Giá xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam tăng mạnh trong 9 tháng
Giá hồ tiêu xuất khẩu tăng trưởng 2 con số Giá xuất khẩu hồ tiêu tháng 9 đạt mức kỷ lục 6.239 USD/tấn |
Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong tháng 9 đạt 17.104 tấn, kim ngạch 110,5 triệu USD, giảm 11,9% về lượng và giảm 5,4% về kim ngạch so với tháng trước; đồng thời giảm 5,6% về lượng nhưng tăng 63,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 9 tháng năm 2024 xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 200.268 tấn, kim ngạch 989,7 triệu USD, giảm 2,8% về lượng nhưng tăng 45% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
Giá xuất khẩu trung bình mặt hàng hồ tiêu của Việt Nam trong tháng 9 đạt 6.459 USD/tấn, tăng 7,4% so với tháng trước và tăng 73,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng năm 2024, giá xuất khẩu trung bình mặt hàng hồ tiêu đạt 4.942 USD/tấn, tăng 49,2% so với cùng kỳ năm trước.
9 tháng năm 2024 xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 200.268 tấn, giảm 2,8% về lượng nhưng tăng 45% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: MH |
Như vậy, lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam đã giảm đáng kể trong tháng 9. Đây là dấu hiệu cho thấy lượng hồ tiêu trong nước không còn nhiều.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo ngành hồ tiêu Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ giá xuất khẩu ở mức cao do nguồn cung hạn chế. Về dài hạn, giá tiêu xuất khẩu sẽ vẫn được hỗ trợ do sản lượng hồ tiêu vụ mùa 2025 của Việt Nam dự kiến giảm.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, về dài hạn, giá hồ tiêu xuất khẩu sẽ vẫn được hỗ trợ, bởi sản lượng mặt hàng này của Việt Nam trong vụ mùa 2025 dự kiến giảm. Theo dự kiến, vụ hồ tiêu năm 2025 của Việt Nam sẽ thu hoạch gần như toàn bộ vào tháng 2, một số vùng kéo dài đến tháng 3 và tháng 4, chậm hơn 1 - 2 tháng so với những năm trước, do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài, khiến nguồn cung hạt tiêu ngày càng khó khăn.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, lượng hồ tiêu trong dân gần như không còn, chỉ còn ở trong các đại lý và kho của doanh nghiệp. Tồn kho vụ 2023 chuyển sang cộng với lượng nhập khẩu năm 2024 vào khoảng 40.000 - 45.000 tấn (kể cả nhập khẩu tiểu ngạch), cho thấy nguồn hàng xuất khẩu cho tới cuối năm sẽ thấp hơn mọi năm và cho đến tháng 3/2025 khi vụ mùa 2025 dự kiến sẽ thu hoạch. “Trong 3 - 5 năm tới, sản lượng hồ tiêu toàn cầu vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Khi nguồn cung khan hiếm sẽ đẩy giá hồ tiêu lên” - bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam nhận định.
Tại thị trường trong nước, giá tiêu hôm nay giảm 1.000 – 3.000 đồng/kg xuống mức 143.000 – 145.500 đồng/kg, giảm 1.000 – 3.000 đồng/kg so với ngày hôm qua. Đây cũng là mức giá thấp nhất ghi nhận được kể từ đầu tháng 9 đến nay.
Tại thị trường thế giới, cập nhật từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) giá tiêu đen Việt Nam vẫn duy trì ổn định ở mức 6.500 USD/tấn với loại 500 g/l; loại 550 g/l ở mức 6.800 USD/tấn; giá tiêu trắng vẫn ở mức 9.850 USD/tấn...
Theo các chuyên gia, việc giá tiêu trong nước giảm nhẹ chủ yếu là do tác động của một số yếu tố: Nhu cầu tiêu thụ nội địa giảm, sức cạnh tranh từ các sản phẩm thay thế, áp lực từ giá vàng và giá USD, và việc chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch cà phê mới.
Nhu cầu tiêu thụ nội địa giảm là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc giá tiêu giảm. Nền kinh tế Trung Quốc, thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam, đang đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2024, đặc biệt là tình trạng tăng trưởng chậm, nhu cầu tiêu dùng giảm và áp lực lên dự trữ ngoại hối.
Điều này đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh về lượng nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Thực tế, trong 9 tháng năm 2024, lượng xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc đã giảm tới 84,1%, ảnh hưởng lớn đến tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam.
Sản lượng tiêu của Ấn Độ dự kiến đạt khoảng 60.000 tấn trong niên vụ 2023/24, tăng khoảng 6% so với năm trước. Quốc gia này vẫn đối mặt với tình trạng thiếu hụt do nhu cầu nội địa dự kiến sẽ vượt quá 66.000 tấn.
Hiệp hội Hạt tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết Việt Nam vẫn đang đứng top 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Tuy nhiên, trong bối cảnh có sự cạnh tranh và biến động thị thị trường thuận lợi cho các cây trồng khác như cà phê và sầu riêng nên diện tích, sản lượng hồ tiêu Việt Nam đang bị giảm. Nguồn cung sụt giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng đã đẩy giá hồ tiêu tăng lên.
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch VPSA khuyến nghị các doanh nghiệp cần điều chỉnh sao cho mức giá nhập vào và bán ra có mức tăng tương đồng để tránh rủi ro về giá. Nếu giá tiêu trong nước tăng, các doanh nghiệp cần phải tăng giá xuất khẩu tương ứng. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể mua dần, tránh dồn dập, nếu không sẽ tác động về giá khi có đơn hàng lớn, tạo thêm sự khan hiếm hàng.