Thôn An Lạc (xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) từ xưa đến nay nổi tiếng với nghề truyền thống làm bánh in đậu xanh. Làng nghề hiện có khoảng gần 20 hộ dân sản xuất bánh in đậu xanh, cung ứng ra thị trường đủ loại bánh in với mẫu mã khác nhau. Nghề làm bánh in đậu xanh sản xuất quanh năm, tuy nhiên, chỉ đến dịp Tết mới thực sự sôi động.
 |
Nghề làm bánh in tại thôn An Lạc (xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) mỗi dịp Tết đến Xuân về lại sôi động |
Có hơn 20 năm làm nghề và dù năm nay đã 72 tuổi, ông Đinh Xuân Cầm (thôn An Lạc, xã Duy Thành) vẫn thoăn thoắt đưa từng mẻ bánh vào máy nướng, điều chỉnh nhiệt độ chín bánh. Ông Cầm cho biết, hàng năm cứ mỗi dịp Tết đến, gia đình ông lại tất bật, rộn ràng vì chuẩn bị đơn hàng cho khách.
Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cơ sở sản xuất nhà ông Cầm cung ứng ra thị trường khoảng 4 tấn bánh in thành phẩm, giảm nhẹ so với năm trước. Các sản phẩm bánh được làm dựa trên đơn đặt hàng trước của khách.
Nguyên liệu chính làm bánh in đậu xanh là bột đậu xanh, bột nếp, đường. Để ra một sản phẩm bánh in đậu xanh có nhiều công đoạn như ngâm, trộn bột; lên khuôn; nướng bánh; đóng gói. Năm nay, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nên giá bán cũng tăng nhẹ khoảng 5%.
Bánh in nhà ông Cầm được phân phối ở nhiều địa phương trên cả nước. “Khách họ quen rồi, nên cứ đến Tết là họ đặt hàng rồi đến lấy hoặc gửi ship. Rồi khách quen lại giới thiệu cho người khác. Vì có thương hiệu nên đơn hàng mỗi năm nhà tôi cũng đều đều”, ông Cầm cho hay.
 |
Nghề làm bánh in truyền thống đã mang lại thu nhập cũng như niềm vui cho người dân thôn An Lạc mỗi dịp Tết Cổ truyền dân tộc |
Theo ông Cầm, nghề làm bánh in khó nhất là ở khâu kỹ thuật đánh bột nguyên liệu. “Mỗi nhà có một bí quyết riêng để bánh có mùi thơm, vị ngọt đặc trưng riêng. Điều này cũng từ kinh nghiệm đúc rút mà thành như tỷ lệ đường, bột; loại đường sử dụng…. Xong khâu đánh bột, công nhân có khuôn sẵn rồi chỉ việc làm theo”, ông Cầm chia sẻ.
Trước đây, nghề làm bánh in chủ yếu là thủ công, nhưng hiện nay, các hộ làm bánh in đã ứng dụng máy móc vào sản xuất. Việc chuyển từ công đoạn thủ công lên bán tự động đã giúp cho các khâu sản xuất rút ngắn thời gian, tăng độ chính xác và mẫu mã đẹp hơn, nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm.
Một số hình ảnh nghề làm bánh in thôn An Lạc:
 |
Máy trộn đánh bột bánh in đậu xanh |
 |
Lên khuôn cho bánh |
 |
Sử dụng máy móc nướng bánh giúp bánh in thành phẩm đạt độ chín như mong muốn |
 |
Ông Cầm điều chỉnh nhiệt độ để nướng bánh. Nhiệt độ đủ để đưa bánh vào máy nướng là 195 - 200 độ C, tùy bánh dày hay mỏng mà thời gian chín dao động từ 5 - 10 phút và tự động ngắt điện khi bánh chín |
 |
Đóng gói |
 |
Bánh in thành phẩm có nhiều loại, kích cỡ, hình dáng khác nhau tùy theo đơn hàng của khách. |
 |
Các thùng bánh in sẵn sàng giao cho khách hàng. |
 |
Nghề làm bánh in truyền thống không chỉ mang lại một khoản thu nhập khá cho các hộ làm nghề mà còn là nét đẹp văn hóa của làng An Lạc mỗi dịp Tết cổ truyền dân tộc. |