Nhiều thử thách cho nhóm cổ phiếu bất động sản
Cổ phiếu bất động sản có thể tiếp tục làm chủ dòng tiền Thị trường chứng khoán chịu áp lực từ việc bán giải chấp cổ phiếu lớn |
Trong quý 4/2022, nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết, kết quả cho thấy kinh doanh sụt giảm, thậm chí thua lỗ. Chẳng hạn, công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) báo cáo 3 tháng cuối năm 2022 chỉ đạt vỏn vẹn 14,6 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm mạnh so với mức 1.288,8 tỉ đồng ghi nhận trong quý 4/2021.
Sau thuế, Phát Đạt báo lỗ 229,4 tỉ đồng trong khi cùng kỳ báo lãi ròng 751,4 tỉ đồng. Đây là quý “thảm bại” của Phát Đạt khi lần đầu tiên doanh nghiệp báo lỗ từ khi bắt đầu công bố kết quả kinh doanh.
Dự báo còn nhiều khó khăn với ngành bất động sản |
Tương tự, Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) đã báo lỗ 460 tỉ đồng trong quý cuối cùng của năm 2022. Trong kỳ, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 984,3 tỉ đồng, giảm 56,6% so với cùng kỳ.
Trên cơ sở kết quả đạt được của tín dụng năm 2022, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14-15% có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế để đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản, tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở.
Tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng tín dụng, không nới lỏng các điều kiện tín dụng nhằm hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung; kinh doanh có tính đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường.
Ngân hàng vẫn sẽ siết tín dụng với bất động sản. Ảnh: Nguồn VCI |
Kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng,... đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật tín dụng và hoạt động ngân hàng phù hợp với tình hình thực tiễn để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Nhìn chung, đà giảm của nhóm cổ phiếu bất động sản được nhận định là do ảnh hưởng của việc dòng tiền doanh nghiệp đã thiếu hụt từ việc siết chặt thị trường trái phiếu và room tín dụng ngân hàng, và nay càng chật vật để xoay tiền từ kênh chứng khoán. Ngoài vấn đề về dòng tiền, triển vọng của ngành cũng là một lý do khiến nhà đầu tư thận trọng với nhóm bất động sản.
Báo cáo triển vọng năm 2023 của Công ty chứng khoán (CTCK) VNDirect đánh giá, ngành bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức. Đầu tiên là nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tái cơ cấu nợ do thắt chặt các khoản vay ngân hàng và giám sát chặt chẽ trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Lãi suất tăng mạnh trong nửa cuối năm nay cũng làm suy yếu nhu cầu mua của khách hàng.
Trong khi đó, nguồn cung mới có thể sụt giảm khi quá trình phê duyệt pháp lý chờ được khai thông với Luật Đất đai sửa đổi.
Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc Quỹ đầu tư DG Investment - cho rằng, sau các đợt bán giải chấp với hàng chục phiên “lau sàn”, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản như PDR, DIG, HPX hay NVL hồi phục mạnh với nhiều phiên tăng kịch trần sau đó. Tuy nhiên, những phiên tăng giá của nhóm cổ phiếu bất động sản gần đây chỉ là những phiên hồi phục kỹ thuật. Ở thời điểm hiện tại, rất khó để kỳ vọng cổ phiếu bất động sản bật mạnh như thời điểm đầu năm 2022. Nguyên nhân là do nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn đang chịu quá nhiều áp lực giảm giá.