Muốn bắt kịp Thái Lan, du lịch Việt Nam học hỏi điều gì?
Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam Lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng nhanh thứ 7 trên thế giới |
Du lịch Việt Nam cũng có thể vận dụng hợp lý những cách thức này để thu hút khách quốc tế.
“Phủ sóng” khắp thế giới để quảng bá du lịch
Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) dự báo, ngành kinh tế xanh nước này có thể đạt doanh thu 3.000 tỷ baht (86,74 tỷ USD) vào năm 2024, tương đương năm 2019.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, Thái Lan đón khoảng 10,3 triệu lượt khách quốc tế, thu về 428 tỷ baht (hơn 12 tỷ USD). Việt Nam cũng nằm trong top 10 thị trường khách lớn nhất của Thái Lan (với khoảng 500.000 lượt).
“Kết quả này có được một phần lớn nhờ công của Văn phòng TAT tại TP. HCM trong công tác quảng bá điểm đến, thu hút du khách Việt Nam”, bà Sukanya Sirikanjanakul, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương thuộc TAT khẳng định.
Cụ thể, Văn phòng TAT tại TP.HCM thường xuyên tổ chức đoàn Famtrip, Presstrip đón các đoàn doanh nghiệp và báo chí Việt Nam đến Thái Lan khảo sát các tuyến, điểm du lịch. Cuối tháng 6 vừa qua, đơn vị này tổ chức sự kiện Amazing Thailand Festival 2023 tại Hà Nội với nhiều hoạt động nghệ thuật, ẩm thực, cung cấp thông tin, khuyến mãi. Chiang Mai và Phuket là 2 điểm đến được đẩy mạnh quảng bá trong dịp này.
Cách làm du lịch của người Thái có thể gọi là ‘nghệ thuật cành tre’ và ‘đo ni đóng giày’. Tức là, Thái Lan có thể làm hài lòng hầu hết các đối tượng du khách, từ khách cao cấp tới khách bình dân, ai cũng dễ dàng trải nghiệm Thái Lan theo cách họ mong muốn. Làm du khách hài lòng, ngành du lịch Thái Lan khéo léo khiến du khách sẵn sàng chi tiêu đến đồng tiền cuối cùng, ở lâu hơn, quay lại nhiều lần hơn.... Ông Lê Công Năng, CEO Wondertour |
Đại diện TAT cho biết thêm, từ năm nay, TAT bắt đầu xúc tiến các hoạt động thúc đẩy du lịch hướng tới nhóm đối tượng du lịch tự túc, bởi đây là xu hướng du lịch của tương lai. TAT cũng đẩy mạnh quảng bá các tour trải nghiệm thí điểm theo định hướng du lịch bền vững ở Koh Tao (Đảo Rùa), thuộc tỉnh Surat Thani nằm ở miền Nam Thái Lan, với mong muốn du khách quan tâm đến bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường...
Theo bà Sukanya Sirikanjanakul, một trong những cách giúp Thái Lan thu hút khách quốc tế là bố trí 28 văn phòng TAT ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các đơn vị này có nhiệm vụ “phủ sóng”, quảng bá hình ảnh du lịch Thái Lan, đồng thời nghiên cứu, theo dõi hành vi du lịch của du khách quốc tế để đưa ra các chương trình quảng bá riêng biệt theo từng thị trường.
TAT đang thực hiện chiến dịch “Visit Thailand Year 2023 - Amazing New Chapters” (Du lịch Thái Lan năm 2023 - Những chương mới tuyệt vời) và Soft Power (Quyền lực mềm). Du khách yêu mến, muốn tìm hiểu về du lịch Thái Lan có thể khám phá mọi khía cạnh thông qua nội dung 5F của chiến dịch, bao gồm: Food (ẩm thực) - Film (phim ảnh) - Festival (lễ hội) - Fight (nghệ thuật võ thuật) và Fashion (thời trang).
