Mùa thu nhớ về một người phụ nữ huyền thoại của ngành Công Thương
Hà Nội rực sắc cờ hoa chào mừng Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 [Infographics] Cách mạng Tháng Tám: Mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước |
Kháng chiến toàn quốc tháng 12/1946 bùng nổ.
Bà Tống Minh Phương (gọi theo tên chồng, tên thật của bà là Trần Thị Hoa) cùng gia đình theo chính quyền cách mạng lên chiến khu Việt Bắc.Trước đó, một loạt cơ sở vật chất của chính quyền non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã được chuyển lên những địa điểm an toàn trên chiến khu.
Trong số đó có một kho hàng đặc biệt. Đó là toàn bộ hàng ngàn lượng vàng được hiến cho chính quyền cách mạng trong Tuần lễ vàng tháng 9/1945.
Một hôm đồng chí Sao Đỏ - Anh Cả (tức đồng chí Nguyễn Lương Bằng) gặp bà Hoa bảo chính quyền giao cho chị một nhiệm vụ đặc biệt. Bà Hoa cũng hoàn toàn bất ngờ với nhiệm vụ đặc biệt ấy. Đó là việc bà sẽ trực tiếp coi sóc toàn bộ kho vàng nói trên.
Cứ hơn tháng hoặc vài tuần là toàn bộ kho vàng được di chuyển để giữ bí mật. Địa điểm khi thì trong một hang đá nọ, lúc thì được khuân tới một hẻm núi năm thì mười hoạ mới có người qua lại.Những người trực tiếp trông coi kho cùng bà Hoa có lần tò mò hỏi, hàng được để trong kho là hàng gì? Nhiệm vụ đặc biệt không cho phép tiết lộ. Bà Hoa chỉ nói đơn giản là tài liệu bí mật của chính quyền, vậy thôi!
Sau cũng không ai hỏi nữa. Mọi người tập trung bảo quản toàn vẹn kho “tài liệu” bí mật ấy.
Một thời gian sau vào năm 1948 toàn bộ số vàng ấy được vào sổ sách, đóng gói... Việc coi giữ cũng được khoa học nhẹ nhàng đỡ vất vả hơn. Nhưng việc coi kho vàng ngân khố quốc gia khi đó vẫn là công tác hoàn toàn bí mật và vẫn trông cậy vào bà Hoa.
Năm ấy bà Hoa, người phụ nữ Hà Nội gốc, mới ngoài 30 tuổi. Cũng vào năm 1948, bà Hoa được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Bà Tống Minh Phương lúc sinh thời |
Đến năm 1952, bà Hoa chuyển công tác sang Bộ Công Thương, trực tiếp là lĩnh vực ngoại thương và lo công tác giao dịch viện trợ những mặt hàng thiết yếu cho đất nước.
Công việc này theo bà mãi đến năm 1969.
… Năm 15 tuổi (1930), cô bé Trần Thị Hoa theo mẹ và gia đình sang sinh sống tại Côn Minh (Trung Quốc).
Ở đây Trần Thị Hoa đã gặp và kết hôn với ông Tống Minh Phương.
Ngôi nhà của ông bà tại số nhà 76 đường Kim Bích kinh doanh may mặc. Được sự giác ngộ của tổ chức, nhà của ông bà đã trở thành nơi đi về của các cán bộ cách mạng trong những năm 30.
Đầu tháng 3/1940, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được bố trí đến ở nhà ông Tống Minh Phương trong một gian buồng nhỏ ở trên gác. Hiệu may đặt ở dưới tầng 1.
Về sau theo sự gợi ý của Nguyễn Ái Quốc, hiệu may Tống Minh Phương chuyển thành hiệu cà phê Tân Nam.
Ngôi nhà này của ông bà Tống Minh Phương – Trần Thị Hoa rồi đây sẽ vẫn là cơ sở cách mạng, điểm liên lạc tin cậy của chính quyền cho đến sau tháng 9/1945.
Khoảng giữa năm 1946, vùng Côn Minh bị quân Việt Nam quốc dân đảng của Vũ Hồng Khanh theo chân quân Tưởng phá phách, cộng đồng người Việt ở đây cũng không được yên ổn, nên bà Hoa phải bán toàn bộ nhà cửa, gia sản để về nước.
