OPEC nâng dự báo nhu cầu dầu thế giới trong trung và dài hạn
OPEC nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2023 Giá dầu đạt mức cao nhất gần 10 tháng sau báo cáo của OPEC và EIA Ấn Độ: Hành động của OPEC + có thể gây ra hậu quả không lường |
Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã nâng dự báo nhu cầu dầu thế giới trong trung và dài hạn trong báo cáo Triển vọng dầu thế giới năm 2023 công bố ngày 9/10. Ngoài ra, OPEC cho biết cần đầu tư 14 nghìn tỷ USD để đáp ứng lượng nhu cầu này ngay cả khi nhu cầu sử dụng nhiên liệu tái tạo và ô tô điện ngày càng gia tăng.
Cụ thể, OPEC dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ đạt 116 triệu thùng/ngày vào năm 2045, cao hơn khoảng 6 triệu thùng/ngày so với mức dự báo trong báo cáo năm ngoái, dẫn đầu là Trung Quốc, Ấn Độ, các quốc gia châu Á khác, châu Phi và Trung Đông.
Quan điểm này của OPEC trái ngược với quan điểm của các tổ chức dự báo khác, bao gồm cả Cơ Quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cho rằng nhu cầu dầu có thể đạt đỉnh trong thập kỷ này.
Ngoài ra, OPEC cũng nâng dự báo nhu cầu trong trung hạn trong năm 2028 lên 110,2 triệu thùng/ngày, tăng từ 102 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Trong khi đó, tổ chức này dự đoán mức tiêu thụ dầu vào năm 2027 sẽ đạt 109 triệu thùng/ngày, tăng từ mức 106,9 triệu thùng/ngày theo ước tính vào năm 2022.
Tổng thư ký OPEC, Haitham Al Ghais, cho rằng việc kêu gọi ngừng đầu tư vào các dự án dầu mới là sai lầm và có thể dẫn đến sự hỗn loạn về năng lượng và kinh tế. Ông Al Ghais cũng nâng mức đầu tư cần thiết vào ngành dầu mỏ lên 14 nghìn tỷ USD cho đến năm 2045, tăng từ mức 12,1 nghìn tỷ USD theo ước tính vào năm ngoái.
OPEC dự báo đến năm 2045, sẽ có 2,6 tỷ phương tiện lưu thông trên đường trên thế giới, nhiều hơn 1 tỷ so với năm 2022. Báo cáo cho biết hơn 72% trong số đó sẽ sử dụng động cơ đốt trong, mặc dù xe điện là phân khúc phương tiện phát triển nhanh nhất.
Bên cạnh đó, báo cáo cho thấy tổng thị phần dầu mỏ của OPEC tăng lên 40% vào năm 2045, từ mức 34% vào năm 2022 khi sản lượng của các nước ngoài OPEC bắt đầu giảm tốc từ đầu những năm 2030.