Mỹ ôn hòa hơn, tỷ giá hạ nhiệt, chứng khoán Việt Nam hưởng lợi
Kênh chứng khoán vẫn chứng tỏ sức hấp dẫn Thị trường chứng khoán thường diễn biến tích cực trong chuyến thăm Việt Nam của các Tổng thống Mỹ Chứng khoán “rực lửa”, nhà đầu tư nên làm gì? |
Thị trường tài chính thế giới cũng ổn định trở lại. Đồng USD giảm nhanh và tỷ giá USD/VND hạ nhiệt.
Có phiên tăng bùng nổ, thanh khoản tăng trở lại
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần 30/10-3/11 đã có một phiên tăng mạnh trở lại với mức tăng hơn 35 điểm sau khi chỉ số VN-Index giảm tổng cộng hơn 200 điểm trong một chuỗi ngày trước đó.
Phiên tăng điểm bứt phá vào ngày 2/11 với sức cầu bắt đáy đã gia tăng, qua đó khiến thanh khoản được cải thiện đáng kể. Khả năng thị trường chứng khoán đã xác lập được đáy sau một đợt giảm điểm kéo dài vừa qua.
Thị trường chứng khoán tăng trở lại. (Ảnh: HH) |
Chung cuộc cả tuần, chỉ số VN-Index tăng 16,2 điểm (tương đương tăng 1,5%) so với cuối tuần trước. Chỉ số HNX-Index thậm chí tăng 7,1% từ đáy lên 217,8 điểm. Upcom-Index tăng 4,6% lên 84,2%.
Trong tuần, một số cổ phiếu trụ cột bứt phá và qua đó nâng đỡ mạnh cho thị trường chung. Cổ phiếu ông lớn ngân hàng Vietcombank (VCB) trong tuần tăng 4,6%, trong khi đó đại gia bán lẻ - tiêu dùng Masan (MSN) của Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang tăng 10,6%. Cổ phiếu Hòa Phát (HPG) của tỷ phú USD Trần Đình Long tăng 7,5%...
Giới đầu tư đổ tiền mạnh vào các cổ phiếu trụ cột sau khi thị trường đón nhận các thông tin tích cực. Và chính bản thân các doanh nghiệp cũng có những thông tin tích cực, át đi những tin xấu trước đó.
Cổ phiếu MSN tăng mạnh trong tuần sau khi Masan giải trình về tình hình dòng tiền tốt và các khoản vốn từ nước ngoài, trong đó có Tập đoàn SK của Hàn Quốc vẫn ổn định. Báo Hàn bác bỏ tin đồn SK rút tiền sớm và khẳng định quan hệ hợp tác giữa các tập đoàn Hàn Quốc với Việt Nam là lâu dài.
Nhóm cổ phiếu “họ Vin” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng thoát khỏi tình trạng bán tháo kéo dài nhiều ngày với nhiều phiên giảm sàn. Áp lực bán đối với bộ 3 cổ phiếu Vinhomes (VHM), Vingroup (VIC) và Vincom Retail (VRE) giảm đi đáng kể. Thông tin khối ngoại bán theo hoạt động hedging 250 triệu USD giá trị trái phiếu chuyển đổi (đáo hạn năm 2028) không còn là sức ép đối với các cổ phiếu Vinhomes.
Tuy nhiên, nhìn chung trong tuần, còn nhiều cổ phiếu vẫn giảm giá. Thế giới di động (MWG) giảm 7,3%; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) giảm 4,2%; cổ phiếu ngân hàng SeABank (SSB) giảm 4,9%...
Cổ phiếu Việt quay đầu đồng loạt tăng sau khi Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) vừa quyết định một chính sách khá ôn hòa, nhằm hướng kinh tế đến một cú hạ cánh mềm. Chủ tịch Fed cũng bày tỏ quan điểm thận trọng khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt, qua đó thúc đẩy kỳ vọng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất trong các cuộc họp tiếp theo.
Chủ tịch Fed Jerome Powel cũng bày tỏ quan điểm thận trọng khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt, qua đó thúc đẩy kỳ vọng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất trong các cuộc họp tiếp theo.
Cụ thể, rạng sáng 2/11 (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang (Federal Funds Rate - FFR) lần thứ 2 liên tiếp ở mức 5,25%-5,5%. Fed đã không đẩy chính sách tiền tệ lên một mức thắt chặt mới. Xu hướng lỏng tay lại nhằm không ảnh hưởng tới tốc độ hồi phục của nền kinh tế và tác động tiêu cực tới thị trường lao động nước này, cho dù lạm phát vẫn còn ở mức cao.
Thị trường tài chính thế giới đã phản ứng tích cực với đồng USD hạ nhiệt. Tỷ giá USD/VND tại Việt Nam cũng nhanh chóng đi xuống. Tại Vietcombank chiều 3/11 còn 24.690 đồng/USD (giá bán), thay vì mức 24.760 đồng/USD trước khi Fed ra quyết định.
