Peru thị trường xuất khẩu tiềm năng của hàng hóa Việt Nam
Bổ sung quy định thuế xuất nhập khẩu ưu đãi theo Hiệp định CPTPP áp dụng với Peru | |
Vì sao xuất khẩu cá ngừ sang Peru tăng tới hơn 2.000 lần |
Đối tác tiềm năng
Bộ Công Thương cho biết, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP đạt 41 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2021, xuất siêu 6 tỷ USD.
Đáng chú ý, xuất khẩu sang 4 nước đối tác CPTPP thuộc châu Mỹ, gồm Canada, Mexico, Peru, Chi Lê nổi lên với nhiều sắc màu rực rỡ: Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang 4 quốc gia này đều đạt mức tăng trưởng cao, với kim ngạch hai chiều khoảng 13,7 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2020, tăng cao hơn mức tăng chung của kim ngạch xuất nhập Việt Nam với thế giới.
Peru mở rộng cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam |
Riêng đối với Peru, hiện là một trong các thị trường trong CPTPP mở rộng cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Peru đang trở thành nền kinh tế thứ 8 có hiệu lực với Hiệp định, đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với hoạt động ngoại thương của nước này.
Quốc hội Nước Cộng hòa Peru đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngày 14/07/2021. Sau đó Chính phủ Peru đã công bố sẽ trở thành nền kinh tế thứ 8 trong số 11 nền kinh tế của CPTPP. Bộ Ngoại thương và Du lịch (Mincetur) ngày 19 tháng 9/2021 đã ra thông báo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực đối với Peru.
Theo Bộ Ngoại thương và Du lịch (Mincetur), trong tháng 5/2022, tổng kiêm ngạch thương mại đạt 9.191 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu đạt 4,813 triệu đôla Mỹ và nhập khẩu 4,378 triệu USD. Theo số liệu do Tổng cục Nghiên cứu về Ngoại thương công bố, xuất khẩu hàng hóa của Peru đã tăng trưởng liên tục trong 21 tháng, phần lớn là do giá nguyên liệu quốc tế cao hơn và sự gia tăng nguồn cung có thể xuất khẩu của các ngành như nông nghiệp.
Thương vụ Việt Nam tại Brazil kiêm nhiệm Peru cho biết, từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2022, nhập khẩu của Peru tăng 17,5% so với năm 2022. Theo báo cáo của Mincetur, sự gia tăng này chủ yếu do sự tăng giá các mặt hàng như dầu và lúa mì. Một lĩnh vực khác có nhập khẩu tăng trưởng mạnh là dệt may. Sản xuất để đáp ứng nhu cầu bên ngoài cao hơn đã làm tăng nhập khẩu nguyên liệu thô như sợi (+ 114,6%) và bông xơ (+ 66%). Tổng cộng, ngành dệt may đã nhập khẩu với trị giá 636 triệu USD.
Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại chính của Peru trên thế giới. Trong 5 tháng đầu năm 2022, ngoại thương giữa hai nước đã tăng 4,7%. Hoa Kỳ là đối tác thương mại quan trọng thứ hai với mức tăng 45,4% so với cùng kỳ năm 2021, với kim ngạch đạt được 8,469 triệu USD. Nhóm đối tác thương mại lớn của Peru tiếp theo là các nước trong khối Mercosur đạt mức tăng 34,5%.
Riêng với Việt Nam, theo Thương vụ Việt Nam tại Brazil kiêm nhiệm Peru, năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Peru đạt hơn 633 triệu USD, tăng 62% so với năm 2020. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Peru đạt triệu 660 USD, tăng mạnh tới 84%. Kỳ tích này so với năm 2020, đánh dấu lần tiên kim ngạch thương mại song phương vượt 500 triệu USD, đưa Peru trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh.
