Nhiều học sinh miền núi nghỉ học vì tảo hôn: Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo nóng
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có công văn gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn và duy trì sỹ số học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo công văn, sau dịp Tết Nguyên đán có hiện tượng học sinh bỏ học ở một số địa phương, đặc biệt là hiện tượng học sinh trong một số cơ sở giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nghỉ học vì tảo hôn.
Đầu tư giáo dục tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Ảnh minh họa |
Trước tình hình đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công văn số 404/BGDĐT-GDDT ngày 24/01/2024 của Bộ GD&ĐT về việc tăng cường, bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh và phụ huynh về phòng, chống các hủ tục lạc hậu, đặc biệt là nạn tảo hôn dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học.
Bên cạnh đó, các Sở GD&ĐT chỉ đạo phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục tập trung tổ chức dạy học nghiêm túc, quản lý học sinh chặt chẽ và giữ mối liên hệ thường xuyên với gia đình, địa phương để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm tình trạng học sinh bỏ học, đảm bảo duy trì sĩ số, ổn định dạy học. Triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm để bảo vệ quyền được học tập của học sinh trong độ tuổi đến trường.
Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước với hệ thống chính sách đặc thù, cơ sở vật chất, mạng lưới, quy mô trường lớp phục vụ cho sự nghiệp phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển đáng kể.
Hiện nay, toàn quốc có 1.149 trường phổ thông dân tộc bán trú ở 29 tỉnh, thành phố, với quy mô 252.671 học sinh bán trú. Bên cạnh đó, còn có 2.176 trường phổ thông có học sinh bán trú ở 29 tỉnh/thành phố với quy mô 213.199 học sinh bán trú.
Đáng nói, đến nay, phần lớn các tỉnh miền núi đã xóa bỏ được phòng học 3 ca, phòng học tạm các loại; tạo điều kiện cho hàng triệu học sinh được ngồi học trong phòng học kiên cố và giải quyết điều kiện chỗ ở cho hàng vạn giáo viên.
Đặc biệt, từ khi có mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú và các chính sách hỗ trợ đi kèm, chất lượng giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã được nâng lên rõ rệt.