Kinh tế Việt Nam 2024: Kiên cường vượt “gió ngược”, thẳng tiến về đích
Dự báo tăng trưởng năm 2024 của Việt Nam ở mức 6% Kinh tế Việt Nam 2024: Kỳ vọng điểm sáng nào? Những kịch bản và điểm nhìn cho tăng trưởng GDP năm 2024 |
Chông gai
Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên nhờ sự kiên định và nỗ lực, chúng ta vẫn gặt hái được không ít thành công nhất định. Sang năm 2024, giữa bối cảnh quốc tế và khu vực diễn biến khó lường, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với những cam go, căng thẳng thậm chí còn "khó nhằn" hơn năm trước.
GS.TS Ngô Thắng Lợi, Chuyên gia kinh tế Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 rất cao so với thực tế. Ảnh: TTXVN |
Theo đó, chuyên gia kinh tế, GS.TS Ngô Thắng Lợi, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho hay mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 được Quốc hội đặt ra từ 6 - 6,5% là cao so với thực tế, phải rất nỗ lực mới có thể đạt được. Điều này đòi hỏi cần phải có sự đột phá.
GS.TS Ngô Thắng Lợi bày tỏ: “Nhất là trong thời gian qua, kinh tế Việt Nam cũng bộc lộ nhiều bất cập khi tăng trưởng đang có dấu hiệu “hụt hơi” theo thời gian. Trong đó, biên độ tăng trưởng đang có xu hướng giảm và chưa đủ mạnh để tạo ra những đột phá trong thực hiện tiến bộ xã hội. Chất lượng tăng trưởng cải thiện chậm dần (hiệu quả đầu tư, năng suất lao động), nhất là những năm gần đây và ở mức khá thấp so với các nước từng ở cùng thời kỳ như Việt Nam (như Hàn Quốc, Nhật Bản) đã làm giảm khả năng gia tăng thu nhập của nền kinh tế”.
TS. Cấn Văn Lực. Ảnh: VGP |
Đồng quan điểm trên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng thế giới năm 2024 sẽ nhiều khó khăn, rủi ro địa chính trị vẫn rất phức tạp, chiến tranh còn dai dẳng. Đặc biệt, xuất hiện xung đột ở Biển Đỏ sẽ cản trở giao thông và vận tải hàng hóa, dịch vụ, khiến chi phí logistics tăng lên. Vấn đề về an ninh lương thực, an ninh năng lượng cũng vẫn là một rủi ro cần lưu tâm.
Không chỉ vấn đề về rủi ro chính trị, với thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu, sự cố đổ vỡ ngân hàng trong năm qua đã khiến hệ thống ngân hàng trở nên thận trọng hơn và đương nhiên sẽ có những quy định và giám sát chặt chẽ hơn, khiến tăng trưởng tín dụng toàn cầu ở mức độ thấp hơn. Đầu tư của thế giới cũng phục hồi nhưng còn chậm. Tiêu dùng, đặc biệt ở hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc, vẫn còn khá thận trọng.
Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023, chia sẻ về mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng nhận định, khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là một nhiệm vụ khó, bởi năm 2024 vẫn còn tiếp tục các khó khăn mà đến nay chưa thể dự báo được.
Không những vậy, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank, ông Andrea Coppola cho rằng, bối cảnh quốc tế dự kiến sẽ còn nhiều thách thức. Sau đợt suy thoái toàn cầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm tốc hơn nữa vào năm 2024, trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Mỹ. Thêm nữa, chủ nghĩa về bảo hộ thương mại trong thời gian vừa qua gia tăng đã tác động khá lớn đến việc hội nhập và thương mại quốc tế của Việt Nam.
Vượt "gió ngược", tiến thẳng về đích
Không chỉ là mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024, xa hơn nữa là hoàn thành kế hoạch 5 năm (2021 – 2025) gồm 23 chỉ tiêu như: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP…
Vì vậy để hoàn thành các kế hoạch, mục tiêu đề ra, Chính phủ và các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp, hướng đi.
Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2024 đã đề ra, Việt Nam phải cố gắng rất nhiều. Ảnh: Chinhphu.vn |
Cụ thể, GS.TS Ngô Thắng Lợi cho biết: Trước mắt, cần thực hiện phát triển bao trùm ở góc độ doanh nghiệp, nhằm tạo môi trường, cơ hội để các doanh nghiêp có chung một “sân chơi” giúp cho doanh nghiệp thỏa sức thực hiện phát triển kinh doanh. Phải tập trung cải cách, tạo sự bình đẳng giữa khối doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI. Đồng thời, xây dựng vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp “sếu đầu đàn”, để thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển.
Xa hơn nữa, không chỉ trong giai đoạn ngắn hạn 5 năm, mà ở trung và dài hạn, để đạt mục tiêu trở thành “quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao” vào năm 2030 và “quốc gia phát triển có thu nhập cao” vào năm 2045, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm là 7% trong vòng 20 năm tới.
Điều này đòi hỏi Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu để tăng năng suất và tăng quy mô doanh nghiệp, cải cách và phát triển thị trường, chú trọng cung cấp lao động có kỹ năng, khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển, tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo…
Bàn luận về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cũng đã kiến nghị một số giải pháp cho Chính phủ và các địa phương. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương khẩn trương đánh giá những tồn tại, bất cập, thách thức đang cản trở các nhóm động lực tăng trưởng hiện nay. Chính phủ cũng cần chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn.
Bên cạnh đó, thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ, trong đó ưu tiên thực hiện chính sách tài khóa hợp lý hỗ trợ tăng trưởng.
Cùng với đó là đẩy mạnh đầu tư công, chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu có vai trò quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và định hình lại chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, không để Việt Nam đứng ngoài xu hướng kinh tế thế giới, chú trọng đến ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, phát triển xanh - xu hướng tất yếu.
Với mục tiêu ưu tiên là thúc đẩy và đạt được mục tiêu kinh tế năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một nội dung quan trọng với Chính phủ là có phương châm năm 2024 phát triển bứt phá, tận dụng được các cơ hội trong Dự thảo Nghị quyết 01, chủ đề điều hành năm 2024. Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trong năm 2024, Quốc hội đã quyết nghị ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước nội dung ổn định kinh tế vĩ mô. Điều đó cho thấy quyết tâm của toàn hệ thống cũng như của Chính phủ về việc thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phục hồi và bù đắp lại những hạn chế, giảm sút trước đây do tác động khách quan của đại dịch Covid -19 cũng như các tác động của kinh tế thế giới trong năm 2023. |