Tạo dựng môi trường làm việc an toàn và lành mạnh cho người lao động
Thủ tướng chỉ đạo phát triển thị trường lao động và chăm lo đời sống người lao động Chăm sóc và nâng cao sức khoẻ công nhân lao động |
Những việc có thể làm để hiện thực hóa quyền này là một thông điệp quan trọng được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) sẽ đưa ra trong Ngày Thế giới về an toàn và sức khỏe lao động tại nơi làm việc (28/4) năm nay.
Theo thống kê, hằng năm có khoảng 2,9 triệu phụ nữ và nam giới trên khắp thế giới phải gánh chịu hậu quả của tai nạn hoặc bệnh tật liên quan đến công việc; mỗi ngày có đến hơn 8.000 trường hợp tử vong. Mức độ thiệt hại được đánh giá là vô cùng lớn đối với cá nhân, khó khăn mà họ phải gánh chịu cũng như tổn thất về kinh tế.
Ảnh minh họa. (Nguồn: VGP) |
Trước thực tế nêu trên, tháng 6/2022, ILO đã thực hiện một bước tiến lịch sử khi bổ sung môi trường làm việc an toàn và lành mạnh vào danh sách các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc. Đó là nội dung quan trọng khi an toàn và sức khỏe nghề nghiệp giờ đây không còn được coi là một tùy chọn bổ sung.
Tất cả 186 quốc gia thành viên của ILO có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và tạo dựng một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh như một nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc, dù họ có phê chuẩn các công ước của ILO liên quan đến an toàn và sức khỏe nghề nghiệp hay không.
Tất cả 186 quốc gia thành viên của ILO có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và tạo dựng một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh như một nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc, dù họ có phê chuẩn các công ước của ILO liên quan đến an toàn và sức khỏe nghề nghiệp hay không. |
Tại Việt Nam, mặc dù đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả, nhưng chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn một số tồn tại. Số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Năm 2022, toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động, làm 7.923 người bị nạn, 754 người chết, tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản hơn 14,1 nghìn tỷ đồng và hơn 143 nghìn ngày công.
Về bệnh nghề nghiệp, năm 2022 đã khám, phát hiện 1.328 trường hợp bệnh nghề nghiệp, chiếm khoảng 0,3% số người được khám, tăng 0,2% so cùng kỳ năm 2021. Số lượng người được giám định bệnh nghề nghiệp năm 2022 tiếp tục ở mức thấp, 114 trường hợp, chiếm 8,6%...
Theo Cục An toàn lao động (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do nhiều người sử dụng lao động chưa chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan.
Công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thật sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động…
Trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam đang cố gắng khôi phục những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động gia tăng hiện hữu, đòi hỏi các cấp chính quyền cần thật sự quan tâm thúc đẩy thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương; bố trí nguồn lực về nhân sự, tài chính cho triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với khu vực, lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro mất an toàn, vệ sinh lao động, khu vực không có quan hệ lao động.
Người sử dụng lao động cần chú ý cải thiện điều kiện lao động, quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; tìm hiểu quyền lợi của mình về một môi trường làm việc an toàn và áp dụng các biện pháp cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc trong doanh nghiệp, hộ gia đình…
Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2023 (từ ngày 1/5 đến 31/5), với chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc” cũng chính thức được phát động cùng với Tháng Công nhân vào ngày 27/4.
Cần thiết phải đưa môi trường làm việc an toàn, lành mạnh trở thành quyền cơ bản của người lao động và những việc có thể làm để hiện thực hóa quyền này. Giám đốc ILO khu vực châu Á và Thái Bình Dương, bà Chihoko Asada-Miyakawa |
Mục tiêu là thúc đẩy các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng quan tâm, thực thi nghiêm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động; đồng thời đẩy mạnh các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện lao động, rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, đánh giá nguy cơ, rủi ro về an toàn vệ sinh lao động; chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động, phòng, chống tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp.
Giám đốc ILO khu vực châu Á và Thái Bình Dương, bà Chihoko Asada-Miyakawa cho rằng, cần thiết phải đưa môi trường làm việc an toàn, lành mạnh trở thành quyền cơ bản của người lao động và những việc có thể làm để hiện thực hóa quyền này. Khi người lao động cảm thấy an toàn và khỏe mạnh tại nơi làm việc, nhiều khả năng họ sẽ làm việc năng suất và hiệu quả hơn. Điều này có thể mang lại lợi ích cho người lao động, người sử dụng lao động cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Ngược lại, khi người lao động bị thương hoặc bị bệnh do các mối nguy hiểm tại nơi làm việc có thể có tác động tiêu cực đáng kể đến năng suất và tăng trưởng kinh tế. Với việc ghi nhận an toàn sức khỏe nghề nghiệp là một quyền cơ bản, ILO gửi tới các chính phủ và người sử dụng lao động một thông điệp rõ ràng rằng, họ phải có trách nhiệm tạo dựng một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh cho mọi người lao động.