Phát triển thị trường khách quốc tế còn khó: Ban IV đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch
Số liệu thống kê của Tổng cục du lịch cho thấy, qua 7 tháng năm nay, cả nước mới chỉ đón được hơn 600 nghìn lượt khách quốc tế - con số quá nhỏ so với mục tiêu trên 5 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam trong năm 2022.
Phát triển thị trường khách quốc tế còn khó: Ban IV đề xuất mở rộng chính sách hỗ trợ |
Một số khó khăn chủ yếu được nhận diện như: Hoạt động truyền thông, xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài vẫn chủ yếu do doanh nghiệp tư nhân thực hiện riêng lẻ, phụ thuộc vào năng lực, mối liên hệ của từng doanh nghiệp, chưa hội tụ được đồng thời nguồn lực và nỗ lực công - tư cho các thị trường khách mục tiêu.
Bên cạnh đó, các vấn đề như thị thực nhận tại cửa khẩu vẫn phải cần giấy “chấp thuận visa,” cần nhiều loại giấy tờ thủ tục phức tạp hơn so với trước Covid-19; thị thực điện tử chưa có cơ chế xác nhận ngày trả lời kết quả tự động trên trang web và chưa giải thích lý do vì sao hồ sơ bị từ chối, khiến du khách nhập cảnh vào Việt Nam gặp nhiều khó khăn… khiến chính sách thị thực chưa cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Ngoài ra, xung đột Nga - Ukraine hay lạm phát ở Mỹ và nhiều nước châu Âu, hoặc do các chính sách thắt chặt với Covid-19 từ Trung Quốc, Nhật Bản… nên hiệu ứng thu hút khách quốc tế còn hạn chế…
Trước thực tế này, Ban IV đề xuất Chính phủ chỉ đạo Tổng cục Du lịch, đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tăng cường hợp tác công - tư để lên kế hoạch đồng bộ đẩy mạnh truyền thông quốc tế, tiếp thị du lịch ra quốc tế; đặc biệt tìm cơ chế phát huy vai trò của các văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại một số nước như Anh, Australia…
Chính phủ giao Bộ Ngoại giao, Bộ Công an nghiên cứu phương án cải thiện chính sách thị thực/thị thực điện tử theo hướng mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Australia, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan... nhằm đa dạng hóa thị trường, nhất là các thị trường chi phối trong khu vực nhưng du khách chưa sẵn sàng đi du lịch trở lại như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Cùng với đó, tăng thời gian miễn thị thực cho các thị trường xa như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy và các nước Bắc Âu từ 15 ngày lên 30 ngày; áp dụng thị thực xuất - nhập cảnh nhiều lần và có giá trị miễn nhiều ngày hơn nhằm thu hút, giữ chân khách ở lại Việt Nam lâu hơn, qua đó tăng doanh thu cho ngành du lịch.
Đáng chú ý, Ban IV đề xuất giảm bớt giấy tờ, thủ tục với các doanh nghiệp lữ hành hoặc trực tiếp với du khách, đơn giản hóa thị thực điện tử, thị thực tại cửa khẩu để phát huy hiệu quả hơn nữa các hình thức thị thực này.
Trên thực tế hiện nay, số lượng các quốc gia được miễn visa thị thực vào Việt Nam còn hạn chế. Trong khi du khách đến từ những thị trường xa thường có nhu cầu đi du lịch từ 18 - 21 ngày, nhưng phần lớn các quốc gia mới chỉ đang được hưởng chế độ miễn thị thực 15 ngày, dẫn đến không thu hút được khách có khả năng lưu trú dài ngày với mức chi tiêu cao.
Với các cải cách liên quan tới hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, Ban IV đề xuất Chính phủ tăng cường chương trình đối thoại, chia sẻ công - tư để doanh nghiệp nhận thức được tác dụng, hiệu quả và gia tăng sự ủng hộ, niềm tin với nỗ lực của ngành.
Đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch của Ban IV được đánh giá thực chất, thiết yếu. Trước đó tại Diễn đàn liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam năm 2022, đại diện chuyên gia và doanh nghiệp cũng kiến nghị được tiếp tục hỗ trợ. Vì sau hai năm chịu tác động nặng nề do đại dịch Covid-19, doanh nghiệp cần có thời gian để phục hồi. Do vậy, các chính sách hỗ trợ đang có cần tiếp tục kéo dài ít nhất đến hết năm 2023 như chính sách giảm giá điện, giảm thuế VAT, tiền thuê đất, phí cấp phép lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên, chính sách giảm giá vé tham quan, kích cầu du lịch của các địa phương...
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển du lịch: Việt Nam cần tạo thuận lợi hơn nữa cho du khách thông qua việc nghiên cứu, đề xuất xem xét việc cấp, miễn thị thực đơn phương cho du khách một số nước ở thị trường tiềm năng; nghiên cứu mở đường bay thẳng đến các điểm đến an toàn, quốc gia đã thành công trong kiểm soát dịch bệnh và thị trường có khả năng chi trả cao, nhằm thu hút du khách đến từ những quốc gia này; quan tâm hơn thị trường ngách thay vì thị trường truyền thống hiện chịu sự cạnh trạnh gay gắt giữa các nước trong khu vực...