Gợi mở cơ chế, thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản
Bộ trưởng Cao Đức Phát chia sẻ các vấn đề liên quan đến công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam tại ISG 2014 - Ảnh NTD
Tại Hội nghị toàn thể nhóm các nhà tài trợ quốc tế (ISG) với chủ đề “Thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam” , Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát nhận định: Bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam còn thấp; cơ sở hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến còn kém phát triển; quy mô công nghiệp chế biến còn nhỏ, thiết bị lạc hậu. Đây là nguyên nhân chính làm giá trị nông sản Việt Nam thấp hơn từ 15% đến 50% so với sản phẩm cùng loại từ các quốc gia khác.
Để giải quyết bài toán này, Bộ NN&PTNT đã ban hành đề án và kế hoạch hành động “Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch”. Theo đề án, đến năm 2020, nhà nước sẽ chung tay với doanh nghiệp đầu tư theo hướng giá trị gia tăng các ngành hàng nông lâm thủy sản phải tăng bình quân 20%; giảm tổn thất sau thu hoạch 50% so với hiện nay.
Với quan điểm lấy thị trường là xuất phát điểm thúc đẩy, điều chỉnh phân bố nguồn lực sản xuất, ngành nông nghiệpViệt Nam khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp tham gia đầu tư sâu hơn trong các phân khúc có giá trị gia tăng cao như: chế biến, thương mại; ứng dụng khoa học công nghệ để chuyển dịch nhanh cơ cấu sản phẩm sang chế biến sâu, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, mặc dù đầu tư của doanh nghiệp luôn được coi là nguồn lực chính trong tổng đầu tư xã hội thực hiện hiện đại hóa chuỗi cung ứngnông lâm thủy sản, tạo giá trị gia tăng phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước nhưng nhà nước cũng sẽ có những điều chỉnh thích hợp để đảm bảo doanh nghiệp được chia sẻ rủi ro trong quá trình đầu tư lâu dài vào ngành nông nghiệp.
“Hiện tại chúng tôi đang kêu gọi và mở rộng các hình thức hợp tác, đầu tư trong quá trình triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia và các ngành sản xuất; phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, chính sách phát triển gắn kết mạng sản xuất với chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng quốc tế cũng như tăng cường thúc đẩy ngoại giao nông nghiệp, mở rộng thị trường, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy hội nhập toàn diện”, Bộ trưởng Phát nói.
Cùng chia sẻ những vấn đề liên quan đến công nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam, ông Henning Pederson – Trưởng đại diện Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tại Việt Nam cho biết: Nền nông nghiệp Việt Nam đã và sẽ hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Do đó cơ hội để nâng cao giá trị gia tăng thông qua đầu tư phát triển công nghệ chế biến là rất rõ ràng nhưng cũng đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức trong điều kiện, hoàn cảnh, trình độ và năng lực hiện tại.
Chính vì vậy, IFAD nói riêng và các tổ chức quốc tế nói chung cam kết sẽ tiếp tục sát cánh cùng Việt Nam để giải quyết những vấn đề còn tồn tại liên quan đến ngành công nghiệp chế biến nông sản, đặc biệt là về an toàn vệ sinh thực phẩm, sự ổn định về chất lượng và số lượng của nguồn nguyên liệu cũng như hàm lượng chế biến, lưu thông và marketing./.
Nguyễn Tiến Dũng