Tết Đoan Ngọ 2024 chuẩn bị lễ cúng thế nào cho đầy đủ và may mắn?
Đoan Ngọ, hay còn được biết đến với cái tên Tết giữa mùa hè, Tết nửa năm, Tết Đoan Ngọ là dịp mọi nhà đều háo hức chuẩn bị những món ăn truyền thống đặc sắc. Theo quan niệm từ xưa, ngày này ăn uống không chỉ để thưởng thức, mà còn là cách để "giết sâu bọ", tẩy sạch mọi âm khí, mang lại sức khỏe và may mắn cho cả gia đình.
Năm 2024, Tết Đoan Ngọ rơi vào thứ Hai, ngày 10/6 Dương lịch.
Theo truyền thống, vào ngày này, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan Ngọ dâng lên thần linh, tổ tiên, mong một vụ mùa bội thu cũng như cầu sức khỏe cho cả gia đình.
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ không chỉ là bày tỏ lòng kính trọng đối với tổ tiên, mà còn là dịp để mọi người trong gia đình sum họp |
Trái cây và hoa tươi: Tùy theo vùng miền, mâm cúng Tết Đoan Ngọ sẽ có những lễ vật khác nhau nhưng không thể thiếu những đĩa hoa quả đặc trưng của mùa như vải, mận... và cơm rượu nếp/rượu cẩm.
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Bắc sẽ có các loại quả đặc trưng như vải thiều, mận đại diện cho sự đầy đủ và phong phú, xôi chè, rượu nếp, cơm rượu, bánh gio… Những loại quả này không chỉ góp phần làm phong phú thêm cho mâm cúng với hương vị chua ngọt quyến rũ, mà còn được tin là có khả năng "xua đuổi sâu bọ", mang lại sức khỏe và sự an lành cho thành viên trong gia đình.
Những đĩa hoa quả đặc trưng của mùa hè không thể thiếu trong dịp Tết Đoan Ngọ |
Ngoài ra, các loại hoa tươi điểm tô giúp mâm cũng Tết Đoan Ngọ thêm phần linh thiêng, rực rỡ. Một loại hoa không thể thiếu là hoa sen với sắc trắng hồng, hay sen quan âm được gấp cánh gọn gàng tạo nên những đĩa hoa đầy sức sống. Bên cạnh đó, có nhiều loại hoa khác được bày lên mâm lễ cúng ngày Tết Đoan Ngọ như hoa nhài, hoa ngọc lan, hoa cau, hoa móng rồng, hoa mẫu đơn đỏ,... Nhiều người cũng bày biện vào mâm lễ những quả phật thủ đẹp mắt, da xanh căng bóng.
Cơm rượu nếp cái/nếp cẩm: Trong không khí ngày Tết Đoan Ngọ, không thể không nhắc đến rượu nếp cái hoặc nếp cẩm - vật phẩm không chỉ thấm đượm bản sắc văn hóa mà còn là biểu tượng của linh hồn ngày Tết này. Chỉ một miếng nhỏ cơm rượu nếp cũng đủ để bạn hòa mình vào không khí "diệt sâu bọ" được gìn giữ và lan tỏa. Một bát rượu nếp cái nồng nàn, đặt bên cạnh những lễ vật khác trên mâm cúng, đã là đủ để hiển hiện lòng thành và sự tôn kính của con cháu đối với tổ tiên. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, trong ngày này, nên ăn một lượng cơm rượu vừa phải, nếu ăn nhiều quá sẽ bị say.
Rượu nếp cái hoặc nếp cẩm - vật phẩm không chỉ thấm đượm bản sắc văn hóa mà còn là biểu tượng của linh hồn ngày Tết này |
Bánh tro/bánh gio: Loại bánh này cũng là loại bánh không thể thiếu vào ngày Tết Đoan Ngọ. Người ta cũng thường chọn mua bánh tro để bày biện trong mâm cúng dâng tổ tiên, sau đó cùng người thân trong gia đình thưởng thức. Bánh tro là loại bánh truyền thống được làm từ nguyên liệu quen thuộc, nước ủ gạo được đốt từ tro của nhiều loại thảo mộc tốt cho sức khỏe tạo nên mùi thơm đặc biệt.
