Ngành dược phẩm châu Âu nguy cơ thiệt hại vì đề xuất cải cách của EC
Việt Nam tăng nhập khẩu dược phẩm từ Mỹ Họp, làm việc định kỳ để gỡ vướng ngay cho doanh nghiệp dược phẩm |
Ngày 6/11, Liên đoàn công nghiệp và Hiệp hội dược phẩm châu Âu (EFPIA) cho rằng việc Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất cải cách quy mô lớn những quy định trong ngành dược phẩm có thể khiến thị phần của khu vực này trong lĩnh vực phát triển và nghiên cứu toàn cầu giảm 1/3 xuống 21% vào năm 2040, tương đương thiệt hại 2 tỷ euro đầu tư mỗi năm.
EC đã đề xuất rút ngắn thời gian độc quyền thị trường của một loại thuốc mới nhằm giảm chi phí cho người dân. (Ảnh minh họa: Reuters) |
Theo EFPIA, EC chưa tiến hành đánh giá tác động của những thay đổi đó đến khả năng cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU). Nếu những quy định mới trở thành luật, những doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các nước trong khối này sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
EFPIA cho biết thêm các công ty công nghệ sinh học nhỏ đã chuyển sang các nước ngoài EU như Mỹ và Trung Quốc.
Hồi tháng 4 năm nay, EC đã đề xuất rút ngắn thời gian độc quyền thị trường của một loại thuốc mới nhằm giảm chi phí cho người dân, giảm thời gian phê duyệt thuốc từ 400 ngày xuống 180 ngày.
Các biện pháp này cũng bao gồm việc thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thời gian bảo vệ dữ liệu lâu hơn ở tất cả 27 nước thành viên, cũng như những quy định thuận lợi đối với các loại thuốc chữa bệnh hiếm gặp và các quy định khác liên quan đến cơ chế ưu đãi...
EFPIA cho rằng các nước Đức, Bỉ và Pháp sẽ chịu tác động nặng nề nhất từ các quy định mới được đề xuất này.
Tuy nhiên, người phát ngôn EC nhấn mạnh rằng bất kỳ thay đổi nào đối với hệ thống ưu đãi của khối đều sẽ tác động như nhau đến các công ty có trụ sở tại EU và nước ngoài cung cấp thuốc vào thị trường EU và do đó sẽ không khiến các công ty tại liên minh này gặp bất lợi.
Dược phẩm là ngành có đóng góp lớn vào thặng dư thương mại của EU với kim ngạch xuất khẩu đạt 235 tỷ euro trong năm 2021.