Chăm sóc và nâng cao sức khoẻ công nhân lao động
Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe Nâng tuổi nghỉ hưu, công nhân lao động lo nhiều về thời gian đóng BHXH Thủ tướng chúc Tết công nhân lao động, gia đình liệt sĩ tại Nam Định |
Lao động dệt may thuộc nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Mặc dù thời gian qua, các doanh nghiệp đã đầu tư, cải tiến thiết bị, công nghệ, cải thiện môi trường làm việc, song nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp đối với công nhân vẫn rất cao.
Công nhân chủ quan với bệnh nghề
Vào ca từ 7h30’ giờ đến 16h30’, có khi tăng ca đến 20h, chị Nguyễn Thị Xuyến (40 tuổi) làm công nhân bộ phận may của một công ty chuyên gia công hàng may mặc khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Phúc gần như ngồi ở bàn may không rời. Chỉ có khoảng 2 tiếng nghỉ trưa và giữa ca chị Xuyến mới rời khỏi chỗ làm việc để đứng dậy vận động và giải quyết nhu cầu cá nhân. Sau thời gian dài ngồi máy may liên tục, lưng chị Xuyến có biểu hiện thoái hóa.
Chị Xuyến cho biết: “Vào làm, tôi cũng như nhiều chị em tập trung để đáp ứng năng suất nên không chủ động thể dục hay thay đổi tư thế làm việc. 12 năm liên tục nên giờ mới thấy hậu quả của sự thờ ơ với sức khỏe của mình. Tôi đang xin công ty chuyển sang bộ phận ít ngồi một chỗ nhằm cải thiện tình trạng thoái hóa cột sống”.
Chị Xuyến cho hay, vì làm trong môi trường bụi vải, lại ngồi một chỗ thời gian dài nên đa số công nhân may hay bị đau lưng, đau đốt sống cổ, là mắt kém đi. Nhiều người làm ở bộ phận tiếp xúc với vải vụn nhiều cũng dễ mắc bệnh về hô hấp. Nhưng vì công việc hàng ngày, ai cũng quen rồi nên chủ quan.
Do ngồi một chỗ thời gian dài nên đa số công nhân may hay bị đau lưng, đau đốt sống cổ |
Theo chị Xuyến, công ty có khoảng 1.700 lao động và 90% là nữ. Những lao động may, cắt thường trẻ nên ít quan tâm đến bệnh nghề, chỉ khi đau quá mới đi khám. Công ty có tổ chức khám sức khỏe hàng năm nhưng chị Xuyến cũng không biết bệnh nghề nghiệp của mình là những bệnh nào để khám chuyên sâu hơn.
Ông Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, nhìn chung điều kiện làm việc của lao động ngành dệt may đã được cải thiện hơn so với giai đoạn trước. Nơi làm việc có điều hoà, thiết bị hiện đại hơn, nhà xưởng khang trang hơn, điều kiện về phòng cháy chữa cháy, an toàn điện, ánh sáng, vệ sinh môi trường đã được chú ý, đầu tư. Việc sắp xếp lối đi lại được thực hiện theo các quy chuẩn; ý thức tuân thủ của người lao động đã được nâng cao.
Tuy nhiên, hiện có rất nhiều nguyên liệu mới nên các vấn đề hoá chất tồn dư cũng là một yếu tố tác động âm thầm đến sức khoẻ người lao động. Đây là nguy cơ rất lớn gây ra bệnh về hô hấp, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động… Bên cạnh đó, công nhân còn đối mặt với căng thẳng về tâm lý trong công việc. Không chỉ vậy, việc kéo dài thời gian, trong khi hầu hết tư thế làm việc gò bó dẫn đến các bệnh về cơ xương khớp…
Chăm sóc sức khỏe ngay tại nơi làm việc
Coi sức khỏe của người lao động là trên hết, hiện nhiều đơn vị thuộc Công đoàn Dệt may Việt Nam phối hợp tổ chức chăm sóc sức khoẻ cho người lao động ngay tại nơi làm việc. Tại Tổng Công ty May 10 - CTCP, nơi có trên 5.000 công nhân lao động trực tiếp sản xuất, doanh nghiệp đã đưa vào nội quy lao động việc tổ chức cho người lao động tập thể dục giữa giờ.
Cụ thể, tập 6 phút/ngày tương ứng 3 phút/buổi sáng, chiều. Hoạt động này được tổ chức với mong muốn giúp người lao động hình thành thói quen luyện tập thể dục, giữ gìn sức khỏe, giảm bớt những căng thẳng mệt mỏi, góp phần phòng tránh bệnh nghề nghiệp.
Công nhân lao động Tổng Công ty May 10 tập thể dục giữa giờ |
Tại Công ty CP Quốc tế Phong Phú, Tổng Công ty May Nhà Bè - CTCP cũng thiết kế nhiều bài tập thể dục giữa giờ để người lao động tránh mệt mỏi do tư thế làm việc và được thư giãn. Các bài tập này đều được xây dựng trên nền nhạc sinh động giúp người lao động dễ thuộc, dễ thực hiện.
Cùng với mục tiêu chăm sóc sức khoẻ cho người lao động , Công ty CP May Nam Định, Công ty CP Tổng Công ty May Đáp Cầu, Công ty CP May Bình Minh, Công ty CP Sợi Phú Bài... lại sử dụng hệ thống làm mát theo nguyên lý tạo ra hơi nước giúp không khí sạch hơn, độ ẩm thích hợp, nhiệt độ trong nhà xưởng giảm từ 5-7 độ so với nhiệt độ ngoài trời. Cách làm này rất quan trọng, tránh cho người lao động mệt mỏi trong những ngày nắng nóng. Bên cạnh đó, với những ngày nền nhiệt trên 35 độ, các đơn vị bổ sung đồ uống giải khát cho người lao động như viên sủi, nước chanh đường đá, chè, sữa...
Các đơn vị còn đầu tư thiết bị lọc nước, sử dụng nguồn nước lọc làm nước mát hoặc làm đá lạnh tại chỗ thay cho việc mua đá lạnh như trước kia. Cách làm này vừa tiết kiệm chi phí, tiện dụng và đảm bảo an toàn vệ sinh cho người lao động…
Theo Điều 21 Luật An toàn vệ sinh lao động quy định về khám sức khoẻ và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động: Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động. |