Giá sụt giảm, cửa sáng nào cho tôm xuất khẩu?
Năm 2022, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng mạnh, xuất sang Mỹ giảm Tận dụng lợi thế để xuất khẩu tôm đạt mục tiêu năm 2023 |
Dự đoán nhu cầu thị trường sẽ hồi phục từ quý 2/2023, nhưng trong xu hướng giá thấp hơn năm 2022.
Khó khăn bủa vây
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2022, ngành tôm đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xung đột giữa Nga và Ukraine đã tác động mạnh mẽ lên chuỗi giá trị toàn cầu, giá nhiên liệu không ổn định, giá vật tư, xăng dầu, thức ăn thủy sản tăng. Ngay từ vụ nuôi đầu năm, người nuôi tôm đã phải đối mặt với tình thế khó khi hầu hết chi phí vật tư đầu vào, như: con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, hóa chất xử lý ao nuôi… đều đua nhau tăng giá.
Dự báo, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm 2023 sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ảnh: N.Thanh |
Tuy vậy, bước qua những thách thức, khó khăn, vụ nuôi tôm năm 2022 cơ bản thành công về kế hoạch diện tích, sản lượng và tỷ lệ thiệt hại được khống chế ở mức dưới 5,3%. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2022 đạt 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021 - đây cũng là mức kim ngạch cao kỷ lục của ngành tôm từ trước đến nay.
Dù đạt được kết quả ấn tượng trong năm 2022, nhưng năm 2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn được dự báo sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Đó là những thách thức phải cạnh tranh mạnh hơn với Ecuador và Ấn Độ. Khi năm 2023, Ecuador dự kiến sản lượng tôm lớn hơn 1,5 triệu tấn, gấp 2 lần so với sản lượng tôm thẻ chân trắng của Việt Nam (hơn 700.000 tấn). Đáng chú ý là giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới giảm dần từ nửa cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi nguồn cung toàn cầu tăng lên khoảng 6 triệu tấn. Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu trong nước lại có xu hướng tăng dẫn đến khả năng huy động nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu rất khó khăn.
Đánh giá về những khó khăn trong năm 2023, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, với riêng các thị trường nhập khẩu, với tồn kho còn lớn, nhập khẩu tôm của Mỹ dự báo chưa thể phục hồi trong nửa đầu năm 2023. Nhu cầu sẽ vẫn tập trung nhiều hơn vào tôm size nhỏ, lợi thế nghiêng về Ecuador vì nguồn cung tôm dồi dào hơn và lợi thế về vị trí địa lý. Ngoài ra, tình trạng lạm phát, xung đột Nga – Ukraine cũng sẽ có những ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu tôm.
Nền kinh tế châu Âu tiếp tục khó khăn nên xuất khẩu tôm sang EU không được đánh giá tích cực trong năm 2023. Với thị trường Hàn Quốc, nửa đầu năm 2023, nhập khẩu tôm của thị trường này sẽ chậm lại theo xu hướng trong quý cuối năm 2022 do kinh tế khó khăn, sau đó mới phục hồi.
Tận dụng từ lợi thế nhỏ nhất
Cùng quan điểm, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Công ty thủy sản Minh Phú cho rằng giá thành sản xuất tôm Việt Nam quá cao, nên khó cạnh tranh được với Ecuador và Ấn Độ. Nguyên nhân do tỷ lệ nuôi thành công thấp và chi phí đầu tư lớn.
"Tỷ lệ nuôi tôm thành công của ta chỉ đạt dưới 40%; trong khi ở Ecuador là trên 90%, Ấn Độ hơn 60%. Muốn nuôi tôm có tỷ lệ thành công cao, yếu tố con giống là quan trọng nhất", ông Quang nhấn mạnh và cho rằng nhà nước, ngành chuyên môn cần nghiên cứu giải pháp để có những khu nuôi tôm tập trung, nhằm giảm chi phí.
Gần 20 năm tham gia xuất khẩu, chưa khi nào Công ty CP Thủy sản Sạch Việt Nam (Vina Cleanfood) phải đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay. Nếu như vào thời điểm này năm ngoái, doanh nghiệp đã ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu, thì nay vẫn đang sản xuất cầm chừng chờ đơn hàng. Theo ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, lượng nguyên liệu trong nước giảm rất mạnh. Do đó, bức tranh xuất khẩu thủy sản quý 1/2023 sẽ rất tối.
Năm 2023, ngành tôm Việt Nam đặt mục tiêu đạt diện tích 750 nghìn hecta, sản lượng tôm các loại 1.080 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu hơn 4,3 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, theo Tổng cục Thủy sản, cần tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tôm để đáp ứng với nhu cầu của thị trường quốc tế. Ưu tiên phát triển ngành tôm theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Trong đó, tập trung hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả; phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao để giảm lao động trực tiếp, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Đi cùng với đó, thực hiện tốt công tác quản lý giống tôm nước lợ, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan trung ương và các địa phương để quản lý tốt chất lượng tôm giống; chia sẻ kịp thời, thường xuyên thông tin về nguồn gốc, chất lượng giúp bà con nuôi tôm có được con giống chất lượng cao phục vụ sản xuất. Đồng thời, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết (liên kết dọc gữa các nhà với nhau; liên kết ngang giữa các cơ sở sản xuất), sản xuất có chứng nhận chất lượng để sản xuất an toàn và hạ giá thành cho sản phẩm.
Nhằm thúc đẩy xuất khẩu tôm trong năm 2023, nhiều ý kiến cho rằng, cần có biện pháp quản lý, bình ổn giá cả vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm, tránh tình trạng tăng giá liên tục như hiện nay. Đồng thời, quản lý tốt giá tôm nguyên liệu, tránh để tình trạng tôm rớt giá ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Song hành với đó, ban hành cơ chế chính sách, nhất là về vốn hỗ trợ, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu trong nước phục vụ cho sản xuất thức ăn nuôi tôm, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Đối với các cơ quan chuyên môn, cần tăng cường công tác dự báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan, doanh nghiệp và các địa phương về giá cả, thị trường để kịp thời khuyến cáo người dân chủ động trong sản xuất. Triển khai các chương trình xây dựng chuỗi giá trị tôm, trong đó có kết nối cho vay vốn ưu đãi lãi suất, giảm lãi suất và giãn nợ cho các bên tham gia trong chuỗi ngành hàng để phục hồi sản xuất.