Logistics Việt Nam: Tiềm năng chờ lực đẩy
Hơn một nửa số DN logistic thiếu nhân lực có trình độ vận hành, quản lý công việc thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin |
Nhiều doanh nghiệp, ít thị phần
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), ngành logistics Việt Nam đang xếp hạng 64/160 trên toàn thế giới với điểm (LPI) 2,98 và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Với tốc độ phát triển hàng năm đạt 16 đến 20%, logistics được xem là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều nhất của Việt Nam trong những năm qua. Tuy nhiên, có một thực trạng của ngành logistics nước ta hiện nay là hầu hết doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này có quy mô nhỏ, dịch vụ đơn lẻ, thiếu tính tích hợp; trình độ nhân lực chưa chuẩn hóa, ứng dụng công nghệ ở mức thấp. Số liệu điều tra của Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân về hoạt động logistics cho thấy: Có tới 54,7% DN logistics cho rằng, họ thiếu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, có trình độ vận hành, quản lý công việc thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin.
Chính vì thế, các DN nội mới chỉ cung cấp được những dịch vụ đơn giản như làm thủ tục hải quan, cho thuê phương tiện vận tải, kho bãi....
Chỉ rõ hơn những “điểm trừ” của ngành logistics Việt Nam, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho rằng, số lượng DN dịch vụ logistics của ta vẫn quá ít, mới có từ 1.300-1.500 DN so với cộng đồng 700-800 nghìn DN hiện nay. Bên cạnh đó, mức độ đóng góp cho nền kinh tế của ngành dịch vụ này hiện nay còn tương đối thấp, chỉ vào khoảng 2-3%; tỷ lệ thuê ngoài của ngành dịch vụ logistics cũng chưa phải là cao, nhiều DN xuất nhập khẩu, DN thương mại phải tự thực hiện các dịch vụ logistics, dẫn đến hoạt động này bị đánh giá là kém hiệu quả.
Đặc biệt, “cùng với tiến trình mở cửa, các DN có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực logistics cũng đã và đang tham gia tại thị trường Việt Nam và thường đó là các DN lớn như các hãng tàu biển, hãng hàng không và các DN chuyển phát nhanh, còn các DN Việt Nam mới chỉ chiếm thị phần tương đối nhỏ và ở những công đoạn tương đối đơn giản trong cả chuỗi tiến trình logistics”, ông Hải nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, ông Trương Văn Nhất, Phó giám đốc Công ty CP Thương mại tiếp vận quốc tế FTI đánh giá, mặc dù chiếm hơn 80% về lượng DN hoạt động nhưng các DN logistics Việt Nam mới chỉ làm dịch vụ các chuỗi cung ứng nhỏ trong thị trường nội địa, còn các hoạt động liên vận lớn, giá trị gia tăng cao đều do các tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia thực hiện.
Trước thực trạng này, theo ông Hải, đây là thời gian chúng ta phải chạy đua với các DN nước ngoài để có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng dịch vụ, nếu không thì thị trường Việt Nam sẽ không còn là mảnh đất cho DN Việt khai thác nữa.
Động lực cho doanh nghiệp và thị trường logistics Việt Nam
Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam được Bộ Công Thương xây dựng và trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới đã hướng tới việc tập trung xây dựng những DN logistics lớn, giữ vai trò “đầu tàu”, đồng thời xây dựng những trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế để nâng cao khả năng kết nối giữa DN Việt Nam với thế giới; phát triển ngành logistics, góp phần cùng các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng đóng góp vào GDP của ngành logistics đạt 5%. Đây được xem là động lực lớn không chỉ cho các DN hoạt động dịch vụ logistics mà còn cho các địa phương có lợi thế phát triển hạ tầng trong lĩnh vực này.
Kế hoạch này sẽ tập trung vào những giải pháp ngắn hạn và trung hạn để góp phần cải thiện ngành dịch vụ logistics trong 7-8 năm tới. Trong đó hướng vào những lĩnh vực như khung pháp lý, thể chế; hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về logistics cũng như xây dựng một hệ thống chính sách để hỗ trợ ngành logistic phát triển. Bên cạnh đó có khung pháp luật để hướng dẫn DN logistics hoạt động đúng luật pháp.
Ông Trần Thanh Hải cho biết thêm, không chỉ quan tâm đến việc làm sao có được những DN đầu tàu, đầu tư vào logistics để tạo ra làn sóng, tạo ra sự quan tâm lớn của cộng đồng DN với hoạt động này, việc xây dựng các trung tâm logistics tầm khu vực và vùng miền cũng đã được tính đến. Việt Nam là đất nước có lợi thế lớn về vị trí địa lý khi nằm ở trung tâm Đông Nam Á. Trong khi đó, Đông Nam Á lại nằm ở ngã ba của các cường quốc, khu vực sản xuất lớn trên thế giới. Biển Đông cũng là tuyến đường hàng hải bận rộn nhất trên thế giới cho các luồng hàng hóa di chuyển qua đó. Ta có cơ hội trở thành trung tâm trung chuyển, tập kết hàng hóa để từ đây phân phối đi các khu vực khác nhau như Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Mỹ, châu Đại Dương.… “Các trung tâm logistics lớn phải thỏa mãn các yếu tố: Nằm ở những vị trí thuận lợi (tốt nhất là nằm gần biển); nằm gần các trung tâm sản xuất lớn. Đối chiếu ta thấy có 2 vị trí đáp ứng được yêu cầu này là khu vực Đông Nam Bộ và ven biển Bắc Bộ như: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội. Đó là những vị trí đặt các trung tâm logistics quốc tế”, ông Hải khẳng định.
Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, còn có nhiều hạn chế trong liên kết giữa DN xuất nhập khẩu và DN logistics trong nước. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của DN nội còn yếu và chi phí logistics thuộc loại cao trong khu vực.... |