Lãi suất huy động tăng, lợi nhuận ngân hàng có bị co hẹp?
Bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng cuối năm 2022 được dự báo sẽ gặp ít nhiều "sóng gió" bởi lãi suất huy động đã thiết lập mặt bằng mới với mức tăng từ 0,5%-1,2% so với trước quý 2.
Lãi suất huy động tăng nhanh
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành tăng thêm 1%, đồng loạt ngân hàng thương mại đã vào cuộc.
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động để hút ròng tiền. (Ảnh: Vietnam+) |
Đầu tiên, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã điều chỉnh lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng thêm 0,8%-0,9%/năm so với trước đó, dao động từ 4,2%-5%/năm.
Tiếp đến, nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước cũng không nằm ngoài cuộc đua này với mức tăng khoảng 1% so với trước khi điều chỉnh. Hiện kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng được các ngân hàng này niêm yết từ 4,1%-4,7%/năm, tuy nhiên kỳ hạn 12 tháng được điều chỉnh mạnh lên tới 6,4%/năm, tăng tới 0,8%/năm. Đây là mức điều chỉnh mạnh nhất từ trước đến nay của khối này. Thậm chí gửi online khách hàng sẽ được hưởng lãi suất lên tới 6,8%/năm.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến ngày 16/9, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Trái lại tăng trưởng huy động mới chỉ đạt 4,17% so với cuối năm 2021, tăng 2,95% so với cùng kỳ năm 2021, chưa đạt một nửa so với tín dụng, điều này tạo áp lực lớn lên mặt bằng lãi suất huy động.
Các chuyên gia hy vọng với việc tăng lãi suất huy động ở thời điểm này sẽ thu hút được lượng lớn tiền gửi nhàn rỗi từ người dân và các tổ chức để đáp ứng vốn cho nền kinh tế.
Trong thời gian qua, tình trạng thanh khoản căng thẳng đã hiện hữu. Thể hiện rõ nhất ở diễn biến lãi suất liên ngân hàng tăng dựng đứng. Chỉ khoảng hơn chục phiên giao dịch, lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm từ mức 1,99%/năm (16/8), đến ngày 7/9 đã chạm 6,48%/năm.
Ngoài ra, thời điểm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 40% xuống 37% cũng không còn xa. Điều này càng khiến lãi suất huy động thị trường 1 (ngân hàng với dân cư) chịu áp lực tăng để củng cố thanh khoản và đáp ứng các quy định mới.
Triển vọng các ngân hàng sẽ ra sao?
Thông thường, lãi suất cho vay sẽ tăng theo lãi suất huy động và có độ trễ nhất định. Các ngân hàng phải mất từ 1 đến 2 quý để lãi suất cho vay đối với các khoản vay dài hạn cũ điều chỉnh lại hoàn toàn theo biểu lãi suất huy động mới.
Thêm vào đó, ở thời điểm hiện tại, định hướng xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước vẫn là giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch.
Điều này sẽ khiến việc tăng lãi suất cho vay sẽ trễ hơn và với biên độ nhẹ hơn. Vì vậy, các chuyên gia đánh giá trong năm 2022, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) về cuối năm sẽ thấp và điều này tác động trực tiếp lên lợi nhuận của ngân hàng.
Chuyên gia của công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng tỷ lệ NIM toàn ngành sẽ thu hẹp trong thời gian tới. Tuy nhiên tác động sẽ không giống nhau cho từng ngân hàng. Các ngân hàng có tỷ lệ tín dụng trên số vốn ngân hàng (LDR) thấp, hoặc các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thấp sẽ ít chịu áp lực về NIM hơn.
Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cũng đánh giá NIM của ngân hàng đang có xu hướng co lại, mỏng dần.
“Diễn biến lãi suất hiện nay không còn có lợi cho các ngân hàng như giai đoạn trước. Cụ thể, năm 2020 và năm 2021, các ngân hàng ‘kiếm bộn’ từ mảng tín dụng do lãi suất huy động giảm mạnh, trong khi lãi suất cho vay chỉ giảm từ từ, giúp hệ số NIM tăng cao. Nhưng bước sang năm 2022, chi phí đầu vào tăng theo lãi suất huy động, NIM giảm dần và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh,” ông Nghĩa nói.
Các chuyên gia cũng cho rằng mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh hạn mức tín dụng (room) cho một số ngân hàng nhưng vẫn chưa “xài” hết room tăng trưởng của cả năm là 14%. Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh room tín dụng dè dặt được ví “như muối bỏ bể” so với cơn khát vốn của doanh nghiệp hiện nay. Điều này cũng đồng nghĩa với việc vốn cho vay ra vẫn sẽ bị thu hẹp, hiện nhiều ngân hàng không thể tiếp nhận hồ sơ vay mới, chỉ giải quyết cho các hợp đồng đã ký nhưng chưa được giải ngân bởi việc hạn chế room này.
Bởi vậy, thu nhập từ lãi của các ngân hàng trong thời gian tới sẽ khó khăn hơn bởi chính sách quản trị rủi ro ngày càng nghiêm ngặt.
Nhóm nghiên cứu tại công ty chứng khoán VCBS nhận định: “Chúng tôi duy trì dự báo tích cực đối với lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng trong năm 2022. Tuy nhiên mức độ tích cực sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023, đặc biệt trong năm 2023 sẽ có sự phân hóa rõ rệt về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng.”