Hồ sơ bị ngâm quá lâu, Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh xin gặp lãnh đạo tỉnh
Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá thương hiệu du lịch Quảng Ninh Du lịch Quảng Ninh phục hồi mạnh mẽ, thu hút hàng triệu lượt du khách |
8 tháng kể từ khi đề xuất xin mở lại những sản phẩm du lịch từng được du khách ưa dùng trên vịnh Hạ Long và các sở, ngành liên quan cũng đã họp cho ý kiến nhưng rồi chỉ dừng ở đó. Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh xin được trực tiếp gặp và báo cáo với lãnh đạo UBND tỉnh để tỉnh xem xét cho ý kiến chỉ đạo.
Sản phẩm "Đánh cá cùng ngư dân" được thí điểm và hút khách, nhưng sau đó tạm dừng. Ảnh: Nguyễn Hùng |
Theo Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, căn cứ vào quyết định số 4686 QĐ-UBND ngày 21.12.2020 của UBND tỉnh phê duyệt “Đề án tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô”, Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh đã thành lập tổ công tác chuyên trách về công tác khảo sát, xây dựng và đề xuất thực hiện các sản phẩm dịch vụ du lịch biển đảo và các sản phẩm mới.
Sau khi tổng hợp, Thường trực Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh có báo cáo đề xuất mở lại một số các sản phẩm du lịch trên vịnh Hạ Long từng được thí điểm thành công nhưng sau đó bị tạm dừng từ năm 2015 đến nay.
Cụ thể, trước năm 2015, các công ty du lịch, dịch vụ đã triển khai các sản phẩm ở khu vực tuyến du lịch số 4 của vịnh Hạ Long, trong đó có: Đánh cá cùng ngư dân; Tắm biển, ăn tiệc nhẹ trên bãi biển; Ăn tiệc nhẹ trong hang; Đua thuyền rồng tại làng chài Vung Viêng; Chèo thuyền kayak tại các khu vực động Thiên Cảnh Sơn, Công Đỏ, tìm hiểu về đa dạng sinh học, giá trị địa chất của vịnh Hạ Long.
Các dịch vụ, sản phẩm trên đã được du khách trong nước và quốc tế biết đến, vừa góp phần giảm tải cho vịnh Hạ Long, vừa giúp thiết kế kéo dài các tour nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long từ 2 ngày 1 đêm lên 3-4 ngày để giữ chân du khách.
Tuy nhiên, sau khi các dịch vụ thử nghiệm được thực hiện, các bên đã không có tổng kết và đưa ra giải pháp hoàn thiện các thủ tục hành chính để sản phẩm dịch vụ được đưa vào sử dụng chính thức. Đến nay chỉ còn dịch vụ tham quan và chèo kayak tại động Thiên Cảnh Sơn và làng chài Vung Viêng...
Chèo thuyền Rồng tại làng chài Vung Viêng cũng là một sản phẩm được du khách nước ngoài ưa thích nhưng chỉ được thí điểm một thời gian ngắn. Ảnh: Nguyễn Hùng |
Việc các sản phẩm dịch vụ không được triển khai tiếp vừa gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp đã đầu tư vào các phương tiện vận chuyển và cơ sở vật chất, vừa giảm tính cạnh tranh của các điểm, trong khi vịnh Lan Hạ của Hải Phòng bên cạnh lại có các cơ chế, chính sách thông thoáng và phát triển nhanh chóng.
Đây là một trong những lý do chính khiến có tới 60% lượng khách sử dụng tàu ngủ đêm đã dịch chuyến từ khu vực Hạ Long và Bái Tử Long sang vịnh Lan Hạ.
Vấn đề này, Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh đã có văn bản số 40/HHDL-QN ngày 8.9.2022 báo cáo UBND tỉnh và đề xuất với Sở Du lịch Quảng Ninh. Sở Du lịch Quảng Ninh đã có cuộc họp với Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh và các ngành hữu quan, đã có biên bản cuộc họp gửi báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh, nhưng đến nay, Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh chưa nhận được chỉ đạo của tỉnh.
Vì vậy, Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh quan tâm, cho phép lãnh đạo Hiệp hội Du lịch cùng các doanh nghiệp dịch vụ được trực tiếp gặp và báo cáo với lãnh đạo UBND tỉnh để tỉnh xem xét cho ý kiến chỉ đạo.
Chia sẻ với Lao Động, đại diện các công ty du lịch, dịch vụ tại Quảng Ninh cho biết, quy trình, thủ tục để xin mở sản phẩm, dịch vụ du lịch lâu nay rất phức tạp, mất nhiều thời gian.
Theo đó, để mở một sản phẩm, dịch vụ mới, doanh nghiệp phải tự xây dựng đề án rồi xin ý kiến của các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan. Quá trình này cũng hết sức phức tạp, mất nhiều thời gian bởi nhiều hồ sơ bị trả đi trả lại để bổ sung các ý kiến đóng góp của các đơn vị chức năng. Kết thúc quá trình này, hồ sơ được trình lên UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến.
Tuy nhiên, điều bức xúc nhất là cả doanh nghiệp, chính quyền, các cơ quan chức năng đều mất nhiều công sức, thời gian nhưng lại không có kết quả cuối cùng và doanh nghiệp không biết có được làm hay không.