Hỗ trợ doanh nghiệp ngành da giày nâng cao thị phần tại thị trường EU
Nâng tầm nhận thức trong phát triển thương hiệu Việt tại thị trường EU | |
Tác động tích cực của Hiệp định EVFTA tới doanh nghiệp |
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam - cho hay, EU là một thị trường truyền thống và cũng là một thị trường chính của ngành da giày.
Tuy nhiên trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường EU chúng ta chỉ chiếm vào khoảng 22 - 23% và sau khi Hiệp định có hiệu lực thì tỷ trọng này đã nâng lên là 26%.
Đặc biệt, theo bà Xuân, hai năm vừa qua khi mà ngành da giày bị chịu tác động của đại dịch Covid-19, hầu như xuất khẩu vào các thị trường đều có sự suy giảm. “Nhưng cũng nhờ Hiệp định EVFTA, ngành da giày vẫn duy trì được xuất khẩu vào thị trường EU và 2021 là năm chịu ảnh hưởng lớn nhất từ dịch Covid-19 thì thị trường EU vẫn có sự tăng trưởng”- bà Xuân nói.
Nhờ Hiệp định EVFTA ngành da giày duy trì được xuất khẩu vào thị trường EU |
Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày năm 2021 vẫn đạt kế hoạch đề ra và trong thời gian 9 tháng 2022 mức độ tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường trong khối EVFTA đều tăng ở mức 15 - 20%.
Đánh giá kết quả trên, bà Phan Thị Thanh Xuân - khẳng định, Hiệp định EVFTA thực sự cũng đã góp phần rất tốt trong thành tích xuất khẩu của ngành da giày. Đồng thời, ngành da giày tận dụng khá tốt EVFTA. "Tuy nhiên đối với những doanh nghiệp bắt đầu tham gia vào thị trường xuất khẩu còn nhiều khó khăn, cần phải nắm bắt các quy định, tiêu chuẩn của thị trường"- bà Xuân cho hay.
Từ quý IV năm 2022, theo bà Pha Thị Thanh Xuân, nhiều ngành xuất khẩu, trong đó có ngành da giày chịu tác động rất là lớn của thị trường thế giới. Cụ thể là các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản có mức suy giảm do tình hình lạm phát, mức độ tiêu dùng cũng suy giảm, và đặc biệt tồn kho khá lớn đối với mặt hàng thời trang, ảnh hưởng tới tình hình đơn hàng của ngành da giày.
Từ thực tế đó, dự kiến cho đến năm 2023 và phải đến hết quý II/2023 tình hình mới có tín hiệu khả quan và điều này cũng tác động khá lớn tới đơn hàng cũng như người lao động của ngành da giày. “Chúng tôi cũng xác định đây là một trong những thách thức rất lớn đối với ngành thời gian tới”- bà Xuân chia sẻ.
Để ứng phó với các khó khăn trong hoạt động xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sang thị trường EU, lãnh đạo ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, tổ chức này phải mở rộng tìm kiếm thêm các nguồn cung mới, các thị trường mới và đặc biệt là cố gắng tận dụng tốt các thị trường đã có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Với hướng đi này, ngành da giày hy vọng thời gian tới, trong lượng tổng cầu suy giảm, nhưng cái đơn hàng đối với Việt Nam sẽ vẫn được duy trì.
Đề cập thêm về tình hình gia tăng hàm lượng xuất xứ Việt Nam nhằm đảm bảo xuất khẩu ổn định sang EU, bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết, chúng ta cần phải thu hút thêm đầu tư sản xuất loại nguyên phụ liệu da thuộc tại Việt Nam để nâng tỷ trọng sản xuất giày, đặc biệt giày da để xuất khẩu vào thị trường EU, qua đó mới tăng cải thiện được tỷ lệ tận dụng được cơ hội từ EVFTA .
Bởi thực tế, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, sản phẩm chủ lực của ngành da giày là giày thể thao, tuy nhiên sản phẩm này của Việt Nam đang phải nhập khẩu khá nhiều da thuộc. Do vậy, đây đang là một thách thức rất lớn khi mà chúng ta chưa chủ động được nguồn nguyên liệu này.
Bên cạnh nỗ lực của ngàng da giày, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam mong muốn, cần phải tập trung thu hút đầu tư phát triển vùng nguyên liệu da thuộc để cải thiện hàm lượng xuất xứ đối với các sản phẩm xuất khẩu. Đặc biệt, bà Phan Thị Thanh Xuân kiến nghị, chúng ta nên có những địa phương có thể mà mở rộng phát triển vùng nguyên liệu cho da giày với những công nghệ mới, công nghệ thân thiện với môi trường và đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn cao của EU.
Ngoài ra, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam kiến nghị, cơ quan quản lsy cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực về thiết kế, vì đối với EU, hiện nay Việt Nam vẫn chủ yếu gia công chưa có được hàm lượng giá trị gia tăng tốt và cũng chưa chủ động được trong vấn đề đổi mới sáng tạo để tạo ra được giá trị gia tăng cao hơn.
Mặt khác, nếu chúng ta muốn mở rộng dư địa thị trường EU cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải trang bị những kiến thức, nâng cao năng lực của họ để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường này. “Chúng tôi cũng rất cần hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, đào tạo để giúp cho doanh nghiệp nâng cao được nội lực, đáp ứng được các tiêu chuẩn của một trong những thị trường khó tính như EU”- bà Xuân nhấn mạnh.
Phía Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cũng kiến nghị thúc đẩy các hoạt động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, Hải quan để triển khai các hoạt động đào tạo, đối thoại về cơ chế, chính sách để vừa đánh giá và vừa tạo ra được những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngành da giày nâng cao được thị phần tại thị trường EU.
Sau 2 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các doanh nghiệp đã bắt đầu thể hiện tính tích cực hơn và những lợi ích FTA này đem lại cũng rõ rệt hơn. EVFTA đã mang lại cơ hội đáng kể cho các doanh nghiệp Việt Nam. Một trong những động lực giúp các doanh nghiệp quan tâm cũng như tận dụng được ưu đãi thuế quan là lợi ích từ Hiệp định này mang lại. |