Tăng tốc gỡ “thẻ vàng” IUU tháo “nút thắt” xuất khẩu hải sản sang EU
Vị thế thị trường EU ngày càng mờ nhạt
"Với sản phẩm hải sản khai thác trong 9 tháng đầu năm nay, EU chỉ chiếm 8% tổng giá trị XK của Việt Nam. So với các thị trường và nhóm thị trường chính NK hải sản khai thác của Việt Nam, thị trường EU chiếm tỷ trọng thấp nhất", Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá.
Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo (VASEP) cho biết: ảnh hưởng của "thẻ vàng" IUU tới XK hải sản càng rõ nét trong năm nay khi xung đột Nga – Ukraine khiến cho giá xăng dầu tăng vọt, ngư dân các tỉnh ven biển không thể ra khơi. Dù giá trị XK hải sản sang EU vẫn tăng nhưng trong cả “bức tranh” XK thuỷ sản nói chung và hải sản nói riêng của Việt Nam, vị thế của EU ngày càng mờ nhạt, thu hẹp, chủ yếu vì ảnh hưởng của “thẻ vàng” IUU.
Ngư dân thu hoạch cá ngừ đại dương. Ảnh: TTXVN |
Vấn đề gỡ “thẻ vàng” IUU để gỡ khó cho XK hải sản vào thị trường EU ngày càng bức thiết, thậm chí được các đại biểu Quốc hội đem tới Nghị trường trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Đại biểu Lê Anh Tuấn (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ nhưng “thẻ vàng” IUU vẫn chưa được gỡ bỏ. Thậm chí, các vụ việc vi phạm gần đây của tàu cá Việt Nam ở một số vùng biển có thể dẫn đến việc Ủy ban châu Âu (EC) sử dụng “thẻ đỏ”.
Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm
Liên quan tới vấn đề gỡ “thẻ vàng” IUU, từ ngày 19-28/10 vừa qua, Đoàn thanh tra của EC đã sang kiểm tra thực tế tình hình thực hiện các khuyến nghị tại Việt Nam, tập trung vào kiểm tra thực tế tại cảng cá ở các địa phương.
Theo ông Roberto Cesari, Trưởng Bộ phận IUU, Tổng Vụ các vấn đề về biển và thủy sản (EC), Trưởng đoàn thanh tra ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc huy động cả hệ thống chính trị thực hiện các biện pháp quyết liệt, bài bản chống khai thác IUU thời gian qua. Qua thực tế kiểm tra ngẫu nhiên tại các địa phương ven biển, đoàn công tác đã chứng kiến những tiến bộ, cải thiện đáng kể trong triển khai thực hiện chống IUU. Đoàn cũng ghi nhận những bước tiến lớn trong việc minh bạch thông tin, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nghề cá tại 28 địa phương có biển.
Dù Việt Nam đã có sự quyết liệt ở cấp Trung ương, ban hành nhiều quy định pháp luật, cơ chế, chính sách để chống khai thác IUU, nhưng theo Đoàn thanh tra, việc triển khai thực hiện ở cấp cơ sở vẫn còn yếu. Chống khai thác IUU là ưu tiên ngày càng cao trong chương trình nghị sự của EU. Với cách tiếp cận không khoan nhượng với khai thác IUU, EU coi đây là ưu tiên hàng đầu trong hợp tác của cả khối và từng quốc gia thành viên với các nước đối tác.
“Trong thời gian tới, Việt Nam cần có cơ chế giám sát hiệu quả với những quy định pháp lý chặt chẽ, đảm bảo thực thi nhất quán, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; nâng cao chế tài, đảm bảo đủ sức răn đe, xử phạt nghiêm mọi vi phạm. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có kế hoạch quản lý nguồn lợi thủy sản tổng thể, kiểm soát chặt chẽ việc NK nguyên liệu thủy sản để chế biến XK; chấm dứt hẳn tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài”, ông Roberto Cesari nhấn mạnh.
Xung quanh nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU, đặc biệt là giải quyết vấn đề tàu cá khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Cục trưởng Cục Kiểm Ngư, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: quá trình theo dõi tàu cá Việt Nam vi phạm tại vùng biển nước ngoài trong 10 năm qua cho thấy, đa phần khi tàu cá vi phạm nguyên nhân chính xuất phát từ ý chí chủ quan của chủ tàu cũng như thuyền trưởng. Đáng chú ý thời gian gần đây, diễn biến vi phạm có nhiều vấn đề phức tạp hơn. Có những tàu cá đã tháo thiết bị hành trình ra để lắp đặt vào tàu khác. Ngoài ra, có trường hợp chủ tàu mua 1 tàu cũ, đăng ký tại cảng, có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, khi tàu đi đánh bắt vi phạm tại vùng biển nước ngoài lại là tàu khác.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Hiện vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Thời gian tới phải kiên quyết chấm dứt theo đúng cam kết với EC. Bộ NN&PTNT đã giao Tổng cục Thủy sản rà soát, tàu nào ngắt kết nối kiên quyết cho dừng lại, xử phạt thật nghiêm. Bộ cũng chỉ đạo phải kết nối từ Trung tâm Thông tin của Tổng cục Thủy sản gắn kết với các cảng cá và đội tàu để quản lý chặt chẽ hơn”.
Riêng ở góc độ xử lý vi phạm hành chính, theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, thực tế là có tỉnh xử lý rất nghiêm như Kiên Giang, Cà Mau; song có tỉnh chỉ lập biên bản mà chưa xử lý. Điều này có thể dẫn tới tình trạng, tàu ở tỉnh bị phạt nặng lại chuyển sang địa phương phạt nhẹ để khai thác. Do vậy, việc xử lý vi phạm hành chính phải làm nghiêm túc, ở tất cả các tỉnh thành.