Bánh tro được làm từ những hạt gạo nếp rẫy chọn lọc, mềm dẻo và thơm lừng. Đặc biệt, lá chít tự nhiên được sử dụng để gói bánh không chỉ giúp món ăn này thu hút ánh nhìn bởi màu vàng hổ phách tươi tắn mà còn giữ được hương vị thơm ngon, đậm đà khiến ai cũng phải thèm thuồng. Và không gì tuyệt vời hơn khi thưởng thức bánh tro cùng với mật mía – loại mật có độ sánh mịn, hương thơm nhẹ nhàng, màu vàng sậm quyến rũ, tạo nên một sự kết hợp hoàn hảo và đẹp mắt.
Thông thường, mâm lễ cúng ngày Tết Đoan Ngọ rất đơn giản, chỉ có hoa quả, cơm rượu và bánh tro. Dẫu vậy, nhiều chị em nội trợ cũng không ngại bày biện sao cho mâm cúng của mình thêm đẹp mắt. Nhiều người cũng bày thêm xôi đậu, xôi gấc, bánh đậu xanh, thạch đậu, bánh xu xê, bánh cốm, rượu trà,...
Đối với các mâm lễ Tết Đoan Ngọ ở các vùng miền khác, giống như miền Bắc, mâm cúng Tết Đoan Ngọ của người miền Trung cũng có các lễ vật cơ bản như: Hương, hoa, rượu nếp, nước, các loại quả, bánh tro, bánh ú…nhưng một món không thể thiếu là thịt vịt. Cơm rượu trên mâm cúng miền Trung cũng được làm theo phương pháp lên men cổ truyền, có hình dạng vuông vức.
Với mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Nam, ngoài những lễ vật quen thuộc, mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Nam còn có nhiều món khác như: Cơm rượu ở miền Nam được vo thành viên tròn và thêm nước đường, ăn giống như xôi chè ở miền Bắc.
Bánh ú Bá Trạng là món bánh tương tự bánh gio nhưng to hơn, được làm từ gạo nếp nhồi thêm nhân, sau đó luộc hoặc hấp. Bánh ú Bá Trạng có thể gói bằng lá sen, lá chuối… Ở miền Nam, bánh ú còn nhiều biến tấu khác nhau, có cả nhân mặn và nhân ngọt (đậu xanh, sầu riêng…), gói bằng lá tre, lá dong…
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ miền Nam có thêm món chè trôi nước. Món chè này làm từ bột nếp trắng, nhân đậu xanh.
Khung giờ đẹp nên thắp hương ngày Tết Đoan Ngọ 2024
Thời điểm thắp hương ngày Tết Đoan Ngọ 2024 theo ý kiến của các chuyên gia phong thủy đã đưa ra lời khuyên. Ở đây, Đoan Ngọ có nghĩa là bắt đầu giữa trưa nên nghi lễ cúng dịp Tết Đoan Ngọ thường được diễn ra vào thời điểm chính Ngọ là 12 giờ trưa ngày 5/5 âm lịch. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện của mỗi gia đình mà có thể tiến hành lễ cúng vào buổi sáng.
Vào ngày 5/5 âm lịch năm Giáp Thìn, các chuyên gia phong thủy chỉ ra có 2 khung giờ đẹp và tốt để tiến hành cúng Tết Đoan Ngọ người dân có thể lựa chọn:
+ Canh Thìn (7h đến 9h): Tư Mệnh
+ Nhâm Ngọ (11h đến 13h): Thanh Long
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ không chỉ là bày tỏ lòng kính trọng đối với tổ tiên, mà còn là dịp để mọi người trong gia đình sum họp, chung vui, dù cho mâm cúng đơn sơ hay trang trọng, đều ẩn chứa tình cảm và ước nguyện về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người cùng trải qua mùa hè khỏe mạnh, an ninh khang thái.
Với sự phát triển của thời đại, việc chuẩn bị lễ vật ngày càng trở nên thuận lợi, từ chợ truyền thống đến siêu thị hiện đại, từ các cửa hàng trực tuyến đến dịch vụ đặt mâm cúng trọn gói, tất cả đều nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Đối với những ai bận rộn, việc lựa chọn một mâm cúng bán sẵn không chỉ là giải pháp tiện lợi mà còn là cách thức khác tôn vinh những giá trị văn hóa mà không mất đi ý nghĩa tâm linh của ngày Tết dân gian này.