Giảm tồn kho: Khơi thông thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Bảo đảm vật tư chiến lược giúp sản xuất phát triển Bộ Công Thương: Tập trung giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất |
Doanh nghiệp nỗ lực các giải pháp quản trị để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Sản xuất công nghiệp là một trong những lĩnh vực cùng với xuất khẩu chịu nhiều tác động bởi sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu trong thời gian vừa qua.
Chính vì vậy, việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các khó khăn, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế là định hướng mà Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai và vào cuộc mạnh mẽ.
Tồn kho còn cao
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, áp lực lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm đã tác động trở lại tới hoạt động sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.
Thống kê cho thấy, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 ước tính tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 giảm 0,75%; quý 2 chỉ tăng 1,56%) và là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023.
Các ngành công nghiệp nền tảng, chủ lực của quốc gia như cơ khí, ôtô, điện tử, dệt may, da giày, sản xuất kim loại… đều suy giảm đáng kể cả về chỉ số sản xuất, sản lượng sản xuất lẫn kim ngạch xuất khẩu, trong đó điện thoại di động giảm 19,2%; ôtô và thép thanh, thép góc cùng giảm 18,2%; quần áo mặc thường giảm 7,1%; linh kiện điện thoại giảm 5,4%; vải dệt từ sợi tự nhiên giảm 4,3%.
“Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2023 là 83,1% (bình quân 6 tháng đầu năm 2022 là 78%)... cho thấy những khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng và tiêu thụ sản phẩm,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Làm rõ về nguyên nhân, theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), do sản xuất trong nước gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, xu thế thắt chặt chi tiêu mua sắm tại một số thị trường tiêu thụ lớn như EU, Mỹ đã ảnh hưởng mạnh đến đơn hàng của các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Bên cạnh đó, thị trường nội địa của các ngành sản xuất cũng sụt giảm mạnh. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chưa đạt yêu cầu, thị trường bất động sản đình trệ đã tác động tiêu cực đến nhiều ngành sản xuất liên quan.
Nhân viên Công ty hóa dệt Hà Tây sản xuất giày phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Đối với ngành dệt may, ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) phân tích xuất khẩu dệt may Việt Nam những tháng đầu năm giảm do các thị trường lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc... gặp khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu khiến cầu giảm, dệt may giảm mạnh.
"Thị trường hiện nay mang nhiều yếu tố về mặt tâm lý, bản thân các nhà mua hàng cũng phải nghe ngóng, đợi phản ứng của thị trường mới đặt hàng dẫn đến đơn hàng nhỏ lẻ, thời gian giao hàng gấp, thậm chí, đơn hàng có xu hướng chuyển về một số nhà cung cấp gần thị trường tiêu thụ," ông Vương Đức Anh nói.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong 6 tháng cuối năm, các ngành công nghiệp trong nước dự kiến sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức do kinh tế toàn cầu vẫn đang ở giai đoạn khó khăn, còn trong nước, sức mua dự kiến vẫn sẽ chậm hồi phục; việc tiếp cận và sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp còn khó khăn do lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào như logistics, nguyên vật liệu… vẫn ở mức cao.
Trong bối cảnh đó, ông Trương Thanh Hoài cho biết Cục Công nghiệp sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các mặt công tác để góp phần tháo gỡ khó khăn, duy trì và từng bước khôi phục, phát triển các ngành công nghiệp, bảo đảm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu năm 2023 của ngành Công Thương.
Cụ thể, Cục Công nghiệp tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Cùng với đó, tập trung công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Kết nối doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng với các đối tác lớn. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Với nội dung này, Cục Công nghiệp đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản để sớm đưa vào khai thác, chế biến và sử dụng các nguồn khoáng sản có giá trị lớn, tạo nguồn động lực tăng trưởng mới, đồng thời, bảo đảm tự chủ một phần nguồn cung nguyên liệu cho các ngành luyện kim, vật liệu trong nước.
Ngoài ra, Cục Công nghiệp cũng sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phát triển Công nghiệp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật giai đoạn 2023-2025, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, bền vững cho các hoạt động phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường, tăng cường năng lực sáng tạo và thiết kế.
Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm, cũng như nâng cao năng lực và sức chống chịu cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Tuy nhiên, để giúp các ngành công nghiệp khôi phục đà tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm, đại diện Cục Công nghiệp cũng đề xuất lãnh đạo Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công để tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, có chính sách tạo thị trường cho các ngành công nghiệp trọng điểm như cơ khí, thép, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải… chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản nhằm tạo động lực cho tiêu dùng cũng như các ngành công nghiệp xây dựng liên quan…/.
Năm 2023, Chính phủ đã giao các chỉ tiêu chính của ngành Công Thương gồm: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 8-9%; Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%, duy trì xuất siêu; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 8-9%. |