Về nước bà Hoa gặp đồng chí Anh Cả Nguyễn Lương Bằng nhận công tác. 200 cây vàng mang từ Côn Minh về, bà hiến toàn bộ cho tài chính Đảng.
Theo sự hướng dẫn của Anh Cả, bà bỏ ra 100 cây vàng mua nhà ở số 110, 112, 114 phố Lò Đúc làm nhà an dưỡng cho các đồng chí già yếu. Cũng khoảng thời gian này, bà dùng 100 cây vàng để mua biệt thự của một Pháp kiều ở gần khu Cầu Mới. Đường dẫn vào cổng có hai hàng liễu rất đẹp nên gọi là biệt thự Cây Liễu (nay thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Từ tháng 10/1946, lính Pháp thường gây hấn trong thành phố nên Bác ở số 8 phố Vua Lê (nay là số 8 phố Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng không an toàn. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng bố trí nhiều địa điểm ở nội và ngoại thành cho Bác nghỉ đêm. Bác chỉ xuống nhà 112 Lò Đúc một lần.
Cuối tháng 10 năm đó, bà được đồng chí Nguyễn Lương Bằng phân công xuống Biệt thự Cây Liễu dọn dẹp nhà cửa để Bác đến họp với các đồng chí trong Thường vụ Trung ương. Nhà có ba gian, gian đầu dành cho Bác ở, gian giữa để hội họp, gian cuối ngăn đôi: vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở nửa gian, bà ở nửa gian, làm luôn việc hậu cần.
Cuối tháng 11/1946, tình hình rất căng thẳng. Bác đến đây họp với Thường vụ Trung ương Đảng, thống nhất các chủ trương lớn của cuộc kháng chiến. Đầu tháng 12/1946, tình hình Hà Nội ngày càng căng thẳng do Pháp gây hấn ở nhiều nơi trong nội thành.
Bác không ở biệt thự Cây Liễu nữa, chuyển vào làng Vạn Phúc, Hà Đông. Bà Hoa theo cơ quan Tài chính của Đảng ra Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), Hà Nội rồi lên Việt Bắc.
Công việc thầm lặng của bà và sự đóng góp vô giá của vợ chồng bà cho cách mạng đã được Nhà nước ghi nhận ngay trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 30/6/1952, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, ghi công: “Ông và bà Tống Minh Phương đã tận tuỵ với sự nghiệp giải phóng dân tộc trong thời kỳ bí mật, đã cống hiến hết gia tài cho cách mạng”.
Năm 1996, bà được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Ba.
Năm 2013, bà Hoa đã thanh thản ra đi.
Sinh thời mỗi lần có dịp, những câu chuyện về quãng thời gian được tiếp xúc, làm việc với Bác Hồ và Trung ương vẫn được bà Hoa kể lại cho con cháu, bạn bè. Vượt lên mọi nỗi riêng tư, bà sống giản dị, thanh bạch như thuở xưa theo Bác Hồ kháng chiến, không màng danh lợi.
Bà vẫn bảo: "Tôi không có gì riêng tư cho mình, hiến tất cả cho cách mạng”. Rồi bà lại bảo, bây giờ, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, không phải cao xa gì, mà làm theo ngay trong công việc giản dị hằng ngày, không xa hoa, lãng phí, không tham lợi...
Nhà báo Xuân Ba của báo Tiền phong có lần kể trong một lần cùng ông Tạ Đình Đề tới thăm bà Tống Minh Phương, rằng "tôi băn khoăn hỏi thêm ông Đề rằng bà Tống Minh Phương vốn giàu có như thế, từng ủng hộ 200 cây vàng trong Tuần Lễ Vàng sao nhà cửa ọp ẹp vậy? Thoáng nhanh căn phòng chật chội chỉ khoảng 20 mét vuông trong một khu tập thể đông người...".
Vẫn theo lời kể của nhà báo Xuân Ba, "ông Tạ Đình Đề cười lắc đầu, tính ông bà ấy thế. Khiêm nhường kín đáo lắm nên mới làm công tác bí mật trong nhiều năm được. Sau 1954, khó khăn lắm, ông bà cứ lẳng lặng đi thuê nhà không muốn phiền người khác... Căn phòng ấy là Nhà nước phân phối cho đấy. Trong khu tập thể này nhiều người không biết bà Hoa trước đây làm gì chỉ biết bà ấy có nhiều ông làm to tới thăm!".