Nói về slogan mới - “New Chapters”, bà Sukanya Sirikanjanakul cho biết, slogan thay đổi theo từng năm cũng là kết quả làm việc của các văn phòng TAT trên toàn thế giới. Mỗi năm, đại diện các văn phòng sẽ trở về Thái Lan để họp bàn, đưa ra slogan phù hợp, ấn tượng để thu hút khách du lịch ở mọi nơi trên thế giới.
Liên kết để cạnh tranh về giá
Giờ đây, Thái Lan là điểm đến không còn xa lạ với các tín đồ đam mê xê dịch trên toàn thế giới. Nhiều du khách đã tới đây vài lần, họ trở lại vì du lịch Thái Lan luôn đổi mới.
Cùng với quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả, Thái Lan còn có chính sách visa khá thông thoáng khi miễn visa cho 64 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chia sẻ thêm về sức hút của du lịch Thái Lan, ông Lê Công Năng, CEO Wondertour cho rằng, người Thái Lan có cách làm du lịch nhất quán, sáng tạo với giải pháp cụ thể, đặc biệt, các tour được thiết kế với mức giá cạnh tranh vượt trội.
“Mùa hè năm nay, có một lượng lớn du khách Việt Nam chuyển hướng đi du lịch Thái Lan thay vì tour nghỉ dưỡng ở trong nước sau khi so sánh chi phí tour. Hiện tour du lịch Thái Lan phổ thông có giá chỉ hơn 7 triệu đồng, thấp hơn một số tour đường bay trong nước ở nhiều thời điểm”, ông Năng nêu ví dụ.
Theo đại diện các doanh nghiệp lữ hành trong nước, để có giá tour cạnh tranh như vậy, Thái Lan có sự nhất quán và liên kết chặt chẽ giữa các nhà cung ứng dịch vụ du lịch như vận chuyển, lưu trú, điểm tham quan, điểm mua sắm... nhằm bán sản phẩm mang lại giá trị kinh tế có tính tổng thể.
Đơn cử, nếu tách hoạt động shopping (mua sắm), ngay lập tức, giá tour Thái Lan về giá trị đúng và có thể ở mức giá cao hơn 1,5 lần. Tức là, tour Thái Lan giá thấp do có “giao kèo ngầm” giữa các nhà cung ứng dịch vụ bù trừ lợi ích cho nhau.
Trong khi đó, ở Việt Nam, gần như không có “liên kết ngầm” này. Gần như không có doanh nghiệp nào thể hiện vai trò lĩnh xướng, “dẫn dắt” cuộc chơi để có thể hạ giá tour nói chung nhằm thu hút khách quốc tế. Thậm chí, ngay cả trong các chương trình hội chợ kích cầu du lịch, thì sự liên kết, đồng nhất giữa các nhà cung cấp dịch vụ du lịch cũng rất yếu.
Một điểm đáng chú ý khác, du lịch Việt Nam lâu nay dựa vào biển là chính, sau đó là khai thác du lịch văn hóa. Ở Thái Lan, ngoài du lịch biển đảo, thì các vườn quốc gia, di sản thế giới, cố đô, các thành phố lớn cũng thu hút đông đảo du khách. Thủ đô Bangkok không có biển, nhưng đón lượng khách nước ngoài nhiều hơn cả tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019 (18 triệu lượt khách quốc tế), với 21,47 triệu lượt.
Muốn bắt kịp du lịch Thái Lan, Việt Nam cần có những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, được tin cậy để giữ những vị trí quản lý về du lịch; đồng thời, phải thay đổi nhận thức toàn diện về du lịch, bắt đầu từ thái độ, tinh thần phục vụ, cho đến phát triển hạ tầng và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, địa phương với nhau. Thay cho các nghị quyết, nghị định, những hội thảo, lễ hội kỷ lục…, cần có những chương trình hành động với mục tiêu và việc làm thiết thực, cụ thể. Thậm chí, theo đại diện một doanh nghiệp lữ hành, cần có một cơ quan giám sát độc lập, thì ngành du lịch Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, bền vững.