Ngành bán lẻ kỳ vọng gì trong nửa cuối năm 2023?
Doanh nghiệp bán lẻ tích cực chuyển đổi số Đại học Hoa Sen và MM Mega Market Việt Nam hợp tác đào tạo nhân lực ngành bán lẻ |
ACBS cho rằng, sức tiêu dùng trong nước đang dần hồi phục, cùng với sự trở lại của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sau chuỗi ngày dịch bệnh ảm đạm sẽ góp phần vào sự tăng trưởng tích cực của ngành bán lẻ trong thời gian tới.
ACBS cho rằng ngành bán lẻ sẽ cải thiện hơn về cuối năm |
Kỳ vọng nửa cuối năm
Trong báo cáo về ngành bán lẻ vừa công bố, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, giai đoạn 5 tháng đầu năm 2023, doanh thu bán lẻ hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng 10% so với cùng kỳ 2022.
Tuy nhiên, các nhà bán lẻ và các đơn vị nghiên cứu thị trường nhận thấy sức mua của người tiêu dùng đang sụt giảm so với các quý trở lại đây, do ảnh hưởng từ tình hình kinh tế khó khăn, áp lực lạm phát đối với một số mặt hàng, môi trường lãi suất tăng...
Về cơ cấu doanh thu bán lẻ hàng hóa, nhóm mặt hàng lương thực và thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 35% và tăng trưởng bình quân 14% trong giai đoạn này. Việc doanh thu hai mặt hàng thiết yếu trên tăng mạnh cho thấy người tiêu dùng đang "thắt lưng buộc bụng", chỉ tập trung vào những hàng hóa cần thiết nhất cho cuộc sống, trong bối cảnh kinh tế khó khăn và tình trạng sa thải ở nhiều công ty.
Vậy nhưng, xét riêng tháng 5, một số mặt hàng ít thiết yếu như đồ gia dụng, may mặc... đang "bật" tăng trở lại, kéo theo hy vọng về sự mở đầu cho thời kỳ phục hồi chi tiêu của người dân.
Theo đó, ACBS cũng kỳ vọng vào tương lai của ngành bán lẻ trong nửa cuối năm, dựa trên dự báo về tình hình kinh tế khả quan hơn. Cụ thể, ACBS cho rằng chi tiêu của người tiêu dùng có thể sẽ cải thiện nhờ lãi suất đã có điều chỉnh giảm có thể khôi phục hoạt động tài chính tiêu dùng, thuế VAT giảm và các biện pháp của chính phủ nhằm giải quyết một số vướng mắc của lĩnh vực bất động sản và tài chính.
Ngoài những yếu tố ngắn hạn kể trên, ACBS dự đoán trong dài hạn, sức tiêu dùng còn được thúc đẩy bởi nền kinh tế nhiều dư địa phát triển, dân số lớn, quá trình đô thị hóa, thu nhập gia tăng, mức sống cao hơn và tầng lớp trung lưu mở rộng.
Lấy ví dụ, hiện quy mô dân số Việt Nam đã chạm mốc 100 triệu dân và dân số thành thị tăng đều qua các năm. Năm 2006, dân số thành thị chỉ chiếm 23% nhưng đến năm 2022 dân số thành thị đã tăng lên mức 39%. Ngoài ra, cơ cấu dân số Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng khi có 67,4% dân số trong độ tuổi lao động.
Theo ACBS, tầng lớp trung lưu của Việt Nam được dự báo tiếp tục mở rộng, nhờ kinh tế phát triển và đô thị hóa. Theo báo cáo của Knight Frank, số lượng người có giá trị tài sản ròng cao (HNWI; tài sản trên 1 triệu USD) của Việt Nam đã tăng 70,8% trong giai đoạn 2017 - 2022 và dự báo tăng 60,4% trong 2022 - 2027.
Cũng theo ghi nhận của McKinsey, mức chi tiêu hàng ngày của các tầng lớp người dân Việt Nam đang diễn ra sôi động... Những chỉ số trên được xem là cơ hội thuận lợi, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của ngành bán lẻ.
Ngoài những yếu tố tích cực trong nước, ACBS cũng cho rằng sự trở lại của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không chỉ trong năm nay mà còn trong tương lai cũng sẽ giúp ngành bán lẻ tăng trưởng mạnh mẽ.
Cuộc chiến giành giật thị phần
Dù vậy, trở lại thực trạng trước mắt, ngành bán lẻ vừa trải qua thời kỳ "nguội lạnh" đáng quên thể hiện rõ qua kết quả kinh doanh của những anh lớn đầu ngành.
Điển hình, quý II/2023, Công ty CP Đầu tư Thế giới Di Động (HOSE: MWG) ghi nhận doanh thu giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 29.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 98% về còn 17 tỷ đồng. Đây là mức lãi theo quý thấp nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Lãi giảm "không phanh" là hệ quả của chiến dịch "giá rẻ quá" mà MWG tung ra từ đầu tháng 4. Doanh nghiệp đã hạ giá bán điện thoại, laptop, điện máy để cạnh tranh với các đối thủ cùng ngành trong bối cảnh nhu cầu đang rất yếu ớt. Theo MWG, việc khuyến mãi "khủng" để lôi kéo khách hàng là khó tránh khỏi khi sức mua dòng sản phẩm điện thoại suy yếu từ quý IV/2022 và chưa có dấu hiệu phục hồi trong 6 tháng đầu năm 2023.
Đặc biệt, nhằm trấn an cổ đông về tin sốc này, MWG khẳng định việc lợi nhuận giảm sâu đã được doanh nghiệp tiên lượng từ trước và có sự phòng bị kĩ lưỡng, chẳng hạn MWG đã chuẩn bị sẵn dòng tiền hơn 2.500 tỷ đồng để chống chọi lại "cơn sóng dữ" đang ập đến. Khoản tiền 2.500 tỷ đồng này được sử dụng để đầu tư vào các sản phẩm mới, hàng bán chạy và các chương trình thúc đẩy bán hàng.
Tương tự, sau khi lao vào "cuộc chiến hạ giá", kết thúc quý II, Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HOSE: FRT) cũng bất ngờ báo lỗ sau thuế 200 tỷ đồng, dù cho doanh thu vẫn tăng trưởng 15% lên 7.200 tỷ đồng.
Con số lỗ ròng lớn chưa từng có của FPT Retail đã bất chấp những nỗ lực tiết giảm chi phí vận hành, như việc giảm hơn 5.000 nhân sự từ 15.481 người hồi đầu năm xuống còn 10.459 người của doanh nghiệp. Có thể thấy, các anh lớn bán lẻ đang sẵn sàng đổi lợi nhuận để giành lấy thị phần khi sức mua ngày càng eo hẹp...