Mẹo trị nứt gót chân từ mỹ phẩm tự nhiên bạn nên biết
Chăm sóc tóc bằng nguyên liệu tự nhiên tại nhà, nên hay không? Tác dụng tuyệt vời của nha đam trong chăm sóc sắc đẹp Gợi ý cách chăm sóc môi nẻ khi trời hanh khô |
Nứt gót chân là hiện tượng khá thường gặp, đặc biệt là khi thời tiết lạnh, hanh khô. Mặc dù không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhưng nó gây mất thẩm mỹ, thậm chí là gây đau đớn, do đó cần khắc phục sớm.
Nguyên nhân nứt gót chân
- Tuổi tác: Theo thời gian, da giảm tiết dầu và trở nên mỏng dần.
- Môi trường: Với những tác hại từ ánh nắng mặt trời, môi trường xung quanh, tất cả các vùng da trên cơ thể đều bị ảnh hưởng, bao gồm da gót chân.
- Thời tiết hanh khô: Độ ẩm không khí thấp trong những ngày mùa đông lạnh giá là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nứt gót chân.
- Chăm sóc không đúng cách: Da gót chân cũng cần được dưỡng ẩm, đặc biệt là trong những ngày thời tiết khô hanh.
Ngoài ra, nứt gót chân còn do nguyên nhân bệnh lý. Những người mắc các bệnh đái tháo đường, viêm da dị ứng, vẩy nến, suy giáp… dễ bị khô da và nứt nẻ. Bạn hãy cùng tìm hiểu ngay những cách trị nứt gót chân tại nhà hiệu quả qua những gợi ý sau.
Chanh
Trong quả chanh chứa nhiều hàm lượng acid amin, vitamin C,... có lợi trong công cuộc tẩy da chết ở chân và giúp đôi chân nhanh chóng trở về trạng thái trắng mịn, mềm mại.
Pha nước cốt chanh với nước ấm rồi cho chân vào ngâm khoảng 10 - 15 phút, đồng thời dùng tay chà nhẹ nhàng phần gót chân để da chết bong ra. Ngoài ra, bạn có thể ngâm chân trong hỗn hợp nước muối cộng vài lát chanh, có thể thêm nước hoa hồng để ngâm chân, ngâm trong khoảng 20 phút rồi cũng dùng khăn lông khô lau nhẹ nhàng.
Chanh có lợi trong công cuộc tẩy da chết ở chân và giúp đôi chân nhanh chóng trở về trạng thái trắng mịn. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, với phương pháp trị nứt gót bằng chanh bạn nên thoa một lớp kem dưỡng ẩm lên chân ngay sau khi sử dụng liệu pháp điều trị với chanh, vì chanh có thể gây khô da, mất đi độ ẩm của da chân nên bạn cần lưu ý vấn đề này.
Dầu oliu
Những dưỡng chất có trong dầu oliu có công dụng tẩy da chết, dưỡng ẩm và giúp làm mềm vùng da bị tổn thương do khô nứt. Không chỉ vậy, dầu oliu còn có khả năng kháng khuẩn, giúp vết nứt gót chân mau lành.
Bạn chỉ cần trộn dầu oliu với nước chanh một lượng vừa đủ rồi dùng hỗn hợp bôi lên nơi nứt gót chân, kết hợp chà xát trong 10 phút rồi rửa lại bằng nước sạch.
Dầu dừa
Trong dầu dừa chứa nhiều vitamin E, tinh dầu và các khoáng chất cần thiết, nhờ đó mà dầu dừa có khả năng dưỡng ẩm tốt, giúp da chân hạn chế được vấn đề bong tróc, lột da, phục hồi da và tăng quá trình kích thích tế bào da mới phát triển, trả lại đôi bàn chân mịn màng cho phái đẹp.
