Ổn định tỷ giá, giảm bớt nỗi lo cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Nguồn cung ngoại tệ dồi dào giúp ổn định tỷ giá Nhiều giải pháp để giữ ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất |
Việc ổn định dòng tiền giúp doanh nghiệp thêm thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.Dịu |
Ổn định dòng tiền
Từ hơn chục ngày nay, rất nhiều ngân hàng đã tung ra gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vốn để thanh toán hàng nhập khẩu, làm hàng xuất khẩu được áp dụng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm. Nguyên nhân của động thái này không chỉ đến từ lời kêu gọi của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cộng đồng doanh nghiệp mà còn nhờ nỗ lực giảm lãi suất huy động đầu vào. Hiện mặt bằng lãi suất huy động đã giảm 1-2%/năm so với cao điểm cuối năm ngoái, giúp lãi suất đầu ra được “dễ thở” hơn.
Một nguyên nhân nữa được cho là nhờ vào việc tiền đồng được giữ ổn định hơn. Theo đó, tỷ giá trong nước ít biến động đang tạo thành tác động lớn đến dòng tiền của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Từ cuối năm ngoái đến nay, tỷ giá giữa VND và USD tương đối ổn định, nguồn cung dồi dào đã giúp NHNN mua vào được một lượng ngoại tệ lớn lên tới 3,5 tỷ USD.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, sau khi xuất siêu 12,4 tỷ USD trong năm 2022, đến hết tháng 1/2023, Việt Nam tiếp tục thặng dư thương mại hàng hóa 0,66 tỷ USD, đến 15/2/2023 vẫn thặng dư 1,07 tỷ USD. Nhờ đó, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/2/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,68 tỷ USD. Điều này là tín hiệu tích cực cho thấy đà xuất siêu vẫn đang được duy trì.
Với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dòng vốn FDI giải ngân trong tháng 1 ước tính đạt 1,35 tỷ USD. Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng mạnh mẽ từ tháng 11/2022 đến nay. Hơn nữa, lượng kiều hối đổ về Việt Nam từ cuối năm 2022 đến nay cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp nguồn cung ngoại tệ dồi dào. Vì thế, báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo, dự trữ ngoại hối của Việt Nam có thể sẽ đạt 102 tỷ USD vào cuối năm 2023, tương đương 3,3 tháng giá trị nhập khẩu.
Theo đại diện Công ty TNHH Big Phone Việt Nam - doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu các thiết bị điện, điện tử, việc ổn định tỷ giá ngoại tệ tác động rất tích cực tới doanh nghiệp bởi với doanh số lên tới cả chục triệu USD thì tỷ giá chỉ thay đổi khoảng 1% đã khiến lợi nhuận của Công ty có thể ảnh hưởng hàng tỷ đồng. Vì thế, tỷ giá ổn định giúp nỗi lo của doanh nghiệp được giảm bớt.
Không chủ quan
Theo một báo cáo của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), tỷ giá tăng có thể làm tăng đáng kể chi phí của các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu, đặc biệt là các doanh nghiệp có tỷ trọng vay nợ USD cao trên tổng tài sản. Bởi việc huy động vốn vay USD với tỷ trọng lớn có thể khiến các doanh nghiệp chịu lỗ tỷ giá, theo đó làm tăng chi phí tài chính và làm lợi nhuận sau thuế giảm.
Báo cáo tài chính quý 4 và cả năm 2022 cũng như giải trình biến động lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp cho thấy, những khoản lỗ tỷ giá ở mức cao đã tác động mạnh đến lợi nhuận chung của doanh nghiệp. Đơn cử, trong các doanh nghiệp thép, khoản lỗ ròng chênh lệch tỷ giá lên tới 2.264 tỷ đồng trong năm 2022 cũng là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) giảm mạnh 76% so với năm 2021, còn 8.444 tỷ đồng.
Tình hình tỷ giá tại Việt Nam từ đầu năm đến nay có nhiều thuận lợi như phân tích ở trên, nhưng chúng ta không thể chủ quan với bối cảnh bên ngoài còn nhiều phức tạp. Từ đầu tháng 2/2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức 4,5-4,75% đúng như dự báo. Điều này khiến chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) ở quanh mốc 105 điểm, tăng hơn 3% từ đầu tháng tới nay. Dự báo, chỉ số này sẽ sớm chạm mốc 106 điểm do các thông tin vừa công bố về Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), dữ liệu Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ đang ủng hộ cho đồng tiền này. Với diễn biến này, trong tuần cuối tháng 2, tỷ giá trên thị trường tự do trong nước đã tăng 120 đồng ở chiều mua vào và 90 đồng ở chiều bán ra so với tuần trước đó, nhưng tỷ giá tại các ngân hàng lại không có nhiều thay đổi.
Theo các chuyên gia, tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ tăng do các yếu tố bên ngoài như suy thoái kinh tế toàn cầu, tổng cầu giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm và bất ổn chính trị gia tăng. Ngoài ra, sức ép mất giá tiền đồng còn đến từ giá hàng hoá bên ngoài leo thang, cùng với đó là những tác động từ tăng lãi suất. Theo nhóm chuyên gia tại VNDirect, áp lực mất giá của đồng VND sẽ giảm đáng kể từ quý 2/2023 và đồng VND có thể tăng 1-2% so với đồng USD trong năm 2023 do FED chuyển từ chính sách “thắt chặt tiền tệ” sang “bình thường hóa” vào năm tới.
Với những biến động như trên, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp muốn hạn chế rủi ro tỷ giá nên tham gia thị trường mua ngoại tệ kỳ hạn hoặc tham gia vào thị trường phái sinh để bảo vệ dòng tiền. Ngoài ra, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều giải pháp bảo hiểm rủi ro tỷ giá cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.