Không để chậm tinh thần đổi mới của Luật Khoa học và Công nghệ
Nền KHCN của Việt Nam đang vận hành theo tinh thần đổi mới của Luật KHCN
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cho biết, Luật KHCN được đánh giá rất tiến bộ, tiếp cận với thông lệ quốc tế và nền kinh tế thị trường, góp phần tháo gỡ những vướng mắc của nền KHCN Việt Nam trước đây. Ngay khi Luật KHCN được thông qua, Bộ KHCN đã xây dựng các nghị định hướng dẫn luật và trình Chính phủ.
Đến nay, Bộ KHCN đã trình Chính phủ ban hành 6 nghị định hướng dẫn luật nhằm đưa nhanh các cơ chế, chính sách vào cuộc sống: Nghị định số 08/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KHCN; Nghị định số 11/2014/NĐ-CP về hoạt động thông tin KHCN; Nghị định số 23/2014/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển KHCN quốc gia; Nghị định số 40/2014/NĐ-CP quy định về việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KHCN; Nghị định số 78/2014/NĐ-CP về giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng khác về KHCN; Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KHCN. Bên cạnh đó, Bộ KHCN cũng ban hành trên 40 thông tư hướng dẫn các nghị định theo tinh thần đổi mới của Luật KHCN.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhìn nhận, việc ban hành các thông tư liên tịch với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính cho đến thời điểm này rất khó khăn. Nếu như các thông tư của Bộ KHCN thì Bộ KHCN hoàn toàn chủ động ban hành theo kế hoạch, lộ trình, nhưng thông tư liên tịch hoàn toàn phụ thuộc vào các bộ đối tác. Ví dụ, Thông tư liên tịch về hướng dẫn Nghị định số 40/2014/NĐ-CP quy định về việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KHCN, đến nay, Bộ Nội vụ vẫn chưa có ý kiến hiệp y ban hành dù chúng tôi đã gửi sang Bộ Nội vụ cách đây hơn nửa năm. Hay Thông tư liên tịch về hướng dẫn Nghị định số 95/2014/NĐ-CP quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KHCN cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Hệ thống KHCN của Việt Nam đã và đang được vận hành theo tinh thần của Luật KHCN mới như áp dụng cơ chế “đặt hàng”, cơ chế “khoán chi”, cơ chế quỹ KHCN… Điều đó được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy sự phát triển của KHCN Việt Nam. |
Nguyên nhân có thể vì các đạo luật khác về tài chính, công chức, viên chức có những quy định khác với Luật KHCN tạo nên những vướng mắc, và quy trình thẩm định ban hành thông tư chưa hợp lý, mất nhiều thời gian. Do vậy, Bộ KHCN sẽ cố gắng trong năm 2015 về cơ bản thống nhất được nội dung các thông tư liên tịch hướng dẫn Nghị định 40, Nghị định 95. “Chúng tôi sẽ cố gắng để làm sao những văn bản dưới luật không làm vô hiệu hóa những đổi mới của Luật KHCN. Đồng thời, Bộ KHCN đã có văn bản chính thức gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đề nghị quan tâm lưu ý để các luật ban hành sau này không phủ quyết những luật đã ban hành trước, nhất là những vấn đề mang tính đổi mới”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh./.
Quỳnh Nga