tiền nội trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước hoàn thành việc bơm trả toàn bộ lượng tiền rút ròng khỏi hệ thống (đáo hạn hết lượng tín phiếu đã phát hành trước đó).
Theo ông Phạm Bình Phương, chuyên gia phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), chỉ số VN-Index vượt thành công mốc MA 200 ngày (đường trung bình 200 phiên giao dịch, là một chỉ báo kỹ thuật thông dụng để đo lường xu hướng dài hạn của cổ phiếu) sau 3 phiên kiểm định, cùng với sự gia tăng thanh khoản là diễn biến tương đối đáng tin cậy của VN-Index, diễn biến này có thể giúp nhà đầu tư tỏ ra lạc quan hơn trong tuần sau.
Trong ngắn hạn, VN-Index đang trong diễn biến kiểm định vùng đỉnh cũ (1.130 điểm) và có thể “giằng co” quanh mốc này vào đầu tuần sau. Ông Phạm Bình Phương cho biết, mốc MA 200 ngày đang là hỗ trợ tin cậy và lực cầu cũng đã xuất hiện “dứt khoát” khi VN-Index giảm về dưới mốc này.
Theo các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), tuần qua, số liệu tăng trưởng tín dụng cho thấy có những tín hiệu tích cực dần về cuối năm khi tăng từ mức 8,38% tính từ đầu năm tới 23/11/23 lên mức 9,15% tại ngày 30/11/23, tương ứng mức tăng 0,77% chỉ trong vòng 1 tuần, mặc dù số liệu này vẫn khá thấp so với mức 12,02% cùng kỳ năm 2022.
Để tăng cường cung ứng vốn cho các hoạt động kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị để bàn về các giải pháp cho thấy quyết tâm rất lớn từ Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng và tại hội nghị nói trên cho biết sẽ xem xét về đề xuất kéo dài Thông tư 02 về giãn thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Tuy nhiên việc đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14,5% là khó khăn, trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thấp, thị trường bất động sản, trái phiếu còn cần nhiều thời gian để phục hồi.