Nghệ An: Doanh nghiệp bán lẻ “tung chiêu” kích cầu tiêu dùng
Doanh nghiệp bán lẻ Nghệ An không muốn kéo dài “3 tại chỗ” Nghệ An: “Hoa hồng” xăng dầu tăng, doanh nghiệp bán lẻ phấn khởi |
Theo Sở Công Thương Nghệ An, tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt năm 2023 ước đạt 6.797,8 tỷ đồng, chiếm 81,41% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, tăng 3,13% so với tháng trước và tăng 19,14% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng mức bán lẻ hàng hoá quý I năm 2023 ước đạt 22.547,2 tỷ đồng, tăng 12,15% so với cùng kỳ năm trước.
Nỗ lực “kéo” sức mua
Số liệu vừa được Sở Công Thương Nghệ An công bố cho thấy, sức mua trên thị trường bán lẻ ở địa phương này đã phần nào cải thiện sau đại dịch. Tuy vậy, vẫn còn nhiều yếu tố tác động đến thị trường, buộc các nhà bán lẻ phải cân nhắc kế hoạch kinh doanh để duy trì sức mua. Do đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ tại Nghệ An đã tung hàng loạt phương thức kích cầu mua sắm mới.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ ở Nghệ An đã tung hàng loạt phương thức kích cầu mua sắm mới. |
Trong đó, theo nhiều doan nghiệp bán lẻ giải pháp quan trọng là cắt giảm chi phí trong chuỗi cung ứng, thực hiện nhiều chương trình giảm giá để cải thiện sức mua.
Ví dụ như siêu thị BigC Vinh, ông Trần An Khang – Giám đốc siêu thị, cho hay thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi, hiện đã đi ít lại và giỏ hàng nhiều hơn, không còn đi mua sắm nhiều lần như trước đây, khách hàng đã thắt chặt chi tiêu hơn. Người tiêu dùng cũng quan tâm các mặt hàng thiết yếu, giảm giá, khuyến mãi và có sự so sánh giá để chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Do đó, để kích cầu mua sắm doanh nghiệp Big C Vinh khuyến mãi lớn 2 lần/1 tháng, các chương trình về thực phẩm tươi sống giảm thêm 10% nếu khách hàng đi chợ trước 10h sáng hằng ngày, giảm giá sốc trên 1000 sản phẩm thiết yếu là chương trình lớn nhất trong năm đang chạy, chiến dịch về giá được quảng bá rộng rãi để khách hàng trải nghiệm mua sắp tiết kiệm nhất trong giai đoạn này. Doanh nghiệp sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận để ổn định giá cả hàng hóa, duy trì sức mua. Kinh tế trong nước đang đà giảm sút, tuy nhiên bằng nhiều “chiêu” kích cầu doanh thu của Big C 3 tháng đầu năm vẫn tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2022. Đơn vị này còn chú trọng hỗ trợ đầu ra cho nông sản Việt và tăng sức mua bằng hoạt động khuyến mãi, giảm giá luân phiên đa dạng mặt hàng.
Phía đại diện WinMart/WinMart+ thông tin, hệ thống đã ứng dụng công nghệ vào xây dựng hệ thống logistics nội bộ, bước đầu giúp giảm 13% chi phí cung ứng trên mỗi sản phẩm. Bên cạnh đó, cũng triển khai các chương trình khuyến mại 2 tuần/kỳ, khuyến mại lên tới 50% áp dụng cho nhiều ngành hàng, có gian hàng không lợi nhuận để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, ghi nhận ngay từ đầu tháng 3/2023, khách khi mua sắm tại hệ thống bán lẻ tại Lotte Mart Vinh, với nhiều chương trình như săn hàng “giá rẻ vô đối” với nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm. Đây là chương trình giúp khách hàng tiết kiệm đến gần 50% chi phí so với mua bằng hình thức thông thường. Chương trình nhận được sự đồng hành từ những thương hiệu lớn như Sunhouse, Sakos, Casio, Anta, LocknLock…cùng nhiều nhãn hàng mua 1 tặng 1, sale đến 38% các mặt hàng như thực phẩm, đồ uống, sữa tắm... nhập khẩu từ Hàn Quốc.