Dầu dừa có khả năng dưỡng ẩm tốt, giúp da chân hạn chế được vấn đề bong tróc. Ảnh minh họa |
Cách dùng dầu dừa để trị nứt gót vô cùng đơn giản, bạn cần ngâm chân trong nước muối khoảng 30 phút để chân được sát khuẩn nhẹ và lớp da chết ở chân mềm hơn, dễ bong ra hơn, sau đó bạn dùng khăn lau khô rồi thoa dầu dừa lên những chỗ bị nứt nẻ rồi massage nhẹ nhàng cho lớp da chết bong ra từ từ. Với phương pháp này, bạn cố gắng thực hiện đều đặn 3 - 4 lần trong 1 tuần để đem lại hiệu quả tốt nhất và nhanh chóng nhất.
Mật ong
Mật ong chứa rất nhiều các khoáng chất có lợi và nhiều vitamin B, C và chất chống oxy hóa, nhờ vậy nên mật ong có tính kháng khuẩn và dưỡng ẩm rất tốt.
Nếu không có thời gian, bạn có thể cho 2 - 3 muỗng mật ong vào thau nước ấm rồi ngâm chân trong khoảng 20 phút và lau lại bằng khăn khô, thực hiện đều đặn 1 - 2 lần 1 tuần. Hoặc nếu bạn muốn vừa trị nứt gót vừa thư giãn đôi bàn chân, bạn có thể chọn pha mật ong với một ít giấm táo và bột gạo, tạo thành hỗn hợp sệt dẻo rồi dùng chúng thoa lên chân và massage nhẹ nhàng để lấy đi lớp da chết sần sùi ở gót, với phương pháp này bạn nhớ ngâm chân trong nước muối khoảng 20 phút trước khi thực hiện nhé!
Nha đam
Nha đam là một loại nguyên liệu quen thuộc trong các phương pháp làm đẹp từ thiên nhiên, bởi nha đam có tính kháng khuẩn cao, giúp giảm đau, làm giảm vết nứt và mềm da hiệu quả. Bạn chỉ cần tách vỏ nha đam ra để lấy phần gel trắng, rồi lấy gel thoa lên phần da chân bị nứt.
Nha đam có tính kháng khuẩn cao, giúp giảm đau, làm giảm vết nứt và mềm da hiệu quả. Ảnh minh họa |
Bạn có thể sử dụng cách này từ 1-2 lần/ngày mà vẫn an tâm và duy trì để da chân được mềm mịn hơn.
Dầu tràm trà
Dầu tràm trà vốn được sử dụng như một loại thuốc quý có tính kháng viêm, sát trùng cao nên có thể chữa lành vết thương và làm dịu da. Bạn chỉ cần chuẩn bị một chậu nước ấm và nhỏ vào đó vài giọt tinh dầu tràm trà. Sau khi vệ sinh chân sạch sẽ thì bạn đặt chân vào ngâm để chân được thư giãn, mềm mại hơn.
Dầu tràm trà có thể chữa lành vết thương và làm dịu da. Ảnh minh họa |
Những thói quen cần làm để gót chân khỏe mạnh hơn
Ngoài sử dụng thuốc/kem điều trị, cần lưu ý thực hiện những thói quen sinh hoạt sau để hạn chế tình trạng nứt gót chân:
- Không đi chân trần, kể cả ở trong nhà. Nếu trong nhà không đi dép thì nên đi dép vải mềm mại, hoăc tất thấm mồ hôi.
- Luôn luôn đi tất khi đi giày. Lựa chọn giày mềm mại, thoải mái để bảo vệ gót chân không bị tổn thương.
- Hạn chế đi dép xăng đan, dép xỏ ngón vì sẽ khiến chân dễ bị đau.
- Không đi giày cao, gót nhọn thường xuyên vì không sẽ làm biến dạng cột sống; mu bàn chân và làm đau nhức, tăng nguy cơ nứt gót chân.
- Không đứng, ngồi ở một tư thế quá lâu.
- Bổ sung đủ nước cho cơ thể, đặc biệt là chú ý chế độ ăn/uống tăng cường vitamin để da luôn được cung cấp độ ẩm, tránh bị khô và bong tróc.
Trên đây là gợi ý một số cách trị nứt gót chân phổ biến và dễ thực hiện ngay tại nhà. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn tìm ra được cách khắc phục tình trạng nứt gót và có một bàn chân đẹp hơn. |