Trong đó đáng lưu ý các mặt hàng điện thoại di động và thiết bị điện tử lấy lại đà tăng trưởng lần lượt là 137% và 53.2%, chất dẻo nguyên liệu tăng hơn 629%, cao su (71%), xơ sợi dệt các loại (+70%), hàng hóa khác (+82%), túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù (96.7%), clanke và xi măng (+14%), hàng giày dép (+7%). Sản phẩm giảm gồm sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ (-11%), hàng thủy sản (-18%). Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Peru đạt 73 triệu USD, giảm 16.4% so với năm 2020.
6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Peru đạt hơn 316,6 triệu USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Peru đạt triệu 289 triệu USD, tăng 2,5%. Các mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu tăng, như mặt hàng thủy sản (tăng 115%), xơ sợi dệt các loại tăng 141%, cao su (tăng 33%), giày dép các loại (tăng 8,2%), điện thoại di động và linh kiện (tăng 11,2%), túi xách (tăng 17%), nội thất từ chất liệu khác gỗ (tăng 61%). Một số mặt hàng giảm như clanke và xi măng (-64%), chất dẻo nguyên liệu (-72%), máy vi tính, sản phẩm điện tử (-27%),...
Thúc đẩy xây dựng thương hiệu uy tín
Đến nay, Hiệp định CPTPP được thực thi, Việt Nam và Peru lần đầu tiên có quan hệ Hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo đó, Hiệp định CPTPP đã mở ra những cơ hội lớn để thúc đẩy hợp tác thương mại-đầu tư song phương trong thời gian tới.
Dù đang có nhiều thuận lợi, tuy nhiên Thương vụ Việt Nam tại Brazil kiêm nhiệm Peru chỉ ra một số thách thức để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Peru, như: Do khoảng cách địa lý, sự cạnh tranh khốc liệt về chất lượng và giá cả từ các quốc gia xuất khẩu khác, các doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội phần nào còn chủ quan, chưa thật sự chủ động và quyết liệt trong công tác mở rộng thị trường và bảo vệ thị trường trong nước, thị trường truyền thống.
Vì vậy, để tăng cường xuất khẩu sang thị trường Peru, Thương vụ Việt Nam tại Brazil nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần tăng cường giới thiệu quảng bá sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trực tiếp tại các Hội chợ, Trung tâm triển lãm; kết hợp quảng bá các sản phẩm hàng hóa và đất nước con người Việt trên các kênh truyền thông của quốc gia này; Hợp tác, kết nối với các Hiệp hội, Liên đoàn các Bang và các thành phố phối hợp chia sẻ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa.
Bên cạnh đó, hương vụ Việt Nam tại Brazil kiêm nhiệm Peru mong muốn, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ đẩy mạnh phát triển mảng logistics, nâng cao năng lực logistics Việt Nam, giúp doanh nghiệp thuận lợi trong xuất khẩu, vì ảnh hưởng cạnh tranh trực tiếp đến giá cả và thời gian giao nhận hàng với các quốc gia xuất khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore.
Cùng với đó, các doanh nghiệp, Hiệp hội và địa phương nên phối hợp Bộ Công Thương để tham gia các chương trình xúc tiến trực tiếp như Hội chợ, triển lãm, hội nghị xúc tiến và hội nghị doanh nghiệp,…
Thương vụ Việt Nam tại Brazil kiêm nhiệm Peru khuyến nghị thêm, thị trường Peru là thị trường mở, rất tiềm năng, khả năng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam rất tốt, người dân địa phương rất hoan nghênh hàng hóa nhập khẩu nếu chất lượng tốt,… các doanh nghiệp nên có nhiều chương trình xúc tiến và giới thiệu sản phẩm tại Peru.
Đặc biệt, cần sự liên kết chặt chẽ các doanh nghiệp trong nước để cùng xây dựng cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu uy tín để mở rộng thị trường. “Thương vụ mong muốn các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp làm tốt hơn nữa trong xây dựng thương hiệu uy tín, với chất lượng luôn được nâng cao và giá cả cạnh tranh”- đại diện Thương vụ Việt Nam tại Brazil kiêm nhiệm Peru nhấn mạnh.