Doanh nghiệp bán lẻ tích cực chuyển đổi số
Người tiêu dùng chuộng mua sắm qua mạng
Tại Việt Nam hiện có trên 1 triệu cửa hàng tạp hoá. Trong số này, chỉ có các siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện lợi đã ứng dụng công nghệ, còn lại các cửa hàng tạp hoá chiếm trên 90% số lượng điểm bán lẻ vẫn phải dùng sổ sách ghi chép lại và biện pháp thủ công để quản lý hàng hoá và hoạt động bán hàng. Do đó, tiềm năng để ứng dụng chuyển đổi số ngành bán lẻ là rất lớn.
Một nghiên cứu của Visa về thái độ thanh toán của người tiêu dùng tại các nước Đông Nam Á cho thấy quá trình chuyển dịch từ cửa hàng vật lý sang các nền tảng thương mại điện tử diễn ra nhanh chóng chỉ trong vòng vài tháng.
Chuyển đổi số giúp tăng doanh thu cho chuỗi cửa hàng Top Market của Tập đoàn Central Retail trong mùa dịch |
Sự chuyển đổi này tạo ra lợi thế cho dịch vụ giao hàng tận nhà khi có đến 87% số người tiêu dùng Việt được khảo sát hiện đang sử dụng dịch vụ này và 82% trải nghiệm dịch vụ lần đầu tiên từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Theo đó, trong số 10 đơn hàng thì có đến gần 6 đơn hàng được giao đến nhà, tăng gấp 20 lần so với thời điểm trước đại dịch.
Đại đa số (77%) người tiêu dùng Việt Nam hiện đã biết đến hoạt động mua sắm trên mạng xã hội. Tính đến thời điểm hiện tại, mức độ nhận biết và đón nhận loại hình thương mại này được ghi nhận đông đảo nhất ở nhóm người tiêu dùng trong độ tuổi 18-23.
Các nhà bán lẻ hiện nay đang quảng bá và bán sản phẩm, dịch vụ của mình đến người tiêu dùng thông qua mạng xã hội; nền tảng truyền thông mạng xã hội là nơi lý tưởng để các thương hiệu và người bán thu hút lượng lớn khán giảthông qua sự cá nhân hóa. Nhờ đó, họ không chỉ tìm được khách hàng tiềm năng nhờ quảng cáo nhắm vào đối tượng cụ thể, mà còn có thể tiếp cận khách hàng và mang đến những chương trình ưu đãi riêng phù hợp với nhu cầu từng cá nhân.
Đơn cử, bà Phạm Thùy Linh, Giám đốc Đối ngoại và Đầu tư, Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, dịch bệnh đã phần nào thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng, do đó hệ thống phân phối của Tập đoàn Central Retail đã nhanh chóng thay đổi, tăng cường cho kênh bán hàng trực tuyến và đa kênh (omni channel). Hình thức bán hàng được thực hiện song song gồm bán hàng trên các siêu thị trực tiếp và trên nền tảng thương mại điện tử: thông qua các kênh của chính hệ thống siêu thị của tập đoàn như: App GO! và Big C; zalo; panpage Big C/Go/ Top Markets và qua kênh đối tác giao hàng như Tiki, GrabMart, NowFresh… Thực tế, doanh thu từ kênh trực tuyến đã tăng cao trong giai đoạn giãn cách.
Một doanh nghiệp khác là Công ty Cổ phần Bibica mới đây đã ra mắt nền tảng chuyển đổi số ngành bán lẻ với trọng tâm là ứng dụng Bibica nhằm tăng tương tác và tối ưu hoá quyền lợi người tiêu dùng. Hai thành phần chính của giải pháp là ứng dụng di động (Mobile App) Bibica dành cho khách hàng và nền tảng dành cho cửa hàng (Bibica Shop). Nền tảng này cho phép người dùng tích điểm đổi quà sau mỗi lần mua sắm. Điều này sẽ kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn.
Trong thời gian tới Bibica sẽ triển khai cho hơn 150.000 cửa hàng tạp hóa trên cả nước. Việc triển khai App Bibica này không chỉ hỗ trợ việc quản lý bán hàng mà còn giúp các cửa hàng liên kết với nhau thành chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, hỗ trợ cùng nhau bán hàng và chăm sóc khách hàng.
Nhanh chóng nắm bắt thời cơ
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.367,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,7% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,1%). Đáng chú ý, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch diễn ra, doanh thu bán lẻ hàng hóa đã giảm. Cụ thể, trong 9 tháng, doanh thu bán lẻ ước đạt 2.779,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 82,54% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ và giảm 3,38% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng, doanh thu bán lẻ hàng hoá dự báo sẽ tăng cao, giúp thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa, tạo ra động lực tăng trưởng cho các tháng cuối năm. Điều quan trọng là doanh nghiệp nắm bắt tốt thời cơ để bứt phá trong quý cuối cùng của năm nay.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chuyển đổi số là một xu thế tất yếu trên toàn cầu hiện nay cũng như với Việt Nam. Các doanh nghiệp bán lẻ dù quy mô lớn, hay nhỏ, để nâng cao năng lực hoạt động, khả năng cạnh tranh, nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc khách hàng, mang lại những trải nghiệm mới và giá trị mới khác biệt cho người tiêu dùng, qua đó tối ưu hóa hoạt động, gia tăng doanh số và lợi nhuận, đều cần phải coi chuyển đổi số là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững trong tương lai.
Để chuyển đổi số, theo ông Nguyễn Tiến Hưng, Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bán lẻ nói riêng, cần phải thay đổi nhận thức, quyết liệt hành động về vấn đề này, nhất là cấp lãnh đạo doanh nghiệp; cần có tư duy lãnh đạo về công nghệ, dám thay đổi; lựa chọn mô hình chuyển đổi và giải pháp phù hợp; phải xác định được cụ thể nhu cầu chuyển đổi; có đội ngũ nhân sự về công nghệ đủ khả năng chuyển đổi số...
Đặc biệt, tập trung vào khách hàng không có gì là mới trong ngành bán lẻ, tuy nhiên trong bối cảnh đại dịch, các doanh nghiệp được khuyến cáo cần phải nhận thức rõ tầm quan trọng của an toàn và bảo mật thông tin khách hàng để lựa chọn các giải pháp uy tín khi triển khai chuyển đối số trong ngành.