Chỉ số DXY đã giảm từ mức 106,8 điểm xuống còn 105 điểm. Hàng loạt các đồng tiền chủ chốt trên thế giới tăng trở lại so với đồng USD, qua đó giảm áp lực lên ngân hàng trung ương của nhiều nước.
Giá dầu thế giới cũng giảm nhanh, từ 85 USD/thùng với dầu WTI xuống còn gần 80 USD/thùng. Nó khiến nỗi lo về lạm phát giảm xuống. Chi phí của doanh nghiệp cũng sẽ giảm theo.
Hấp dẫn cho đầu tư dài hạn
Với một loạt tin tốt, tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã tích cực trở lại, qua đó làm giảm áp lực bán giải chấp dâng cao trước đó.
Thông tin về sự ổn định trở lại của thị trường tài chính thế giới và cú giảm nhanh của đồng USD đã ngay lập tức động tích cực tới các nhà đầu tư. Tỷ giá USD/VND hạ nhiệt khiến kỳ vọng dòng tiền ngoại sẽ quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thanh khoản tăng vọt trong 2 phiên cuối tuần.
Biến động tỷ giá USD/VND tại Vietcombank. (Biểu đồ: M. Hà) |
Trong tuần, khối ngoại quay trở lại mua ròng trên cả 3 sàn, với giá trị 300 tỷ đồng trên Sàn Chứng khoán TP.HCM (HOSE) và 298 tỷ đồng trên Sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) và 12 tỷ trên Upcom. Trong tuần trước, khối ngoại bán ròng 1.400 tỷ đồng trên sàn Hà Nội.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mỗ và Chiến lược thị trường Khối Phân tích Chứng khoán VNDirect, cho biết, ông kỳ vọng những thông tin hỗ trợ xuất hiện gần đây sẽ cải thiện tâm lý thị trường và thúc đẩy đà phục hồi của các chỉ số chứng khoán.
Chuyên gia đến từ VNDirect cho rằng, động thái “ôn hòa hơn” về chính sách tiền tệ của Fed sẽ giúp hạ nhiệt áp lực tỷ giá USD/VND trong nước. Điều này có thể cải thiện dư địa chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong những tháng cuối năm cũng như tâm lý của các nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán có thể bước vào một nhịp phục hồi rõ nét.
Ông Huỳnh Minh Tuấn - nhà sáng lập công ty tư vấn đầu tư & quản lý gia sản FIDT - cho rằng, quyết định của Fed có ảnh hưởng tích cực tới Việt Nam về mặt vĩ mô và chính sách tiền tệ. Theo ông Tuấn, áp lực hút thanh khoản và tỷ giá có thể hạ nhiệt và đồng USD trên thị trường tự do sẽ về lại dưới vùng 24.500 đồng/USD.
Cũng theo ông Huỳnh Minh Tuấn, lãi suất tại Việt Nam tiếp tục có dư địa duy trì ở vùng thấp và kéo dài. Còn với thị trường chứng khoán, khi tỷ giá ổn định trở lại và lãi suất thấp, dòng vốn ngoại sẽ ngừng rút và có thể đảo chiều mua ròng.
Về định giá chứng khoán, ông Đinh Quang Hinh đánh giá, sau nhịp điều chỉnh kéo dài, thị trường chứng khoán đã về mức hấp dẫn. Mức chiết khấu định giá theo P/B của VN-Index đã về gần tương đương mức đáy trung hạn thời điểm tháng 11 năm 2022 và đáy COVID-19.
Do đó, theo ông, đây là thời điểm tốt để các nhà đầu tư trung và dài hạn bắt đầu tích lũy cổ phiếu cho năm 2024. Những cổ phiếu có tiềm năng được cho là thuộc các nhóm: các cổ phiếu hưởng lợi từ câu chuyện xuất khẩu phục hồi; nhóm cổ phiếu đầu tư công; một số cổ phiếu nhóm bất động sản có tình hình tài chính lành mạnh sẽ bứt phá trong giai đoạn tới khi nhóm dự luật (sửa đổi) liên quan tới ngành bất động sản chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khuyến nghị, ở vào thời điểm này, các nhà đầu tư không nên sử dụng đòn bẩy ký quỹ để giải ngân cổ phiếu trong trung và dài hạn; không đầu tư tập trung một cổ phiếu hoặc một nhóm ngành duy nhất/ đồng thời tránh đầu tư một khoản tiền lớn vào một thời điểm, các nhà đầu tư có thể chia khoản đầu tư dài hạn thành nhiều phần và giải ngân từ từ hoặc áp dụng phương pháp giải ngân theo kiểu tích sản.