Hạn hán do El Nino làm giảm nguồn cung, Việt Nam có thể tăng xuất khẩu gạo
Giá gạo Việt Nam xuất khẩu lập đỉnh 15 năm Thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Trung Quốc Giá gạo Việt xuất khẩu đắt nhất thế giới, vừa mừng vừa lo |
Sản lượng lúa gạo giảm tại nhiều nước và cơ hội của Việt Nam
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lần đầu tiên sau 8 năm, sản lượng gạo của Ấn Độ niên vụ 2023/2024 dự kiến sẽ giảm, làm tăng khả năng nước này kéo dài chính sách hạn chế xuất khẩu gạo để ngăn lạm phát giá lương thực trước cuộc bầu cử.
Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo (REA) dự báo, sản lượng niên vụ 2023/2024 sẽ giảm khoảng 2-3%.
Với nguồn cung ổn định, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ đạt 8 triệu tấn trong năm 2023. Ảnh: Tân Long |
Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng dự kiến sản lượng gạo của Ấn Độ giảm 3%, tương đương giảm khoảng 4 triệu tấn, đạt tổng sản lượng 132 triệu tấn.
Cục Thống kê Indonesia cho biết, sản lượng gạo năm 2023 của nước này dự kiến sẽ giảm 2% xuống còn 30,9 triệu tấn do thời tiết cực kỳ khô hạn.
Thông tin từ Cơ quan Thống kê Philippines cũng cho hay: Sản lượng lúa của quốc gia này trong quý 3/2023 đã giảm 10,58% so với quý trước, ước đạt 3,79 triệu tấn (quý 2/2023 đạt 4,24 triệu tấn).
Nguồn tin từ các nước cho thấy, nhu cầu nhập khẩu gạo từ các nước đang tăng sẽ mở ra cho Việt Nam cơ hội xuất khẩu gạo lạc quan.
“Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog) đã ký hợp đồng nhập khẩu 1 triệu tấn gạo trong tổng hạn ngạch bổ sung được giao là 1,5 triệu tấn từ 4 quốc gia là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar.
Đợt nhập khẩu bổ sung này được tiến hành nhằm tăng cường kho dự trữ gạo của Chính phủ Indonesia đến năm 2024”, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.
Tập đoàn Thương mại Thực phẩm và Nông ngư nghiệp Hàn Quốc cũng đã thông báo đấu thầu quốc tế để mua khoảng 177.000 tấn gạo. Trong đó, có 20.000 tấn từ Việt Nam.
Giá gạo cao nhất thế giới có gây bất lợi cho xuất khẩu?
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện tại giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới: 653 USD/tấn (gạo 5% tấm), 643 USD/tấn (gạo 5% tấm). So với giá gạo các nước, gạo 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn gạo Thái Lan 92 USD/tấn, cao hơn gạo Pakistan 90 USD/tấn, cao hơn gạo Myanmar 65 USD/tấn...
Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch VFA - cho rằng, trong thời gian qua, giá gạo Việt Nam tăng "nóng", một số trường hợp doanh nghiệp năng lực tài chính yếu bị thua lỗ đã hủy hợp đồng.
Giá lúa gạo cao có lợi cho nông dân, nhưng có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu, bởi khi giá gạo Việt Nam lên quá cao, khách hàng sẽ tìm đến thị trường khác có giá tốt hơn và chất lượng gạo tương đương với gạo Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Hòa – CEO Dương Vũ Rice đánh giá rằng, ưu thế của gạo Việt Nam ngoài chất lượng không thua kém, thậm chí tương đương gạo Thái Lan, thì so với các nước cùng xuất khẩu gạo, gạo Việt Nam có ưu thế hơn hẳn nhờ luôn xuất khẩu gạo mới.
“Đây là đặc điểm vượt trội của gạo Việt mà người tiêu dùng các nước rất thích, dù giá gạo Việt Nam cao”– ông Nguyễn Quang Hòa nói.
Theo ước tính của Bộ Công Thương, trong 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, trị giá đạt gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Dự báo năm 2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo với kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD, đây là con số cao nhất từ trước đến nay và là năm thắng lợi xuất khẩu gạo của Việt Nam.