Ngành du lịch: Nhiều nỗi lo trong năm mới 2023
Cơ hội cho du lịch Việt Nam tăng tốc, bứt phá |
Bùng nổ du lịch nội địa
Khép lại năm 2022, lượng khách du lịch nội địa đã đạt 101,3 triệu lượt, tăng 168,3% so với mục tiêu 60 triệu, thậm chí vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 - thời điểm chưa có đại dịch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 500.000 tỷ đồng.
Năm 2022 - năm hồi sinh du lịch nội địa |
Riêng ba tháng hè, lượng khách đạt hơn 35 triệu. Doanh thu đạt 495.000 tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch. Liên tiếp các tháng sau đó, khách du lịch luôn có sự tăng trưởng mạnh; gần 90% đơn vị du lịch, lưu trú đã hoạt động trở lại. Các kỳ nghỉ lễ, thậm chí nghỉ cuối tuần, từ Bắc vào Nam, các cơ sở lưu trú đều đông chật khách.
Một số nơi như Hạ Long, Sa Pa, Quy Nhơn, Phú Quốc… có thời điểm công suất phòng khách sạn đạt trên 95%.
Nhiều hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh/thành phố được triển khai hiệu quả, tạo tiền đề cho việc hình thành, khai thác các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng, góp phần phục hồi ngành du lịch.
Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam – nhận định: Cả xã hội mong muốn du lịch phục hồi. Chính quyết tâm đó khiến du lịch là một trong những ngành hồi phục nhanh nhất.
Nhiều chuyên gia cũng khẳng định, 2022 là năm hồi sinh của du lịch nội địa. Sự hồi sinh mạnh mẽ của du lịch nội địa cho thấy đây là thị trường quan trọng nhưng lâu nay chưa được khai thác đúng mức. Điều này đòi hỏi ngành du lịch cần quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa, phát triển đồng đều giữa du lịch nội địa và du lịch quốc tế.
Nỗi lo còn đó
Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, kết quả này không bất ngờ vì thời điểm đó, du lịch trong nước là thị trường trọng tâm và các doanh nghiệp đều tập trung khai thác khi hoạt động outbound (đưa khách Việt Nam đi nước ngoài) chỉ mới giai đoạn khởi động lại.
Đáng bàn hơn, thông tin từ một số doanh nghiệp lớn cho thấy, sức mua của mảng nội địa chỉ tăng trưởng mạnh đến tháng 10 và bắt đầu giảm từ tháng 11, kéo dài đến tháng 12, nhằm vào thời điểm tập trung cho mùa tour Tết.
Việc có rất ít công ty lữ hành dám mua trước các chuỗi vé máy bay nội địa và nước ngoài để bán vào dịp Tết đã cho thấy phần nào sự khó khăn của thị trường.
Giới chuyên gia nhận định, thị trường nội địa năm 2023 sẽ có nhiều thử thách hơn khi các nhu cầu kết nối gia đình và nghỉ dưỡng sau dịch bệnh đã được giải quyết nên sẽ khó có sự bùng nổ đột biến.
Ngoài ra, sự khó khăn của kinh tế từ giữa năm 2022 tiếp tục ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiêu của người dân đối với hoạt động du lịch trong nửa đầu năm, thậm chí cả năm 2023.
Bên cạnh đó, sự trở lại của du lịch outbound sẽ là một áp lực cạnh tranh cho các điểm đến trong nước khi du khách Việt có xu hướng quay trở lại đi du lịch nước ngoài nhiều hơn, với mức chi phí hợp lý hơn, cũng như những ưu đãi rõ ràng và sản phẩm độc đáo...
Trong khi đó, việc thu hút khách quốc tế còn nhiều rào cản, chính sách thị thực là điển hình. Tại thời điểm mở cửa với khách quốc tế, Việt Nam vẫn chỉ miễn visa cho 24 quốc gia với thời gian 15 ngày và gần như không có sự thay đổi trong suốt 8 tháng qua.
Khách đi tự túc phải mua tour qua các công ty du lịch, đối mặt với những thủ tục nhập cảnh chậm chạp và thời gian chờ xét duyệt hồ sơ kéo dài. Vì vậy, cấp thị thực trực tuyến và cấp thị thực ngay tại cửa khẩu được kiến nghị xúc tiến nhanh, để tạo ra sức cạnh tranh khách quốc tế.
Về vấn đề này,ông Vũ Thế Bình cho rằng, cơ quan chức năng cần gắn kết, trao đổi với nhau để tạo ra sự hài hòa trong quá trình làm thủ tục và hãy làm nhanh nhất các thủ tục vì khách có thể thay đổi ý kiến ngay lập tức khi xung quanh mời chào dễ dàng, mạnh mẽ, mà chúng ta còn chậm chạp trong việc làm thủ tục thì chắc chắn sẽ gây khó khăn.
Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách, trong đó khoảng 102 triệu khách nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch 650.000 tỷ đồng. |