PGS.TS Ngô Trí Long: Khoan thư sức doanh nghiệp để làm kế "sâu rễ bền gốc"
Doanh nghiệp thiết bị y tế tìm cơ hội hợp tác, đầu tư Kim ngạch xuất khẩu tăng dần, ngành dệt may đã bớt khó? Ngân hàng đang “đầy tiền trong kho”, doanh nghiệp vẫn loay hoay với các gói vay ưu đãi |
Báo Công Thương phỏng vấn chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - liên quan đến hoạt động kinh tế 7 tháng đầu năm, các giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu trong những tháng tới.
Ông Long nói: “Trong bối cảnh hiện nay, những chính sách đột phá có thể tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung”.
Nhìn lại hoạt động kinh tế trong 7 tháng đầu năm, ông thấy có gì đặc biệt?
PGS.TS Ngô Trí Long: 7 tháng đầu năm 2023, hoạt động kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhiều yếu tố phức tạp, khó lường đã xuất hiện, làm chậm quá trình phục hồi và đẩy kinh tế toàn cầu đối diện nguy cơ suy thoái.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long |
Việt Nam là quốc gia đang trong giai đoạn phát triển, nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi và hội nhập. Dù đã có những bước tiến vượt bậc, quy mô kinh tế của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn và năng lực cạnh tranh cũng còn hạn chế. Việc phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu và chịu tác động mạnh mẽ từ biến đổi kinh tế và chính sách của các nền kinh tế lớn trên thế giới khiến Việt Nam dễ tổn thương trước các cú sốc từ bên ngoài.
Ngoài ra, nội tại nền kinh tế Việt Nam còn nhiều vấn đề yếu kém và bất cập kéo dài, khó giải quyết và xử lý trong thời gian ngắn. Các thách thức như chất lượng cơ sở hạ tầng, cải cách thể chế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản lý tài chính, và tiếp cận công nghệ hiện đại… đều đang đặt ra nhiều vấn đề cho quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, để đạt được sự phát triển bền vững trong tương lai, Việt Nam cần tập trung vào cải thiện năng lực cạnh tranh, thúc đẩy cải cách thể chế, đầu tư vào hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngành công nghiệp trong nước đang diễn ra như thế nào và cần những giải pháp gì để thúc đẩy sản xuất công nghiệp trong thời gian tới?
PGS.TS Ngô Trí Long: Tình hình kinh tế thế giới trong những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn đã có ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước. Tính chung trong 7 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này cho thấy ngành công nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức và chưa hoàn toàn phục hồi.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê thể hiện số lượng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm ngày 1/7/2023 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước, cho thấy sự tăng trưởng nhất định. Tuy nhiên, so với cùng thời điểm năm 2022, số lượng lao động này giảm 3,9%, cho thấy một số khó khăn trong việc duy trì và tạo thêm việc làm trong ngành công nghiệp.
Nhìn chung, ngành công nghiệp trong nước đang có sự khởi sắc nhất định, nhưng vẫn đối diện với nhiều thách thức từ tình hình kinh tế thế giới và các yếu tố nội tại. Để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển bền vững của ngành công nghiệp, cần có những biện pháp hỗ trợ và chính sách thích hợp để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tạo đà thuận lợi cho phát triển.
Bên cạnh đó, triển khai mạnh mẽ các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI sẽ là một bước quan trọng để vừa phục hồi chỉ số sản xuất công nghiệp và đón đầu làn sóng đầu tư FDI vào Việt Nam.
Hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước đang có sự khởi sắc nhất định, nhưng vẫn đối diện với nhiều thách thức từ tình hình kinh tế thế giới và các yếu tố nội tại. Ảnh: Cấn Dũng |
Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có thể bao gồm: Thứ nhất, xây dựng gói hỗ trợ tài chính, quỹ vốn ưu đãi và giải ngân nhanh chóng để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn về vốn, để đẩy mạnh sản xuất.
Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến, đồng thời tăng cường việc chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài sang doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ ba, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất và quản lý của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút và giữ chân nhân tài.
Thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển và mở rộng quy mô sả xuất, kinh doanh.
Thứ năm, tháo gỡ rào cản thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động và đầu tư sản xuất. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá thương hiệu, tiếp cận thị trường,và phát triển mạng lưới kinh doanh.
Những hoạt động hỗ trợ mạnh mẽ này sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vượt qua khó khăn và tạo đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm.
Trong bối cảnh hiện nay, ông có thể chia sẻ những giải pháp cụ thể nào mà doanh nghiệp hoặc chính quyền nên áp dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm?
PGS.TS Ngô Trí Long: Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, bao gồm triển khai các chính sách kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước và tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa. Đồng thời, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất và kinh doanh.
Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý và có trọng tâm, trọng điểm. Việc điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa theo hướng tương đồng và cùng nhau hỗ trợ phát triển kinh tế sẽ đảm bảo sự ổn định và hiệu quả của các biện pháp kích cầu.
Doanh nghiệp dệt may kỳ vọng sẽ có sự khởi sắc những tháng cuối năm. Ảnh: Cấn Dũng |
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, cũng như thu hút vốn FDI gắn với quá trình chuyển giao công nghệ tiên tiến. Việc thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp tăng cường sự đa dạng hóa và nâng cao chất lượng đầu tư trong nước.
Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tháo gỡ rào cản và xây dựng thể chế cho phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... Cải cách thể chế và môi trường kinh doanh là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư và thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành. Trong đó khắc phục tình trạng đùn đẩy và né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc, cũng như hoàn thiện các quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Cuối cùng cần có chính sách đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, khuyến khích tiêu dùng nội địa, tận dụng hiệp định thương mại tự do FTA và tăng cường các dịch vụ du lịch quốc tế nhằm tạo ra nguồn thu cho đất nước.
Thực hiện đồng bộ và hiệu quả của các giải pháp này sẽ giúp kích thích tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nửa cuối năm 2023 và củng cố sự phục hồi sau thời gian khó khăn do đại dịch gây ra.
Tuy nhiên, để thực hiện các giải pháp này, cần có sự quyết tâm và tập trung từ phía chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan, đồng thời cần đảm bảo rằng các biện pháp được thực hiện một cách bền vững và có lợi cho cả kinh tế và xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!