Ngành công nghiệp điện tử đối mặt nhiều thách thức
Quá nhiều thách thức
Điện tử là một trong những ngành công nghiệp chủ chốt, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của nhóm ngành công nghiệp chế biến tạo. Sự góp mặt của các doanh nghiệp FDI với nguồn lực tài chính dồi dào và thị phần ổn định là một phần nguyên nhân giúp sản xuất một số sản phẩm chính của ngành như sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giữ được mức tăng trưởng dương 7,8% trong 8 tháng năm 2021. Dù vậy, theo dự báo của Bộ Công Thương, ngành công nghiệp điện tử khó có thể duy trì được mức tăng trưởng cho năm 2021 khi sản lượng điện thoại di động chỉ bằng khoảng 97,7% và sản lượng ti vi bằng với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ việc tạm thời thiếu vật liệu, linh kiện và bộ phận hỗ trợ, tại Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trực tuyến 2021 với chủ đề " Kết nối doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội và Thách thức hậu Covid-19" tổ chức gần đây, bà Đỗ Thị Thuý Hương- Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam - cho rằng, ngành công nghiệp điện tử còn đang đối mặt với nhiều thách thức.
Trong đó, việc thay đổi thói quen và phương thức tiêu dùng ở trạng thái bình thường đòi hỏi Việt Nam phải kịp thời điều chỉnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài để đảm bảo dòng vốn FDI có chọn lọc. Nguy cơ tụt hậu xa hơn do sự phát triển quá nhanh của công nghiệp 4.0 và buộc phải phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo. Nhân công giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên sẵn có không còn là lợi thế.
Nhiều thách thức đang chờ đợi ngành công nghiệp điện tử |
Việc thiếu nguồn lao động lành nghề, thiếu năng lực tài chính và năng lực công nghệ để tiếp nhận công nghệ tiên tiến từ dòng vốn FDI. Bà Đỗ Thị Thuý Hương cũng cho rằng, cần phải chuẩn bị đối mặt với nguy cơ chuyển giao công nghệ thấp và trung bình vào Việt Nam. Ngoài ra, các thách thức an ninh phi truyền thống, như: Biến đổi khí hậu, khai thác không bền vững tài nguyên thiên nhiên cũng sẽ tác động mạnh đến các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Trong ngành điện tử, nếu phát triển nóng, yếu tố phát thải môi trường cần được quan tâm nhiều, bởi nó ảnh hưởng tới tương lai của ngành.
Đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số
Trước nhiều thách thức, lãnh đạo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhấn mạnh, đẩy mạnh số hoá cho các doanh nghiệp là một giải pháp quan trọng. Theo đó, Chính phủ cần tập trung đầu tư vào các công ty đầu đàn để có thể kéo theo các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, hình thành chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp Việt.
Về phía doanh nghiệp, theo bà Đỗ Thị Thuý Hương, đây phải là đối tượng chủ động nhất trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh về nhân lực, công nghệ, quản trị sản xuất để lớn mạnh trong chính chuỗi cung ứng đã tham gia. Đẩy mạnh tiếp nhận các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng, tăng cường kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI. Chủ động đẩy mạnh số hóa trong doanh nghiệp.
Thực tế đã chứng minh, trong bối cảnh dịch bệnh, việc đi lại bị hạn chế, phần lớn các giao tiếp đã chuyển sang hình thức online thì chuyển đổi số cực kỳ quan trọng. Ngay cả trước khi dịch Covid-19 khởi phát, thế giới đã bắt đầu một công cuộc chuyển đổi công nghệ quan trọng, định hình nơi cách thức và nơi tiến hành sản xuất. Đại dịch bùng phát đã thúc đẩy nhanh hơn tốc độ ứng dụng công nghệ và mô hình kinh doanh mới.
Bà Phạm Liên Anh - Cán bộ Chương trình cao cấp, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC – Ngân hàng Thế giới) tại Việt Nam - cho hay, chuyển đổi số cũng giúp doanh nghiệp sản xuất ra quyết định điều chỉnh kịp thời linh hoạt, giúp người mua theo dõi được tiến trình thực hiện đơn hàng, giám sát được chất lượng hàng hiệu quả hơn. Đặc biệt với khách hàng mới, doanh nghiệp rút ngắn được rất nhiều thời gian kể từ khi gửi báo giá đến khi kiểm toán, đánh giá năng lực và đặt hàng qua mạng.
Chuyển đổi số quan trọng như vậy, nhưng theo bà Phạm Liên Anh, hiện trạng chuyển đổi số ở các doanh nghiệp Việt Nam hiện còn chậm. Nguyên nhân đầu tiên, doanh nghiệp không chắc chắn về lợi ích kinh tế và thiếu thông tin cũng như kỹ năng chuyển đổi số. Sự tự tin quá mức và cho rằng áp dụng chuyển đổi số cao hơn mức thực sự sử dụng cũng là nhân tố hạn chế khả năng chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Cùng đó là việc thiếu đội ngũ chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số, đặc biệt là đội ngũ tư vấn về số hoá kỹ năng nghiệp vụ sản xuất có hiểu biết cả về công nghệ sản xuất và công nghệ thông tin; quan ngại về rủi ro liên quan đến an toàn, bảo mật thông tin; chi phí cho các giải pháp số hoá có sẵn thường quá lớn và không phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ… cũng khiến quá trình chuyển đối số của doanh nghiệp công nghiệp điện tử chưa cao.
Qua đó, bà Phạm Liên Anh đưa ra khuyến nghị, chuyển đổi số nên tập trung vào các lĩnh vực quan trọng cho việc chuyển đổi số hay các lĩnh vực mà khoảng cách chuyển đổi số còn lớn như chức năng nghiệp vụ sản xuất, quản lý chất lượng. Giải quyết các rào cản thông tin làm tăng sự không chắc chắn của doanh nghiệp trong chuyển đổi số thông qua các khoá đào tạo, phổ biến kinh nghiệm từ các doanh nghiệp đã chuyển đổi số thành công. Phát triển đội ngũ chuyên gia tư vấn chuyển đổi số. Hợp tác với các doanh nghiệp đầu chuỗi trong hỗ trợ doanh nghiệp cung ứng chuyển đổi số…