Khảo sát tại một số điểm bán tại các siêu thị như MM Mega Market, Maximax, Vạn Xuân, Siêu thị Hương Giang ... cũng cho thấy, để duy trì kinh doanh, đa số các nhãn hàng, thương hiệu tại đây đã đồng loạt tung gói khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng chi tiêu như mua 1 tặng 1, tặng voucher giảm 10% cho hoá đơn từ 500.000 nghìn đồng...Đại diện các siêu thị này cho biết, thời điểm này để giữ được mức giá ổn định cho người tiêu dùng, cũng cả một nỗ lực đàm phán với nhà cung cấp.
Một năm dự đoán nhiều khó khăn
Theo bà Trần Thị Mỹ Hà – Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương Nghệ An, diễn biến phức tạp trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nói chung, tỉnh Nghệ An cũng năm trong vòng quay đó. Đối với các doanh nghiệp bán lẻ, áp lực lớn nhất là chi phí đầu vào "leo thang" hai năm qua. Tháng 3/2023 là tháng đầu tiên kể từ đầu năm đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nghệ An giảm với mức giảm 0,36% mặc dù tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, bình quân quý I/2023, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,80% so với cùng kỳ năm 2022. Giá cả cao, cùng những biến động về kinh tế đã ảnh hưởng tới khả năng chi trả thực tế của nhiều người.
Người tiêu dùng quan tâm các mặt hàng thiết yếu, giảm giá, khuyến mãi và có sự so sánh giá để chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả hơn. |
“Người tiêu dùng sẽ thắt chặt hầu bao, giảm hoặc không mua hàng hóa không cần thiết, chọn mua hàng có giá rẻ hơn, chuyển sang kênh mua bán trực tuyến với giá “mềm” hơn...”, bà Hà cho hay.
Đại diện các nhà bán lẻ, doanh nghiệp tại Nghệ An, đều cho rằng năm 2023 cũng là năm mà kinh tế Việt Nam gặp khó khăn, nhưng dự báo vẫn duy trì tăng trưởng tốt, riêng mức độ cạnh tranh trong thị trường bán lẻ dự đoán ngày càng gay gắt hơn với sự tham gia và mở rộng hoạt động của các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế, đặc biệt một số nhà bán lẻ đến từ Thái Lan và Hàn Quốc.
Nhà bán lẻ BigC Vinh cũng đánh giá, năm 2023 dự báo sẽ là một năm nhiều khó khăn của nền kinh tế, trong đó có hoạt động bán lẻ. Những tháng đầu năm, nhất là cao điểm mua sắm Tết, BigC Vinh ghi nhận lượng người mua tăng so với cùng kỳ năm 2022 nhưng giá trị giỏ hàng giảm đáng kể. Tương tự, đại diện hệ thống siêu thị MM Mega Market đánh giá, thói quen tiêu dùng đã có những thay đổi, mua số lượng nhỏ nhiều hơn là mua số lượng lớn. Xu hướng giảm sút ở kênh bán hàng trực tiếp đã xuất hiện nhưng chưa quá rõ rệt.
Bà Trần Thị Mỹ Hà cũng nhận định, các sản phẩm tiêu dùng sẽ tiếp tục ảm đạm đến hết nửa đầu năm 2023, sau đó các mặt hàng tiêu dùng gia dụng và sản phẩm thực phẩm sẽ phục hồi từ quý 3 khi các áp lực tăng giá giảm bớt và thời điểm đầu tháng 7/2023 thời điểm tăng lương sẽ kích thích mua sắm phục hồi.
Cùng với đó, các doanh nghiệp bán lẻ cũng đang có cơ hội tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn khi các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Chi phí vốn giảm, doanh nghiệp sẽ có điều kiện giảm giá thành sản phẩm, kích thích tiêu dùng nhiều hơn… các doanh nghiệp bán lẻ có cơ hội phát triển trở lại.