Hoá đơn điện tử trong kinh doanh xăng dầu: Đừng “ngại” khi triển khai
Phổ cập hóa đơn điện tử: Cần giải pháp đồng bộ Khởi tạo hóa đơn điện tử từ máy tính tiền đạt 74% kế hoạch giai đoạn 1 |
Mới đây, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã có văn bản gửi tới cả lãnh đạo Chính phủ với nội dung liên quan đến hoá đơn điện tử. Lý do được nêu lên là khi doanh nghiệp đã phải oằn mình với nhiều khoản ảnh hưởng đến lãi thì liệu có đáng không khi nay phải “cõng” thêm chi phí hoá đơn điện tử.
Việc “ngại” này của nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nhất là với doanh nghiệp bán lẻ, xuất hiện khi Bộ Công Thương đề nghị bổ sung quy định về lộ trình triển khai hóa đơn điện tử tại dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Một số doanh nghiệp đi xa hơn khi cho rằng chống xăng giả, xăng lậu và việc chống trốn thuế là việc của các cơ quan chức năng trong đó có lực lượng quản lý thị trường. Cùng đó có một lý do khác là khách mua nhỏ lẻ không có nhu cầu hay nói thẳng là không cần biết đến hoá đơn điện tử.
Nhưng điều cần nói ở nói ở đây là doanh nghiệp chỉ là một chủ thể tham gia trên thị trường xăng dầu. Do vậy bên cạnh mục tiêu tối thượng là doanh số thì chính các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm cùng với Nhà nước và người tiêu dùng trong việc bảo đảm thị trường xăng dầu cả nước vận hành ổn định, lành mạnh, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng cũng như các mục tiêu lớn khác như doanh thu, nghĩa vụ thuế và có cả chuyển đổi số trong nền kinh tế.
Ảnh minh hoạ. |
Trở lại câu chuyện hoá đơn điện tử. Đây là câu chuyện không mới khi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh toàn quốc phải thực hiện vấn đề xuất hoá đơn điện tử, bắt đầu từ ngày 1/7/2022 và đến nay, việc thực hiện hoá đơn điện tử được thống nhất trên toàn quốc.
Xăng dầu cũng không phải là ngoại lệ khi yêu cầu áp dụng hoá đơn điện tử tại tất cả các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Cùng đó những giải pháp khuyến khích người dân lấy hóa đơn thông qua chương trình "Hóa đơn may mắn" và thực hiện nghiêm việc thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định cũng được cơ quan chức năng áp dụng.
Tính đến những khó khăn thực tế trong việc áp dụng hoá đơn điện tử với kinh doanh xăng dầu và cũng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh cũng như người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã bổ sung quy định về lộ trình triển khai hóa đơn điện tử. Theo đó đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại vùng đồng bằng, đô thị, thời gian thực hiện sau 1 năm kể từ ngày nghị định sửa đổi Nghị định 95 có hiệu lực; đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các vùng miền núi thời gian thực hiện sau 2 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
Trên thực tế, hiện nay Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã chính thức vận hành giải pháp phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán hàng tại cửa hàng xăng dầu. Việc phát hành hóa đơn điện tử ngay sau từng lần bán khẳng định tính chuyên nghiệp của Petrolimex trong tổ chức điều hành, quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu tại gần 2.700 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc, đảm bảo tính minh bạch, chính xác, an toàn và hiệu quả; đồng thời, thể hiện vai trò tiên phong đáp ứng các yêu cầu về quản lý, phát hành và sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Ghi nhận từ thực tế các cửa hàng của Petrolimex cho thấy, hóa đơn điện tử đã mang đến những thuận lợi, lợi ích to lớn, khắc phục được những khó khăn, nhược điểm của hóa đơn giấy. Chẳng những vậy, hóa đơn điện tử cũng góp phần minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, ngăn chặn tình trạng buôn bán xăng dầu lậu, không rõ nguồn gốc trên thị trường, từ đó chống thất thu thuế cho Nhà nước.
Theo nhiều chuyên gia, câu chuyện doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu “ngại” hoá đơn điện tử có phần nào giống với câu chuyện liên quan đến đề xuất bỏ việc áp dụng bắt buộc mua bảo hiểm xe máy đang ồn ào thời gian gần đây khi cho rằng việc mua bảo hiểm xe máy chỉ mang tính đối phó trong khi thủ tục đền bù khi có rủi ro lại vô cùng nhiêu khê.
Điểm giống nhau của hai câu chuyện này là đều liên quan đến việc tiêu dùng của hàng chục triệu người.
Người ta vẫn nói trong số những thay đổi, khó nhất là thay đổi thói quen. Doanh nghiệp lâu nay chưa có thói quen mặn mà với hoá đơn điện tử và dưới góc độ người tiêu dùng càng không có thói quen lấy hoá đơn điện tử. Nhưng đã đến lúc cần thiết thay đổi thói quen ấy, không chỉ vì quyền lợi của chính mình mà còn là trách nhiệm với thị trường, với nền kinh tế.